Hướng tới kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Đồng chí Nguyễn Phúc - người chiến sĩ cộng sản kiên cường

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2022 | 7:49:21 AM

YênBái - Đồng chí Nguyễn Phúc là một trong số cán bộ của Ủy ban Quân sự trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật ở Yên Bái ngày 18/8/1945 và là Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời (CMLT) tỉnh Yên Bái.

Lễ ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái ngày 22/8/1945 (tranh vẽ của Đào Xuân Thịnh)
Lễ ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái ngày 22/8/1945 (tranh vẽ của Đào Xuân Thịnh)

Ngay từ khi còn ở tuổi học trò, đồng chí Nguyễn Phúc đã tham gia nhiều phong trào yêu nước ở thành phố Nam Định. 

Vì những hành động yêu nước, Nguyễn Phúc đã bị bọn Pháp đuổi khỏi trường. Năm 1927, đồng chí được gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công về lãnh đạo phong trào chống sưu cao, thuế nặng của nông dân Tiền Hải (Thái Bình). Đầu năm 1931, đồng chí tham gia Tỉnh ủy Thái Bình và đến cuối năm làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (năm 29 tuổi). 

Năm 1933, đồng chí bị bọn mật thám Pháp bắt và bị kết án 20 năm tù rồi bị đầy ra Côn Đảo. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ của ta, đồng chí được tha tù. Ra khỏi nhà tù, Đảng phân công đồng chí về Hà Nội hoạt động trực tiếp lãnh đạo các tờ báo công khai và bí mật của Đảng trong nhiều năm.

Năm 1939, chính phủ phát xít ở Pháp lên cầm quyền, chúng ra sức khủng bố, truy lùng những người cộng sản. Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật. Đồng chí Nguyễn Phúc bị Pháp bắt kết án 3 năm tù đưa lên giam giữ ở trại giam Bá Vân (Thái Nguyên), nhưng hết hạn tù, chúng vẫn không thả đồng chí. 

Đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở căn cứ địa Việt Bắc và vùng xung quanh phát triển mạnh mẽ, bọn thực dân Pháp hoảng sợ phải chuyển một số tù chính trị ở trại giam tập trung Bá Vân (Thái Nguyên) sang Nghĩa Lộ để giam cầm. Đây là những tù chính trị mà theo chúng là những người nguy hiểm nhất, nhằm cách biệt họ với gia đình và phong trào quần chúng. Đồng chí Nguyễn Phúc là một trong số những tù chính trị ấy.

Bị giam giữ, tù đày nhiều lần nên sức của đồng chí Nguyễn Phúc rất yếu, nhưng đến nhà tù Nghĩa Lộ đồng chí cùng các đảng viên trong chi bộ nhà tù tiếp tục đấu tranh đòi cải thiện đời sống của tù nhân; đòi thả tù chính trị, đòi cấp vũ khí để chống lại bọn phát xít Nhật. 

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên của ta trong các nhà tù đế quốc vượt ngục ra ngoài hoạt động, chi bộ nhà tù Nghĩa Lộ đã lãnh đạo cuộc nổi dậy phá trại giam để giải thoát anh em tù chính trị. 

Cuộc nổi dậy phá trại giam ngày 17/3/1945 bị địch khủng bố, một số bị địch bắn chết, một số đã thoát được ra ngoài (trong đó có đồng chí Vương Thừa Vũ, sau này là Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, lúc đó là ban lãnh đạo phụ trách quân sự trong cuộc nổi dậy phá trại giam). Đồng chí Nguyễn Phúc cũng thoát được ra ngoài, nhưng vì sức yếu nên bị địch truy lùng bắt lại.

Sau cuộc nổi dậy, một số tù chính trị ở Nghĩa Lộ bị chuyển ra trại giam Yên Bái. Tại đây, trong những ngày phát xít Nhật chiếm đóng thị xã Yên Bái, bọn tay sai của Nhật tìm cách dụ dỗ, lôi kéo các chiến sĩ yêu nước của ta tham gia tổ chức của chúng để phụng sự cho chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim.

Trước âm mưu đó, đồng chí Nguyễn Phúc cùng cán bộ, đảng viên trong nhà tù kiên quyết đấu tranh vạch trần bản chất chính trị xu thời của những đảng phái phản động thân Nhật và bè lũ tay sai. Từ nhận thức và hành động kiên quyết của đồng chí Nguyễn Phúc thể hiện quan điểm, lập trường và phẩm chất chính trị cao quý của người chiến sĩ cộng sản, không một phút xa rời mục tiêu, lý tưởng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng và hạnh phúc của nhân dân.

Sau khi đưa quân lên chiếm đóng và kiểm soát địa bàn tỉnh Yên Bái, quân Nhật lập bộ máy cai trị đứng đầu là tên Mi-a-mi. Với một lực lượng mật vụ, chỉ điểm dày đặc, chúng thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng và chúng cho bọn tay sai theo dõi, phát hiện, khủng bố những người hoạt động theo Việt Minh. 

Những ngày chiếm đóng Yên Bái, chúng bắt nhân dân ta đi phu làm sân bay Đông Cuông nhằm xây dựng căn cứ quân sự; đưa quân đi đàn áp đồng bào Mông ở La Pán Tẩn, Tú Lệ… Chúng vơ vét lương thực, thu thóc theo đầu mẫu, bắt nông dân phải phá lúa trồng thầu dầu; hàng hóa thiết yếu như: dầu, muối, vải vóc rất khan hiếm. 

Đặc biệt, về lương thực, chúng khống chế rất chặt chẽ, nhân dân trong tỉnh bị chúng dồn đến cuộc sống nghẹt thở, cùng cực. Giữa những ngày gian khổ, nặng nề ấy, phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân phát triển khắp nơi, vùng giải phóng của ta được mở rộng và củng cố. 

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, tăng cường lực lượng, chuẩn bị cướp chính quyền, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên giao cho tổ chức cơ sở ở Yên Bái và lực lượng thanh niên yêu nước thị xã tổ chức giải thoát đồng chí Nguyễn Phúc khỏi nhà tù sang vùng chiến khu tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nhân dân toàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương trên, cơ sở của ta ở thị xã Yên Bái bố trí kế hoạch giải thoát đồng chí Nguyễn Phúc để tăng cường cán bộ cho vùng chiến khu. Được sự giúp đỡ của Tri phủ An Văn Tùng, đồng chí Nguyễn Phúc được đưa đi điều trị ở nhà thương Yên Bái với vai bệnh nhân. 

Tại đây, nhóm thanh niên cứu quốc (lực lượng Việt Minh trung kiên) gồm An Văn Bùi, Nguyễn Đình Đức… với sự hỗ trợ của y sĩ Phạm Gia Đệ (Y sĩ trưởng phụ trách nhà thương) bí mật đưa đồng chí Nguyễn Phúc vượt sông Hồng sang vùng chiến khu. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, vừa thoát khỏi nhà tù của phát xít Nhật, đồng chí đã tham gia Ủy ban Khởi nghĩa, lãnh đạo lực lượng vũ trang, nhân dân cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật.

Sau cuộc nổ súng tấn công quân Nhật sáng 18/8/1945 ở Đồn Cao và chiến đấu nhiều giờ trên đường phố, quân ta đã tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, buộc chúng phải đàm phán đầu hàng giao lại chính quyền cho Việt Minh. Sáng 21/8/1945, đồng chí Nguyễn Phúc cùng cán bộ Ủy ban Quân sự cách mạng và lực lượng vũ trang giải phóng tiến vào tiếp quản thị xã tỉnh lỵ. 

Ủy ban CMLT được thành lập do đồng chí Ngô Minh Loan làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc làm Phó Chủ tịch và 6 ủy viên. Sáng ngày 22/8/1945 ta tổ chức một cuộc mít tinh lớn và hàng nghìn nhân dân các dân tộc từ các vùng xung quanh đổ về thị xã mừng thắng lợi. Thị xã rợp trời cờ đỏ sao vàng, người người vai chen vai đứng kín trước kỳ đài, tràn ra cả vườn hoa Nhà Kèn mừng chiến thắng và chào đón UBND Cách mạng lâm thời ra mắt. 

Mong ước bấy lâu được cách mạng giải phóng, từ thân phận người dân nô lệ, sống cùng cực dưới nhiều tầng áp bức đã trở thành người dân của một nước độc lập, trong ngàn, vạn người dân ai cũng muốn được mắt tận mắt nhìn thấy đồng chí Ngô Minh Loan - Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc - Phó Chủ tịch và các ủy viên Ủy ban CMLT.

Tại cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Phúc thay mặt Ủy ban CMLT nói chuyện với đồng bào. Đồng chí tuyên bố cuộc khởi nghĩa của chúng ta đã thành công, chính quyền đã thật sự về tay nhân dân. Đồng chí cũng nói rõ với đồng bào, trước mắt còn nhiều khó khăn, phức tạp, mong nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Hồ Chủ tịch. Đồng chí nhấn mạnh: giành được chính quyền về tay nhân dân đã khó, bảo vệ chính quyền càng khó khăn hơn; nhân dân phải chuẩn bị đối phó với những tình huống xấu nhất để giữ vững chính quyền cách mạng còn non trẻ của chúng ta.

Chính quyền cách mạng ra đời chưa được bao lâu, tháng 9/1945 quân của Tưởng Giới Thạch từ biên giới tràn về thị xã Yên Bái như thác lũ, kéo theo lực lượng Việt Nam quốc dân đảng phản động. Hoạt động của ta phải rút vào bí mật. 

Được Đảng phân công, đồng chí Nguyễn Phúc và một số đảng viên cùng một số cán bộ của Ủy ban CMLT và lực lượng tự vệ dũng cảm ở lại giữa vòng vây dày đặc của quân thù để lãnh đạo phong trào cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, giữ vững tinh thần nhân dân thị xã. 

Ngày 11/11/1945, đồng chí Nguyễn Phúc bị bọn Việt Nam quốc dân đảng phản động bắt cóc cùng một số cán bộ, nhân viên. Suốt thời gian bị giam cầm, tuy tuổi cao, sức yếu đồng chí vẫn trước sau như một, giữ vững khí tiết của người cộng sản đấu tranh trực diện, dứt khoát với bọn Việt Nam quốc dân đảng phản động trong mọi vấn đề đối nội, đối ngoại, không để chúng lung lạc anh em, đồng đội của mình; đồng chí còn động viên mọi người bị giam cầm giữ vững lòng tin với cách mạng. 

Vào một đêm tháng 6/1946, trong không khí tuyệt vọng, cùng quẫn trước những đợt tấn công quyết liệt của quân cách mạng vào sào huyệt của chúng, bọn Việt Nam quốc dân đảng phản động đê hèn đã lén lút sát hại đồng chí Nguyễn Phúc và một số cán bộ của ta. 

Những ngày sống trong nhà tù của bọn phản cách mạng, đã có lần đồng chí Nguyễn Phúc nói với anh em: "Suốt cuộc đời mình toàn bị tù đày vì cách mạng. Mình không có điều gì phải ân hận vì mình chưa làm điều gì trái với lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. 

Đó cũng là lời trăng trối cuối cùng của đồng chí Nguyễn Phúc với anh em đồng đội, với đồng bào ruột thịt của mình. Ngày 15/8/1946, sau hơn hai tháng kể từ ngày đồng chí Nguyễn Phúc bị sát hại, quân và dân Yên Bái đã tấn công vào sào huyệt, quét sạch bọn Việt Nam quốc dân đảng phản động trên đất Yên Bái. Cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời trên các đường phố.

42 năm sau, năm 1988, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã quyết định lấy tên đồng chí Nguyễn Phúc đặt tên cho một phường mới được thành lập (phường Nguyễn Phúc, thị xã Yên Bái). Đó là một dải đất nằm bên tả ngạn sông Hồng, mang trên mình nhiều di tích lịch sử không thể nào quên: Bến Âu Lâu lửa đạn - nơi quân dân ta trùng trùng tiến vào giải phóng Điện Biên; nơi có cây gạo ở gần miếu Âm hồn, có cây nhội ở trường tiểu học Pháp - Việt, năm 1930 đã xuất hiện khẩu hiệu cách mạng và cờ đỏ búa liềm do tổ chức Thanh niên đoàn yêu nước treo, ngay trước dinh của công sứ Pháp.

Hải Đường

Tags Nguyễn Phúc Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời cách mạng tháng Tám tỉnh Yên Bái

Các tin khác

Sáng 6/5, tại Trường Chính trị tỉnh, Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai giảng Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh Yên Bái năm 2024. Đây là 2 lớp của đợt 1 từ ngày 6-10/5 có sự tham gia của 250 học viên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng tỉnh Tây Ninh và chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Chiều 05/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 5/5, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tỉnh ủy Lai Châu do đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Lãnh tụ Karl Marx, nhà tư tưởng vĩ đại. Ảnh 1: Getty Images

Karl Marx- nhà bác học thiên tài, nhà tư tưởng vĩ đại mà trí tuệ của ông xứng đáng được coi là trí tuệ của một người khổng lồ của thời đại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục