Khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức
Năm 2022, Yên Bái bước vào năm thứ hai tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Khẩn trương và chủ động, ngay từ rất sớm, ngày 1/11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 56-CTr/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022.
Chương trình hành động 56 đề ra mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; duy trì phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và chuyển đổi số; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân” với phương châm "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả”.
Thực tế năm 2022 cho thấy, những tác động tiêu cực từ diễn biến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới, của khu vực cùng những tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 từ những năm trước và nửa đầu năm 2022 ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế.
Vì vậy, Yên Bái có nhiều khó khăn và thách thức lớn hơn so với dự báo khi bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm. Quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn theo sát diễn biến tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
Bên cạnh đó, quyết tâm và nỗ lực cao của các cấp, ngành, địa phương cùng tinh thần đồng thuận ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc đã làm nên sức mạnh khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.
Hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thể hiện tầm nhìn toàn diện, tính dự báo cao, chủ động, đánh giá đúng tình hình, xác định đúng, trúng các hạn chế, tồn tại, vướng mắc, "điểm nghẽn” để có giải pháp khắc phục, giải quyết nhiều nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, Yên Bái có 31/32 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; trong đó, có 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Dấu ấn quan trọng, điểm nhấn nổi bật của năm, trước hết là kinh tế Yên Bái duy trì tăng trưởng khá, tốc độ tăng GRDP đạt 8,62%, cao nhất kể từ năm 2015; thu ngân sách đạt 4.616 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch. Yên Bái nỗ lực duy trì thành quả xây dựng nông thôn mới khi tiếp tục là điểm sáng trong các tỉnh Tây Bắc: thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 99 xã, bằng 66% số xã toàn tỉnh; trong đó, có 10 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2022 cho thấy quyết tâm, nỗ lực rất lớn của tỉnh thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển: số lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đều tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021, vượt cao so với kế hoạch.
Đặc biệt, ấn tượng tốt đẹp về quê hương, văn hóa, con người Yên Bái lan tỏa mạnh mẽ khi tỉnh tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Năm "tổng tiến công” chuyển đổi số đã tạo đà cho Yên Bái bật vươn, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI), tăng 13 bậc so với năm trước.
Tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc
Kết quả tích cực, quan trọng, khá toàn diện trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2022 của Yên Bái đã thiết thực và tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đã quán triệt sâu sắc, không ngừng nỗ lực, kiên trì thực hiện mục tiêu phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Mạnh dạn đưa chỉ số hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái đã làm một việc chưa từng có tiền lệ, chưa có tỉnh nào trong cả nước thực hiện.
Đến nay, Yên Bái đã và đang chứng minh hiệu quả, thuyết phục về nhiệm vụ này. Toàn cảnh kinh tế - xã hội địa phương mang tới bức tranh màu sắc tươi sáng với những điểm nhấn ấn tượng. Từ vùng thấp đến vùng cao, nhân dân các dân tộc Yên Bái tự hào, phấn khởi, vui mừng được thụ hưởng kết quả trực tiếp của năm 2022 cũng như thành quả nối tiếp của quá trình xuyên suốt trước đó.
Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh giữ vững, kinh tế phát triển, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, chất lượng giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe không ngừng nâng cao, chính sách an sinh xã hội thực hiện tốt chính là tạo dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của mỗi người dân Yên Bái, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm so với năm trước 5,15%, vượt 1,15% kế hoạch.
Có thêm nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, nghĩa là có thêm nhiều người dân được sống ở những miền quê đáng sống. Đồng hành, đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, chung mục tiêu phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã góp phần quan trọng đưa chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 62,57%, so với kế hoạch là 60,3%.
Kết quả tốt đẹp của năm 2022 đã tạo tiền đề quan trọng, vững chắc để Yên Bái phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và cả nhiệm kỳ. Dấu ấn "56” sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, khơi dậy khát vọng vươn lên, khẳng định sức mạnh nội sinh của Yên Bái trong tiến trình phát triển không ngừng của sự nghiệp cách mạng.
Sự nghiệp cách mạng lớn lao và vẻ vang ấy, vì hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái và mục tiêu này không có điểm dừng, đòi hỏi ngày càng nâng cao hơn nữa. Yên Bái đã, đang và sẽ tiếp tục hành trình phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân với khát vọng mãnh liệt và niềm tin trọn vẹn, sắt son.
VỮNG VÀNG VAI TRÒ "TRỤ ĐỠ" NỀN KINH TẾ
Bám sát Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy, vượt qua thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự biến động của thị trường, nông nghiệp Yên Bái tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế với những chỉ tiêu đầy ấn tượng…
Theo Chương trình hành động 56 của Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao 5 nhiệm vụ với những chỉ tiêu cụ thể, đó là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp từ 4,54% trở lên; hoàn thành trồng mới 15.500 ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ rừng ổn định 63%; tiêu chuẩn hóa thêm 35 sản phẩm OCOP; phối hợp làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực và tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Toàn tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM và 7 xã NTM nâng cao.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (người thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng OCOP.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Thực hiện Chương trình hành động 56 của Tỉnh ủy, Sở đã ban hành Kế hoạch số 17 về thực hiện Chương trình, ban hành nghị quyết triển khai nghiêm túc Kế hoạch số 17, trong đó đề ra 10 mục tiêu cụ thể; đồng thời đề ra kịch bản tăng trưởng cho từng quý cũng như các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với từng lĩnh vực. Sở chủ động phối hợp tốt với các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển sản xuất, các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh”.
Nhờ xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp linh hoạt, ngành Nông nghiệp đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) đạt 4.916 tỷ đồng, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 131% kế hoạch theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy.
Cơ cấu tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 22,57% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, đứng thứ 6 trong 14 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp của ngành đều đạt và vượt kế hoạch như: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 102,4% kế hoạch, tăng 0,4% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 115% kế hoạch; khai thác gỗ rừng trồng đạt 101% kế hoạch, tăng 9,2% so với cùng kỳ; sản lượng thuỷ sản đạt 107% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ…
Ngành Nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm mà còn đóng góp mạnh cho xuất khẩu. Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo nhóm sản phẩm chủ lực và nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương.
Năm qua, Sở NN& PTNT đã triển khai đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; kết nối lại các thị trường truyền thống bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đồng thời tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản không ngừng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; cấp 50 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực với diện tích trên 329 ha phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận quế hữu cơ cho 19.309,6 ha rừng; đã đưa 4.857 lượt sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn với 9.992 đơn hàng giao dịch thành công...
Những sự thay đổi này góp phần chuyển tiếp từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Công tác xây dựng NTM được triển khai với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội khi toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% kế hoạch; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 142,9% kế hoạch so với Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ. Đến hết năm 2022, cấp chứng nhận cho 59 sản phẩm OCOP, đạt 168,5% so với chỉ tiêu được giao tại Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy; lũy kế đến hết năm 2022 đã có 191 sản phẩm OCOP, trong đó 21 sản phẩm 4 sao, 170 sản phẩm 3 sao.
Những thành quả này trở thành dấu ấn của toàn ngành Nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giữ được mức tăng trưởng 8,62%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Năm 2023, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM phồn vinh và văn minh. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND, quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh để cụ thể hoá bằng kế hoạch cụ thể, xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2023 đạt 5,0%.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, đặc biệt quan tâm đến phát triển các mô hình du lịch trong NTM, xây dựng mô hình thí điểm phát triển chuỗi sản phẩm OCOP xanh gắn với mục tiêu phát triển cộng đồng trong quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học.
Thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cùng với đó, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; đồng thời tìm kiếm các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
QUYẾT TÂM CAO, KẾT QUẢ TOÀN DÂN
Với tinh thần chủ động, sát sao, quyết liệt trong lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự nỗ lực, phấn đấu của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và nhân dân huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình (thứ tư từ phải sang) tặng quà động viên nhân dân thôn Khe Cọ, xã Tân Nguyên.
Trên cơ sở 30 chỉ tiêu của tỉnh giao, huyện đã cụ thể hóa thành 50 chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội được các địa phương, đơn vị hưởng ứng nhiệt tình.
Tại Đảng bộ xã Tân Nguyên, không khí thi đua lao động, sản xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân đang diễn ra sôi nổi vừa nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vừa thực hiện Kế hoạch hành động số 72 của Huyện ủy.
Với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, các tuyến đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, các công trình thủy lợi… được xây dựng đáp ứng yêu cầu các tiêu chí NTM. Hệ thống điện được đầu tư, nâng cấp đảm bảo 100% hộ sử dụng điện an toàn, thường xuyên. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng.
Công tác xóa đói, giảm nghèo được thực hiện tốt. Trên địa bàn xã không có nhà tạm, nhà dột nát; 87% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn theo quy định; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 12,99%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2022.
Ông Sạch Văn Mùi - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết: "Là xã NTM, chúng tôi luôn xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo Kế hoạch hành động số 72 của Huyện ủy.”
Nhờ thực hiện Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động số 72 của Huyện ủy, các cấp, ngành, địa phương huyện Yên Bình đã có một khí thế làm việc sôi nổi và quyết tâm cao, phát huy được sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Dũng Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình chia sẻ: Năm 2022, với tinh thần chủ động, sát sao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự nỗ lực, phấn đấu của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Yên Bình đã vượt qua khó khăn, nhanh chóng, khẩn trương chỉ đạo thực hiện ngay nhiệm vụ chính trị năm 2022, ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy; hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là việc tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện.
Lãnh đạo huyện Yên Bình tham gia cùng nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Huyện đã thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức 30/30 chỉ tiêu Tỉnh ủy giao theo Chương trình hành động số 56-CTr/TU, trong đó có 22 chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu quan trọng, quyết định đến tăng trưởng kinh tế của huyện và nhiều chỉ tiêu khó đều hoàn thành và vượt cao, như thành lập mới doanh nghiệp vượt 25%; thành lập mới hợp tác xã gấp gần 2 lần; kiên cố hóa đường giao thông nông thôn thực hiện vượt 30% kế hoạch; doanh thu từ du lịch vượt 39,3% kế hoạch; 11 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, vượt 2 trường so với kế hoạch; vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế...
Năm 2023, Đảng bộ huyện Yên Bình tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh bền vững gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xây dựng cốt cách con người Yên Bình "đoàn kết, tự cường, nhân ái, văn minh”, trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực, động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển quê hương; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy nhanh tiến trình xây dựng cấp ủy - chính quyền số tinh gọn, hiện đại, đoàn kết, liêm chính, dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Nguyễn Thơm - Văn Thông - Quang Thiều