Cán bộ có 2/3 phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/2/2023 | 10:46:05 AM

Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tín nhiệm vào hộp phiếu trong phiên họp của Quốc hội khóa 13, tháng 11/2014. Ảnh: Media Quốc hội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tín nhiệm vào hộp phiếu trong phiên họp của Quốc hội khóa 13, tháng 11/2014. Ảnh: Media Quốc hội

Ngày 2/2, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định về lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96).

Điểm mới của văn bản này là quy định cụ thể và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Theo quy định cũ, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn.

Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm. Theo quy định cũ, người có từ 2/3 phiếu tín nhiệm thấp sẽ được cho từ chức hoặc thôi chức nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để "tham khảo trong đánh giá cán bộ" như trước đây.

Bộ Chính trị nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần chống tham nhũng, giúp cán bộ tự soi, tự sửa. Diện lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Cán bộ chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không cần lấy phiếu tín nhiệm.

Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt. Việc này thực hiện vào năm thứ ba (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).

Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn sẽ theo quy định của Quốc hội; chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu sẽ theo chương trình làm việc của Trung ương; chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương sẽ tổ chức sau khi lấy phiếu tín nhiệm chức danh do HĐND bầu.

Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là bản lĩnh chính trị; phẩm chất, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ; ý thức kỷ luật, chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; sự phân công của tổ chức; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

Kết quả chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao như năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; số lượng, chất lượng sản phẩm, cũng là tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được công khai trong Trung ương; của chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn thì công khai trên truyền thông; của các chức danh còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Trước đó tháng 9/2022, Thường vụ Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6, khai mạc tháng 10/2023. Các chức danh do Quốc hội bầu gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các chức danh Quốc hội phê chuẩn, gồm Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, với ba mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Quốc hội từng lấy phiếu tín nhiệm ba lần, vào tháng 6/2013, tháng 11/2014 và tháng 10/2018.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Bình giám sát về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại thôn Tân Bình, xã Tân Hương.

Các chương trình kiểm tra giám sát (KTGS) của Đảng bộ huyện Yên Bình thời gian qua phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân đối với cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lễ công bố Quyết định chứng nhận Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Đông Cuông” và Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền Thác Bà/ Gặp mặt các cơ quan báo chí, tuyên truyền Xuân Quý Mão/ Đại tá Lê Việt Thắng giữ chức Giám đốc Công an tỉnh/ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông/ Triển khai công tác thông tin đối ngoại năm 2023/ Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023...là những tin tức nổi bật trong tuần qua.

Hội nghị diễn ra sáng 5/2 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với chủ đề "Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững".

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng hoa nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 4/2, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức trọng thể lễ bàn giao công tác giữa nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục