Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ ban ngành, các Chủ tịch và Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng.
Thủ tướng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt khả năng dự báo, khó khăn hơn nhiều so với cuối năm 2021 khi xây dựng kế hoạch năm 2022 .
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế chịu tác động rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm 2020-2021. Trong khi nền kinh tế có độ mở lớn; khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế trước những tác động, áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề khi vừa phải nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều; đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, ứng phó kịp thời với những biến động tình hình thế giới, trong nước.
Trong bối cảnh rất khó khăn đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH trong 9 tháng đầu năm phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong kết quả đó, có đóng góp rất lớn của ngành Ngân hàng.
Thủ tướng đánh giá cao ngành Ngân hàng đã luôn ứng phó kịp thời những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và bên trong trong suốt thời gian qua, thực hiện rất tốt đồng thời 2 nhiệm vụ: vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế.
Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn; cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột ở Ukraine tiềm ẩn nguy hiểm hơn; lãi suất cao, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài, nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ suy thoái; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, mất an ninh năng lượng, lương thực tăng mạnh… Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong cả năm 2022 và 2023. Bối cảnh đó, tạo ra những khó khăn, thách thức lớn hơn đổi với công tác chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực, nhất là về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ, phân tích, nhận diện các vấn đề nổi lên, xác định rõ thời cơ, rủi ro, thách thức; từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp phù hợp, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, đặc biệt là giữ ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững hệ thống ngân hàng trước những biến động từ quốc tế, trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần củng cố năng lực nội tại, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù trong bối cảnh khó khăn thách thức nhưng ngành Ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định.
Đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho SXKD, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021.
Hệ thống các ngân hàng thương mại không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính với tổng tài sản đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trên 7 triệu tỷ đồng.
Các ngân hàng đã chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp. Hệ thống ngân hàng thương mại đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại đã luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế và đóng góp lớn vào Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hồng cũng nêu rõ, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức từ bên ngoài. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng. Hệ thống các ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, công nghệ nhiều ngân hàng còn lạc hậu. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% triển khai chậm, hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân, cần khắc phục triệt để thời gian tới.
(Theo VOV)