Phát huy truyền thống lịch sử 77 năm, ngành văn hóa khẳng định vai trò đối với sự phát triển của đất nước

  • Cập nhật: Chủ nhật, 28/8/2022 | 7:39:08 AM

YênBái - Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trong tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch). Qua 77 năm hình thành và phát triển, ngành Văn hóa luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng của dân tộc; vai trò, vị trí của ngành ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị và các nghệ nhân dân gian Xòe Thái hòa chung niềm vui Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. 
(Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VH-TT&DL)
Các đại biểu tham dự Hội nghị và các nghệ nhân dân gian Xòe Thái hòa chung niềm vui Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VH-TT&DL)

Trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển, ngành văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Trong Đề cương Văn hóa năm 1943, Đảng ta đã xác định: Văn hóa là một trong ba mặt trận trọng tâm (kinh tế - chính trị - văn hóa), phát triển văn hóa theo hướng Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. 

Thực tiễn hoạt động của ngành văn hóa 77 năm qua là minh chứng sinh động cho vai trò của văn hóa với sự phát triển của đất nước. Như lời của Bác Hồ căn dặn: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. 

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những "Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” qua các thời kỳ cách mạng đã biết cách tổ chức công tác tuyên truyền thành một nghệ thuật, đồng thời lại biết cách đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền theo khẩu hiệu: "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” đã tiếp sức, cổ vũ, khích lệ sức chiến đấu, sản xuất, động viên tinh thần lạc quan cách mạng, giúp quân và dân ta làm nên những chiến thắng lịch sử. 

Sau ngày đất nước thống nhất, nền văn hóa cách mạng chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao phong trào văn hóa quần chúng, động viên, khích lệ nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cổ vũ toàn dân xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, ngành văn hóa đã tích cực góp sức vào công cuộc xây dựng chung của đất nước với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, tiếp tục phát huy vai trò của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đội ngũ chiến sĩ văn hóa ngày càng được bổ sung cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trưởng thành về năng lực quản lý, khả năng chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hoá tuyên truyền đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh. 

Các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã và đang không ngừng nỗ lực để đóng góp công sức vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hoá, xây dựng con người được xác định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhiệm kỳ (2020 - 2025); Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021); Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ (2020 - 2025), đặc biệt là Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với mục tiêu phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa Yên Bái tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch, chương trình đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành như: Chương trình hành động số 56-CTr/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022; Kế hoạch số 63-KH/TU ngày 25/02/2022 về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trên địa bàn tỉnh năm 2022; Kế hoạch 152/KH-UBND ngày 11/7/2022 về Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”… 

Công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa được quan tâm triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, ngành đã tham mưu với UBND tỉnh xếp hạng 129 di tích (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 116 di tích cấp tỉnh). 

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 16, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 11/7/2022 của UBND tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xoè Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ. 

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa trong toàn xã hội. Đặc biệt, thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, nâng cao đời sống của người dân; các nền tảng giá trị đạo đức được quan tâm gìn giữ, quy tắc ứng xử văn hoá được hình thành. 

Nhờ đó, tỷ lệ các gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa qua các năm ngày càng tăng. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 81,2% hộ gia đình văn hóa; 68,3% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; 88,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 75 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 18 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 

Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của tập luyện thể dục, thể thao trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức, ý chí, nhân cách con người. Cuộc vận động đã tạo không khí mới, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia hoạt động thể dục, thể thao. 
Hội nghị kích cầu du lịch với mục tiêu chung là phát triển du lịch Xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với thương hiệu "điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, ấn tượng”.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn ngành du lịch Yên Bái ước phục vụ được 928.250 lượt, bằng 84,3% kế hoạch năm, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt 5.200 lượt, bằng 2,08% kế hoạch năm; doanh thu ước đạt 605,200 tỷ đồng, bằng 71,6% kế hoạch năm, tăng 124,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Với những thành tựu đạt được, trong những năm gần đây, ngành văn hóa - thể thao và du lịch Yên Bái được ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu như: Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có thành tích trong tổ chức thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020... 

Tiếp nối truyền thống, phát huy những giá trị của bản sắc văn hóa, với tinh thần "Nhìn lại - Để chúng ta tiến xa hơn”, đặc biệt là sức mạnh văn hóa trong quá trình phát triển, góp phần đưa sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh phát triển bền vững; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra với mục tiêu phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lê Thị Thanh Bình
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch


Tags Yên Bái văn hóa “Nghệ thuật Xòe Thái” phi vật thể nhân loại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Các tin khác
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi. Ảnh: Phi Hùng/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, từ ngày 23-26/8, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi đã dẫn đầu đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi tham gia chuyến công tác ở tỉnh KwaZulu-Natal cùng đại sứ quán các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nam Phi.

Sáng 27/8, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Yên Bái long trọng tổ chức gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (1/9/1957 - 1/9/2022).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Đất đai (sửa đổi) thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản; thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai…

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11.

Ngày 27/8, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào vùng; với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục