Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

  • Cập nhật: Chủ nhật, 26/6/2022 | 9:05:30 PM

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII

Sau đây, xin giới thiệu những nội dung quan trọng của Nghị quyết 19 về quan điểm, mục tiêu và các giải pháp thực hiện.

Về quan điểm, Nghị quyết 19 khẳng định:

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp... gắn với nhu cầu thị trường.

Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh 1.
Đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả. (Ảnh: PLO)

Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Nghị quyết 19 cũng đã nêu rõ những mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó:

Tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm.

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn.

Tầm nhìn đến năm 2045, được Nghị quyết 19 xác định:

Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Trong đó đáng chú ý như:

Cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn.

Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Nghị quyết 19 cũng chú trọng nhiệm vụ Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hoá đất. Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020. Xử lý triệt để những tồn đọng về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, chấm dứt tình trạng các công ty nông, lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất nhưng không đầu tư, tổ chức sản xuất mà khoán trắng cho hộ gia đình, cá nhân.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Nghị quyết 19 cũng đã nhấn mạnh những giải pháp liên quan đến ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

(Theo VTV)

Các tin khác

Triển khai kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Yên Bái/ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri/ Đại hội Hội Chữ thập đỏ tỉnh lần thứ VII/ Bế mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX/ Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh/ Thi công đường nối thị xã Nghĩa Lộ và các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai/ Tạm giam một cán bộ CDC Yên Bái liên quan việc mua kít xét nghiệm Việt Á... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua.

Ban chỉ đạo phòng chống, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lào Cai ra mắt.

Tỉnh Lào Cai ngày 26/6 công bố quyết định về thành lập Ban chỉ đạo phòng chống, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo

Sáng 25-6, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị gặp mặt các Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ được phân công. Tham dự Hội nghị có 20 Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Đón đoàn tại sân bay về phía Hungary có Phó Chủ tịch Quốc hội Istvan Jakab, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam Ory Csaba, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đối ngoại Văn phòng Quốc hội Beatrix Kese, và cán bộ Quốc hội Hungary.

Đúng 17h30, ngày 25/6 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã đến sân bay quốc tế Budapest Liszt Ferenc, thủ đô Budapest.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục