Với mỗi nhiệm vụ, Sở đã chỉ đạo, phân công cụ thể phòng chuyên môn phụ trách xây dựng kế hoạch, công văn nhằm hướng dẫn các đơn vị, chính quyền địa phương, nhân dân triển khai thực hiện, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Sở là việc tập trung xác định và tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN, trong đó hướng trọng tâm vào nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, Sở đã tổ chức tiếp nhận, tổng hợp các đề xuất đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đợt 1, năm 2022, trình xin ý kiến thường trực Hội đồng KH&CN tỉnh; tổ chức 9 hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thuộc 5 lĩnh vực. Qua đó, đã xác định được 15 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh để tuyển chọn đưa vào triển khai thực hiện đợt 1, năm 2022 và trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 13/5/2022.
Thông qua các nhiệm vụ KH&CN, Sở cũng đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương với 3 dự án xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Cả 3 dự án này đều đang tập trung xây dựng bộ hồ sơ đăng ký xác lập quyền SHTT. Đến nay, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm khoai môn tím và cá bỗng của huyện Lục Yên đã được Cục SHTT chấp nhận đơn hợp lệ.
Hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tranh đá quý của huyện Lục Yên, Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gà đồi và Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mật ong của huyện Trấn Yên đã được nộp về Cục SHTT.
Việc duy trì hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) trên địa bàn tỉnh cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Sở KH&CN triển khai thực hiện trong thời gian qua. Ngay từ đầu năm, Sở đã phối hợp tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 547/QĐ-UBND ngày 08/4/2022 về việc phê duyệt phân bổ kinh phí cho hoạt động này trong năm 2022.
Việc thanh kiểm tra trực tiếp hoặc gián tiếp trên trang thông tin điện tử của các cơ quan HCNN được triển khai thường niên, kịp thời hướng dẫn, khắc phục những hạn chế, tồn tại. Nhờ đó, đến nay, các đơn vị cơ bản đã kịp thời kiện toàn lại Ban chỉ đạo ISO, chỉ đạo cán bộ, công chức soát xét, xây dựng quy trình ISO phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị và mô hình khung của Bộ KH&CN.
Ban Chỉ đạo ISO của các đơn vị cũng đã có nhận thức sâu sắc về việc xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn là hoạt động bắt buộc theo đúng tinh thần tại Quyết định số 19 ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó, giúp người đứng đầu cơ quan HCNN kiểm soát tốt quá trình giải quyết công việc, nâng cao chất lượng cho toàn bộ hoạt động của đơn vị. Sau kiểm tra, Sở cũng tổ chức đánh giá, xếp loại kết quả nhằm định lượng việc chỉ đạo điều hành của các đơn vị với kết quả đầu ra rõ ràng, cụ thể.
4 nhiệm vụ còn lại trong Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy gồm: hướng dẫn 12 tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đổi mới công nghệ; tổ chức 8 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN, SHTT; tổ chức 2 hội nghị tập huấn về xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và phổ biến các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, giai đoạn 2021-2030; hướng dẫn 10 tổ chức, cá nhân công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định đang được Sở tiếp tục triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2022 đề ra.
Nguyễn Hoài