Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ) lần thứ 77 ngày 11.10 đã tổ chức bỏ phiếu để bầu ra 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ). Các thành viên mới được bầu sẽ đảm nhận vị trí này trong nhiệm kỳ 2023-2025, bắt đầu từ tháng 1.2023.
Kết quả, các thành viên mới được bầu gồm: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Georgia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Moroco, Romania, Nam Phi, Sudan và Việt Nam. Nhiệm kỳ của các thành viên này sẽ bắt đầu từ ngày 1.1.2023.
Theo khoản 7, nghị quyết 60/251 của ĐHĐ, HĐNQ bao gồm 47 quốc gia thành viên, được đa số thành viên của ĐHĐ bầu trực tiếp và riêng lẻ bằng cách bỏ phiếu kín.
Số ghế trong HĐNQ được phân bổ công bằng giữa các nhóm khu vực như sau: nhóm các quốc gia châu Phi (13 ghế), nhóm các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương (13 ghế), nhóm các quốc gia Đông Âu (6 ghế), nhóm các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (8 ghế), nhóm các quốc gia Tây Âu và các quốc gia khác (7 ghế).
Các thành viên của HĐNQ sẽ giữ vị trí này trong ba năm và không đủ điều kiện được bầu lại sau mỗi hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 11.10, ĐHĐ đã bầu ra 14 thành viên mới của HĐNQ với số ghế trống của từng khu vực như sau: nhóm các quốc gia châu Phi (4 ghế), nhóm các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương (4), nhóm các quốc gia Đông Âu (2 ghế), nhóm các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (2 ghế), nhóm các quốc gia Tây Âu và các quốc gia khác (2 ghế). Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có 6 ứng viên gồm Afghanistan, Bangladesh, Kyrgyzstan, Maldives, Hàn Quốc và Việt Nam.
Tính đến tháng 9.2022, 123 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc từng được bầu vào HĐNQ.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi công bố kết quả, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.
Chia sẻ ý kiến này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của HĐNQ LHQ và mức độ cạnh tranh cao giữa các nước ứng cử, nhất là trong nhóm Châu Á-Thái Bình Dương. Song với sự đồng hành của các Bộ, ngành, đội ngũ cán bộ ngoại giao cả ở trong và ngoài nước, đã hết sức nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiến hành vận động bài bản, chủ động, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả thời gian qua, đóng góp quan trọng vào kết quả này.
Với thông điệp"Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của LHQ. Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.
(Theo TNO)