Phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống anh dũng, sáng tạo, tập hợp đoàn kết nhân dân các dân tộc, Ban Cán sự Đảng đã lãnh đạo nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa, giải phóng các châu: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái. Nhờ đó, Yên Bái đã vinh dự trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng Yên Bái mới được thành lập đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách bởi "giặc đói”, "giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc Yên Bái đã đoàn kết, dũng cảm, mưu trí bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng và củng cố lực lượng vũ trang. Đồng thời, huy động sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở các chiến dịch: Sông Thao, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Tây Bắc…
Đặc biệt là mở tuyến đường huyết mạch gần 200 km, nối căn cứ Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái và cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hòa bình lập lại, trong khí thế thi đua khôi phục kinh tế - xã hội, ngày 25/9/1958, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn của Đảng và Chính phủ về thăm.
Sự kiện chính trị trọng đại ấy cùng những lời dạy bảo ân cần của Bác đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng và thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hăng hái thi đua phấn đấu vượt lên xây dựng đời sống văn hoá mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong suốt 77 năm qua.
Các thế hệ cán bộ, đảng viên tỉnh Yên Bái trao đổi về công tác xây dựng Đảng bên thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã trải qua 77 năm xây dựng, trưởng thành và lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái lần lượt mở trang sử mới, cùng cả nước vững bước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và phát triển. Tỉnh đã đề ra mục tiêu thực hiện 3 đột phá chiến lược và các giải pháp hiệu quả, linh hoạt để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 nhanh, bền vững theo hướng: "
Xanh, hài hòa,
bản sắc và hạnh phúc”. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát triển con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, thiết thực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.
Năm 2021 vừa qua, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 31%, thu ngân sách tăng 18%, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 6,6%, trồng rừng mới đạt gần 74%, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 21/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm đầu nhiệm kỳ.
Đồng thời, tỉnh cũng xếp thứ 14/63 tỉnh, thành về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với tỷ lệ hài lòng tăng 2 bậc so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý I/2022 đạt 6,28%, xếp thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá, xã hội cũng có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được nâng lên, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục dân tộc có bước tiến bộ lớn. Cơ sở vật chất trường lớp và các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh được quan tâm đầu tư.
Chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh được đảm bảo; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ trẻ em đạt kết quả tích cực. Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở có bước phát triển, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Chăm lo giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội, người có công. Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 88/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 2,3% so với năm 2020.
Diện mạo thành thị đến nông thôn đã có nhiều đổi thay và không ngừng phát triển, tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững và ổn định, quốc phòng được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Từ chi bộ đảng đầu tiên được thành lập tại thị xã Yên Bái chỉ với 3 đảng viên, sau 77 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, hệ thống tổ chức đảng của tỉnh đã được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với 13 đảng bộ trực thuộc, 100% thôn, bản, tổ dân phố đều có chi bộ. Đến hết quý I/2022, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp 519 đảng viên mới, đạt 28,8% kế hoạch.
Trong quá xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Đảng bộ đã luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thực hiện có hiệu quả
Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng.
Luôn quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực và trình độ công tác.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác
vận động quần chúng của Đảng. Xây dựng hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh. Phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cũng như quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển địa phương. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt, gắn bó.
Những thành tựu to lớn mà tỉnh Yên Bái đạt được như ngày hôm nay, những truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây đắp trong suốt 77 năm qua chính là kết tinh của trí tuệ, tâm huyết, sức lực và bản lĩnh của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân trên quê hương giàu truyền thống cách mạng anh hùng. Dù khó khăn, gian khổ vẫn một lòng, một dạ sắt son với Đảng, kiên định và trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng của Đảng, của Bác đã chọn.
Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 - 30/6/2022) chính là dịp để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết trong Đảng, ý chí tự lực, tự cường, tự chủ trong nhân dân, cùng chung sức, đồng lòng thi đua phấn đấu xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương Yên Bái phát triển bền vững theo hướng ”Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Thanh Hương