Hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương thể hiện rõ ràng, cụ thể các hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống. Trong các hành vi này, nhiều hành vi đã có trong các văn bản khác của Đảng như: Điều lệ Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Quy định 69-QĐ/TW kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm…
Nhiều hành vi tiêu cực đó đang diễn ra ở nhiều cơ quan, địa phương, doanh nghiệp được Ban chỉ đạo Trung ương "gom” lại, được vạch mặt, chỉ tên trong một văn bản hướng dẫn nhằm thống nhất nhận thức trong toàn Đảng từ Trung ương đến địa phương. Từ đó hướng dẫn cho các tổ chức đảng tổ chức thực hiện.
Văn bản này cũng là cơ sở quan trọng để quần chúng nhân dân giám sát công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hướng dẫn này đã đưa ra 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống. Trong đó có những hành vi đã xuất hiện nhiều năm nay như việc nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc. Bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức. Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác...
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tổ chức, cá nhân, kích động bạo lực, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Có những hành vi mới xuất hiện hoặc xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây như thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng, ngân hàng, y tế, bảo hiểm, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước... Không thực hành tiết kiệm để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ trái quy định. Cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi.
Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, luân chuyển, chuyển công tác...) một cách phô trương hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác.
Một số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây đã cho thấy sự câu kết giữa các cán bộ, quan chức, kể cả cấp cao, với các doanh nghiệp, đối tượng nhằm trục lợi. Trong đó, vụ Việt Á vừa qua là một điển hình rõ ràng cho thấy rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao, của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y, cán bộ của nhiều địa phương đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để câu kết với doanh nghiệp, các đối tượng để làm sai, trục lợi cho cá nhân.
Cách đây gần một năm, vào tháng 9.2021, Bộ Chính trị đã có quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực.
Ban trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực.
Tham nhũng nói riêng và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Thực tế cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thường gắn liền với nhau. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cái gốc dẫn đến tham nhũng. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng.
Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.
Việc xử lý kỷ luật không làm Đảng yếu đi, trái lại làm trong sạch đội ngũ và làm cho Đảng mạnh thêm. Hy vọng với vaccine mới ngừa tiêu cực, Đảng tiếp tục được tăng thêm sức mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả mà cả dân tộc, đồng bào ta trao gửi.
Việc Ban Chỉ đạo trung ương nêu rõ được 19 hành vi tiêu cực cần thiết vì gần như đã bao trọn, làm rõ hết những hành vi tiêu cực. Việc xác định rõ được những hành vi nào là hành vi tiêu cực thì trên cơ sở đó nó sẽ trở thành cơ sở cho chính cán bộ đảng viên hiểu chính xác đâu là hành vi tiêu cực, qua đó có thể tự soi rọi lại mình và tự rèn luyện bản thân.
Từ đó cũng là cơ sở để các tổ chức, cơ sở Đảng giám sát các quá trình thực hiện của đảng viên. Đồng thời, thông qua các tiêu chí cụ thể này, họ có thể phản ánh kịp thời đến các cơ sở Đảng những đảng viên có hành vi tiêu cực.
Đông đảo nhân dân mong muốn thứ "vaccine mới” sẽ sớm được "tiêm phòng” cho cán bộ, công chức, đảng viên, ưu tiên cho người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.
(Theo LĐO)