Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến và UBTVQH nhận thấy Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, ý kiến của các cơ quan hữu quan, đại biểu Quốc hội, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành và nội dung chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Do đó, UBTVQH tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Với hai dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, UBTVQH thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ 6.
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đồng tình với việc bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, để xác định rõ địa vị pháp lý của lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đồng thời, sắp xếp, bố trí lực lượng này theo hướng thống nhất, đồng bộ, tinh gọn đầu mối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục đề xuất xây dựng dự án Luật Đường bộ với 3 nhóm chính sách và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với 6 nhóm chính sách là phù hợp với Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc nghiên cứu, xây dựng các dự án luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân
"Việc xây dựng các dự án luật nói trên cũng là đòi hỏi khách quan của thực tiễn, phù hợp với sự thay đổi, vận động, phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” – bà Xuân nói.
Theo nữ đại biểu, hai dự án luật này cũng đã có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị tương đối dài. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ có liên quan nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý nội dung chi tiết của các dự thảo luật nhằm hạn chế tối đa nội dung chồng chéo giữa 2 luật và phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các luật.
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bà Nguyễn Thị Xuân cũng nhận thấy, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án luật này vào chương trình năm 2023 là có cơ sở.
Cũng liên quan các luật này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị, với việc điều chỉnh chương trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải giải trình một cách thấu đáo, thuyết phục.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa)
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh lấy ví dụ 3 luật trên có thể được đưa vào chương trình, song Chính phủ và các bộ phải khẳng định được đưa luật này vào thì tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tốt hơn, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và nhiều vấn đề khác.
Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) lưu ý, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở được thảo luận tại Quốc hội khóa XIV và có nhiều băn khoăn khác nhau.
Theo ông, thực tế chưa có những đánh giá tác động đầy đủ. Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành, điều chỉnh để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu làm rõ để đề xuất hoặc thực hiện thí điểm.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng
"Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội cần cân nhắc có thể cho thực hiện thí điểm việc tổ chức lại lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự cơ sở trước, sau đó chúng ta có đánh giá đầy đủ về tác động, lúc đó mới tính đến việc luật hóa thì sẽ bảo đảm chắc chắn hơn và chín chắn hơn” – ông Lê Xuân Thân nêu quan điểm.
(Theo VOV)