Kính thưa:
- Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu và thân nhân liệt sĩ;
- Thưa các quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí.
Hôm nay, trong niềm xúc động và tự hào, cùng với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, xin trân trọng gửi đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, các thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng những tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu nặng và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.
Kính thưa các vị đại biểu!
Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, với ý chí kiên cường bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã đem cả máu xương, công sức của mình để gìn giữ độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc.
Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; tiếp đó là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do", nhân dân ta tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi những vết thương nặng nề của chiến tranh xâm lược gây ra chưa kịp được hàn gắn, đất nước ta lại phải chịu đựng những hy sinh, tổn thất mới trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả ở Lào và Campuchia và chiến tranh biên giới phía Bắc. Vì nền độc lập, tự do, vì sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho đất nước. Biết bao người đã ngã xuống trên các chiến trường, biết bao người khi trở về đã phải mang thương tật, bệnh tật suốt đời, biết bao nỗi đau chiến tranh mang tên chất độc da cam/ dioxin vẫn đang dày vò đến cả đời con, đời cháu... Và ngay cả khi đất nước hòa bình, máu đào của biết bao người vẫn đổ để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta, hàng triệu thân nhân liệt sĩ, biết bao gia đình, ông bà, cha mẹ, bao người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi …, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam".
Thấm nhuần đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta; thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của các thương binh, bệnh binh đối với đất nước, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Người đã khẳng định: "Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm đỏ thắm, tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền sử xanh", "Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ".
Tháng 7/1947, Bác Hồ đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là "Ngày Thương binh toàn quốc” để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với đất nước, từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đổi "Ngày Thương binh toàn quốc” thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn trình bày diễn văn Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, kể từ ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20 "Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” - đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh -liệt sĩ, đến nay, các chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được hoàn thiện, bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp hơn với thực tế. Việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thể hiện nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến xương máu cho Tổ quốc, vì độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
Hòa chung dòng chảy lịch sử dân tộc, lịch sử của Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các thời kỳ, quê hương Yên Bái đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú, đến nay đã có 67.096 người có công đã được vinh danh, công nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, trong đó có 5.658 liệt sĩ, 4.581 thương binh, 1.411 bệnh binh, 1.729 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, 299 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 53.418 người có công khác.
Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Yên Bái rất đỗi tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng, mãi mãi ghi nhớ công ơn và tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với đất nước.
Đặc biệt, là với những người tham gia hoạt động kháng chiến mang trên mình nhiều di chứng chiến tranh, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, rủi ro, thiên tai, không còn đủ hồ sơ giấy tờ, hiện chưa được hưởng chế độ, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, đã coi sự cống hiến, hy sinh cá nhân, được góp sức lực, máu xương của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân là hạnh phúc lớn lao; coi sự trở về được chứng kiến thành quả cách mạng mà máu xương đồng đội đã đổ xuống cho độc lập, tự do của dân tộc là phần thưởng vô giá.
Tỉnh Yên Bái hiện có 63 công trình ghi công liệt sỹ, với tổng số 2.085 mộ liệt sỹ. Các liệt sĩ Yên Bái đã tham gia chiến đấu khắp các chiến trường Bắc- Trung- Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Campuchia. Trong các nghĩa trang liệt sĩ ở Yên Bái có trên 400 liệt sĩ có thông tin của các tỉnh bạn đã từng chiến đấu, hy sinh trên quê hương Yên Bái đang an nghỉ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang ngày ngày chăm sóc phần mộ liệt sỹ, đồng thời đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, nhằm sớm đưa các anh trở về an nghỉ trên mảnh đất quê hương, đáp ứng mong mỏi của người thân, gia đình các anh.
Kính thưa các vị đại biểu!
Trong những năm qua, vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công về chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ điều dưỡng, dụng cụ chỉnh hình, thăm hỏi, tặng quà…
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách chung của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống gia đình người có công phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương như chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tặng quà đối với người có công nhân dịp lễ, tết… Qua đó, góp phần cải thiện nhà ở, nâng cao đời sống cho hàng ngàn người có công với cách mạng.
Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, như: phong trào phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng; phong trào Áo lụa tặng bà, Chăn ấm tặng mẹ; phong trào chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ; phong trào Hành quân theo bước chân những người anh hùng, Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ...
Từ nguồn huy động của Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", các cấp, ngành đã triển khai nhiều hoạt động (hỗ trợ làm nhà cho người có công, tặng sổ tiết kiệm, sửa chữa, tôn tạo công trình liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình người có công gặp khó khăn…), tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội về truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc ta.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Về dự Hội nghị gặp mặt hôm nay, có 150 đại biểu người có công tiêu biểu và thân nhân liệt sĩ - là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh tiêu biểu với tinh thần "tàn nhưng không phế”, nhiều gương thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với nước luôn tích cực, gương mẫu trong cuộc sống, tham gia tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đi đầu trong triển khai thực hiện các phong trào tại khu dân cư.
Nổi bật là: Thương binh Lê Ngọc Châu (xã Minh Quân, huyện Trấn Yên), thương binh Nguyễn Kiến Đào (phường Minh Tân, thành phố Yên Bái); thương binh Đỗ Ngọc Sáng (xã An Thịnh, huyện Văn Yên); bà Tạ Thị Long (vợ liệt sĩ Trần Văn Đắc, xã Bảo Hưng); bệnh binh Nguyễn Kim Giao (xã Đại Minh, huyện Yên Bình)... và rất nhiều những tấm gương thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến tiêu biểu, thân nhân liệt sĩ đã phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt lên những khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng gia đình và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã trở thành những nhà quản lý, doanh nhân thành đạt, những công dân tiêu biểu, là tấm gương sáng để cộng đồng và xã hội noi theo. Điều đáng phấn khởi là đến nay, toàn tỉnh đã có gần 97% gia đình chính sách người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương; góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái.
Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo, bảo đảm đời sống và sự an toàn của nhân dân, trong đó chú trọng đến các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, trong đó có trên 5.200 người có công với cách mạng, kinh phí 7,8 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều thương binh, bệnh binh, hộ gia đình người có công đã rất tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, góp phần thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương và bày tỏ sự trân trọng và khâm phục ý chí quyết tâm, nỗ lực, cố gắng vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và các đại biểu về dự Hội nghị hôm nay, đã vượt lên thương tật, khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập...
Nhân dịp này, tôi cũng ghi nhận và biểu dương các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực trong Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa” và công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công, các chính sách ưu đãi đối với các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một bộ phận gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công cuộc sống còn khó khăn; nhiều thương binh, bệnh binh còn gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, chữa trị những vết thương chiến tranh do tuổi cao, đi lại khó khăn; vẫn còn một số gia đình có công, người tham gia kháng chiến... chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... Đây luôn là niềm trăn trở, nỗi day dứt của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội.
Kính thưa các đại biểu !
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: "Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân…”.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý của dân tộc, ân nghĩa đối với người đi trước cũng như tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc đối với những đóng góp của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về người có công với cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước với người có công bên cạnh đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm về truyền thống yêu nước, đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mỗi người dân nhận thức sâu sắc, trân trọng và tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với đất nước.
Hai là, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về người có công với cách mạng. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải thực hiện chu đáo các chính sách ưu đãi đối với người có công; thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Quan tâm đến công tác giáo dục -đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con em của họ; hỗ trợ các gia đình người có công phát triển sản xuất, kinh doanh; quan tâm đến các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công, phấn đấu các gia đình có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư. Xây dựng các xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ. Tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng chiến tranh đảm bảo chặt chẽ, "thấu tình, đạt lý”; không để xảy ra tiêu cực, tránh để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ.
Ba là, tiếp tục phát động sâu rộng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng". Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, động viên để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để thực hiện tốt công tác người có công và thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các tổ chức, cơ quan, đoàn thể; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hãy tích cực tham gia có trách nhiệm, bằng cả tấm lòng đối với công tác người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả; phấn đấu để người có công tỉnh nhà được no ấm về vật chất, yên vui về tinh thần, con cháu người có công được phát triển toàn diện, xứng đáng với công lao của cha ông và sự phấn đấu của bản thân họ. Chăm lo cho người có công chính là việc làm để giữ vững truyền thống quý báu của dân tộc; chăm lo cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.
Nhân ngày kỷ niệm trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi kêu gọi đồng bào và chiến sĩ lực lượng vũ trang của tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", bằng tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc với những việc làm thiết thực, nghĩa tình, tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, góp phần đền đáp công lao to lớn, những cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ vì độc lập, tự do của dân tộc. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ luôn tự hào, mãi ghi ơn và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.
Cuối cùng, xin kính chúc các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và toàn thể các đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc buổi gặp mặt đầy ý nghĩa của chúng ta hôm nay thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn./.