Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét thông qua các dự án luật, nghị quyết chuyên đề và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thành công đó, có sự tham gia đóng góp trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: "Tại Kỳ họp này, Đoàn đã tích cực tham gia đầy đủ các nội dung, chương trình Kỳ họp; từng đại biểu trong Đoàn đều tập trung nghiên cứu, dân chủ, khách quan, trách nhiệm trong việc thảo luận và quyết định vấn đề nhân sự theo thẩm quyền của Quốc hội; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm chất lượng vào các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, các dự án luật, nghị quyết... thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri, trước Quốc hội”.
Tại Kỳ họp thứ 4, trong các phiên họp thảo luận tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cùng tổ thảo luận với đoàn ĐBQH các tỉnh: Đồng Tháp, Hòa Bình, Quảng Nam dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái làm tổ trưởng. Qua 7 phiên thảo luận tổ, đoàn Yên Bái đã có 6/6 đại biểu đăng ký phát biểu với 24 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tham gia vào các nội dung của Kỳ họp.
Tại các phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, đã có 7 lượt ĐBQH trong Đoàn tham gia phát biểu ý kiến vào các nội dung như: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Tại các phiên thảo luận tổ và phiên họp toàn thể tại Hội trường, không khí thảo luận diễn ra rất sôi nổi, các ĐBQH trong tổ tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm rất cao, các ý kiến phát biểu đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, có chất lượng.
Tham gia ý kiến thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Khang Thị Mào của Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, cần quy định đầy đủ, rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Hay như với Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Mào cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các chính sách hỗ trợ; trong đó, cần có các chính sách hỗ trợ về ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, chế biến, ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại; cơ chế thúc đẩy, khuyến khích liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các tổ chức kinh tế hợp tác và các doanh nghiệp…
Hầu hết các ý kiến tham gia của các ĐBQH tỉnh đều được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung hoặc giải trình làm rõ.
Ngay sau kết thúc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 2 đoàn tiếp xúc cử tri tại huyện Văn Chấn và Yên Bình nhằm báo cáo kết quả Kỳ họp tới cử tri. Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Văn Chấn và Yên Bình đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước thành công của Kỳ họp.
Cử tri Nghiêm Thị Linh - xã Bảo Ái, huyện Yên Bình chia sẻ: "Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng được biết, Kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh; đặc biệt là chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tôi đánh giá cao các ý kiến tham gia của các vị ĐBQH tỉnh tại kỳ họp vào các dự thảo luật, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Quốc hội”.
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri huyện Văn Chấn và Yên Bình cũng đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, đường giao thông, xây dựng trường học…, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương; đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, quan tâm đến việc xúc tiến thương mại, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân…
Những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đã được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và giải trình, làm rõ một số vấn đề mà cử tri quan tâm đồng thời cũng sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét trong thời gian tới để đáp lại niềm tin và kỳ vọng của cử tri.
Đức Toàn