Sau ngày thành lập 30/9/1947,
Đảng bộ huyện Văn Chấn hoạt động trong điều kiện vô cùng cấp bách và khó khăn, chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đối mặt với cuộc tái chiếm Văn Chấn lần thứ 2 của thực dân Pháp.
Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ huyện đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, củng cố, chuẩn bị lực lượng và động viên nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Văn Chấn đã tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh đẩy mạnh xây dựng chính quyền, tăng gia lao động sản xuất lương thực, thực phẩm chi viện cho miền Nam ruột thịt.
Với khẩu hiệu "Chắc tay cày, vững tay súng” nhân dân các dân tộc trong huyện đã sản xuất và đóng góp được hơn 200.000 tấn lương thực và hàng vạn tấn thực phẩm chi viện cho chiến trường. Động viên trên 5.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, 4.000 dân công đi phục vụ chiến đấu trong đó có 571 người đã anh dũng hy sinh, nhiều người vẫn còn để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn tiếp tục đoàn kết nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Sau tái lập tỉnh Yên Bái, ngày 1/10/1991, huyện có địa bàn rộng với 31 xã, thị trấn, trong đó có 18 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh nhân dân vừa trải qua cuộc chiến tranh biên giới hạ tầng giao thông, thủy lợi bị tàn phá, đời sống kinh tế chưa khôi phục được. Nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu nên tỷ lệ đói nghèo vẫn còn ở mức rất cao.
Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện luôn đạt trên 13%, kinh tế tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp.
Công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng trưởng khá; sản xuất nông - lâm nghiệp đạt kết quả khá toàn diện; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm ở mức 10%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2021 đạt 36 triệu đồng, gấp 2 lần so với năm 2015.
Thiếu tướng Sa Minh Trắc - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 cho biết: Mấy năm gần đây, huyện Văn Chấn phát triển rất mạnh mẽ về tất cả các mặt: hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế. Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, diện mạo nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao ngày càng khởi sắc. Đó là nhờ sự lãnh đạo linh hoạt và đồng bộ của Đảng bộ, sự nỗ lực đồng lòng của nhân dân.
Có được kết quả đó, huyện Văn Chấn đã phát huy thế mạnh trong sản xuất nông - lâm nghiệp, tập trung phát triển các vùng chuyên canh sản xuất gắn với thế mạnh của từng vùng. Huyện đã triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp. Qua đó, góp phần hình thành các vùng chuyên canh quế, cây ăn quả có múi, chuyên canh chè và vùng sản xuất lúa hàng hóa.
Đến nay, huyện Văn Chấn có tổng diện tích tự nhiên trên 100 nghìn ha, gồm 24 xã, thị trấn. Toàn huyện có trên 8.500 ha quế, trên 2.500 ha cam, quýt, 4.600 ha chè và trên 2.700 ha lúa nước.
Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2021 đạt gần 45.000 tấn; sản lượng quả tươi đạt trên 13.000 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt trên 46.000 tấn; tổng đàn gia súc đạt trên 120.000 con. Đặc biệt, huyện đã chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh.
Theo đó, Văn Chấn đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng và sản phẩm cam quả Văn Chấn; xây dựng được 7 chuỗi liên kết giá trị, 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Cùng đó, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Nhiều dự án lớn được đầu tư hoàn thành đi vào sản xuất hiệu quả như Nhà máy thủy điện Văn Chấn công suất 57 MW, Nhà máy sản xuất tinh dầu quế Sơn Lương, Công ty TNHH y học cổ truyền Đông dược Thế Gia, Công ty NipponZuky và gần 60 công ty, cơ sở chế biến chè hàng năm đóng góp trên 80 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Với các giải pháp thu hút đầu tư, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2015, đạt trên 600 tỷ đồng. Năm 2021, đạt trên 1.400 tỷ đồng. Trong Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện đã huy động và sử dụng tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở.
Với sự đầu tư của Nhà nước cùng nguồn lực xã hội hóa, bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao không ngừng được cải thiện. Đến nay, 75% các tuyến đường giao thông từ trung tâm các xã đến các thôn, bản đã được cứng hóa, góp phần đưa 9 xã cán đích nông thôn mới, 3 xã sắp sửa cán đích và 9 xã khác đã hoàn thành 10 tiêu chí trở lên.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng; quốc phòng - an ninh luôn được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Huyện đặc biệt quan tâm công tác
xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và củng cố hệ thống chính trị theo hướng vững mạnh toàn diện. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), gắn với những nội dung Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các cấp ủy đảng thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn cho biết: Trong giai đoạn tới, Đảng bộ huyện sẽ tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, tập trung cải cách hành chính đồng bộ, hiệu quả; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có đủ trình độ chuyên môn, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Để thực hiện thành công các mục tiêu này, Huyện ủy chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đặc biệt là khâu đánh giá, phân xếp loại cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ từ huyện tới cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm đổi mới phương pháp lãnh đạo, lề lối làm việc, tăng cường vai trò hạt nhân lãnh đạo và truyền cảm hứng, sự nêu gương, sự quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, tổng kết quá trình đổi mới, hình thành nhận thức mới, từ thực tiễn, huyện Văn Chấn đang nỗ lực tranh thủ thời cơ huy động mọi nguồn lực chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra, đưa Văn Chấn vững bước đi lên trên con đường đổi mới.
75 năm xây dựng và trưởng thành, hơn 30 năm cùng Đảng bộ tỉnh Yên Bái thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Văn Chấn luôn tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, sáng tạo kịp thời tổng kết thực tiễn, đề ra quyết sách đường lối phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, nghị quyết của cấp trên vào thực tiễn, đóng góp tô thắm thêm truyền thống của quê hương Văn Chấn anh hùng. |
Trần Van