Tăng trưởng GRDP dự ước cả năm 2022 đạt 8,05%
Tháng 7 và 7 tháng đầu năm với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 7 tháng đầu năm đã hoàn thành khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GRDP dự ước cả năm 2022 đạt 8,05%, cao hơn 0,94 điểm phần trăm so với năm 2021.
Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả tích cực và tăng khá so với cùng kỳ, như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 49%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 39,8%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 31,1%... Công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc là tiêm vắc xin phòng Covid-19 được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội phát triển; đời sống nhân dân ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tham luận tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết thông qua Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định một số nội dung về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị, khu du lịch, điểm dân cư nông thôn, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và công trình hạ tầng kỹ thuật khai thác trên địa bàn tỉnh; Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thực hiện nghiêm chủ trương "4 ổn định", "3 tăng cường", "2 đẩy mạnh", "1 tiết giảm" và "1 không" của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thời gian tới
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh cần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ về điều hành phát triển kinh tế trên tinh thần "4 ổn định", "3 tăng cường", "2 đẩy mạnh", "1 tiết giảm" và "1 kiên quyết không" trong chỉ đạo, điều hành thời gian tới.
Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 01 của UBND tỉnh và các đề án, chính sách của tỉnh đã ban hành; tập trung rà soát, điều chỉnh linh hoạt các giải pháp tháo để gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là các chỉ tiêu khó, chậm tiến độ; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2022.
Tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ 3 chương trình MTQG gồm: chương trình MTQG xây dựng nông thôn; chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và hoàn thiện Đồ án Quy hoạch tỉnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, Kế hoạch đầu tư công năm 2023, Dự toán ngân sách năm 2023, Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2023 - 2025 theo Chỉ thị số 12 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành trung ương, bảo đảm khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng huy động, cân đối, sử dụng các nguồn lực.
Quang cảnh Hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn giao cho các sở, ban, ngành, địa phương bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị để thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng.
Trong đó, lưu ý một số nội dung như: chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; thực hiện quy trình, trình tự công nhận các sản phẩm OCOP; cấp chứng chỉ rừng FSC; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
*** Ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 được kết nối trực tuyến tới các địa phương. Khai mạc phiên họp, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu '4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không' trong chỉ đạo, điều hành thời gian tới.
Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.
Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân; đẩy mạnh quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công
Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.
Một kiên quyết không là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chắc chắn.
Đức Toàn - Đức Hoàng