Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chủ trì thảo luận tại tổ.
Tham gia thảo luận ở, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 đã khái quát rất đầy đủ và toàn diện. Năm 2022, các cấp, các ngành và người dân các địa phương đã tập trung rất cao, kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, kiểm soát được lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới vô cùng khó khăn để có tốc độ tăng trưởng cao; thực hiện rất thành công ba khâu đột phá chiến lược, tập trung ưu tiên rất rõ, rất cụ thể, rất quyết liệt cho việc xây dựng hệ thống thế chế; tạo đột phá về xây dựng hạ tầng; chăm lo cho an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo được sự ổn định và giữ vững được mục tiêu, thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo cho sự phát triển cân đối hợp lý giữa kinh tế với văn hóa và xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà cũng còn một số băn khoăn khi nhận thấy trong phát triển kinh tế vĩ mô còn rất nhiều rủi ro, bất lợi; tiềm ẩn lạm phát; điểm nghẽn cần phải tập trung khơi thông chính là việc giải ngân sau 9 tháng quá thấp. Đây là điểm nghẽn cản trở sự thúc đẩy phát triển của chúng ta trước mắt cũng như lâu dài.
Đại biểu Trà cũng thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề như: chính sách tiền lương; về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc; về công tác tuyển dụng, về công tác sử dụng và về công tác quản lý; về xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện…
Đại biểu Nguyễn Thành Trung khẳng định, qua Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của các cơ quan của Quốc hội có thể thấy tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, từ đó đảm bảo được các nhiệm vụ chi, mặc dù trong năm 2022 thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ cho người dân cũng như cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các biện pháp giảm thuế để kiểm soát lạm phát nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo dự kiến của Chính phủ trong mức Quốc hội cho phép...
Đại biểu Trung đề nghị, Chính phủ rà soát kỹ tất cả nguồn thu để đánh giá chính xác, sát với tình hình thực hiện để từ đó xây dựng xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 sát với tình hình thực tế. Cần quan tâm đến vấn đề thu tiền sử dụng đất và thu cổ phần hóa.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp có nhiều nguyên nhân, như chất lượng lập kế hoạch đầu tư công còn hạn chế, công tác chuẩn bị đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch trung hạn còn hạn chế, chưa sát thực tế; vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao cũng như năng lực tài chính, năng lực thi công của các nhà thầu còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị Chính phủ lưu ý các tồn tại, hạn chế này để có giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công trong thời gian tới. Đại biểu cũng cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch và đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các nhiệm vụ, các dự án trong nội bộ ngành, địa phương. Việc thay thế, bổ sung dự án mới vào kế hoạch và đầu tư công trung hạn để đảm bảo tính linh hoạt và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Đại biểu cũng tán thành việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 sang năm 2023 song phải có giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình...
Đại biểu Khang Thị Mào phát biểu thảo luận tại tổ
Thảo luận tại tổ, đại biểu Khang Thị Mào đã kiến nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ổn định trong năm 2023. Theo đại biểu Mào, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi sát biến động giá cả thị trường, kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nhất là khi thực hiện tăng lương tối thiểu lên 1,8 triệu đồng. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, lương thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác, tránh tình trạng chưa tăng lương mà giá cả thị trường đã tăng gây khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chế độ chính sách phù hợp, đặc biệt là ở cấp cơ sở, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục vì trước đây đã thiếu nay còn thiếu hơn, nguồn nhân lực mới còn thiếu và hầu như nguồn lao động có xu hướng lao động tại các cơ sở tư nhân…
Khánh Linh