Qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, tình hình kinh tế - xã hội của Yên Bình đã có bước chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, các chương trình, đề án được quan tâm triển khai thực hiện, việc chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh.
Huyện đã thúc đẩy phát triển lâm nghiệp và thủy sản gắn với công nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Giá trị ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tính đến hết 6/2023 đạt 2.890 tỷ đồng, bằng 97,75% mục tiêu nghị quyết Đại hội.
Yên Bình đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn: trên 36.600 ha rừng trồng; trên 2.000 lồng cá trên hồ Thác Bà; trên 2.000 ha cây ăn quả, trong đó có 1.000 ha bưởi đặc sản Đại Minh... Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới tăng nhanh, tạo động lực và tiền đề hình thành các liên kết chuỗi sản phẩm giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 800 tỷ đồng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã xây dựng được 348 km đường bê tông; xây mới, cải tạo nâng cấp 67 công trình trường lớp học các cấp, 9 nhà văn hóa xã và 30 nhà văn hóa thôn, 14 chợ nông thôn; xây dựng 3 khu thu gom xử lý rác thải tập trung.
Công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng; huyện quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường nội thị, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, vườn hoa, cây xanh; bước đầu phát triển thêm một số tiểu khu dân cư mới theo hướng đô thị văn minh ở thị trấn Yên Bình và các thị tứ. Xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hạ tầng logistics đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chương trình xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, tạo khí thế và phong trào thi đua rộng khắp trong toàn huyện. Hết năm 2022, toàn huyện có 22/22 xã đạt chuẩn NTM, là huyện thứ 2 trong toàn tỉnh có 100% các xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, đến nay trên địa bàn huyện có 102 doanh nghiệp, 966 cơ sở sản xuất. Công tác quy hoạch đô thị, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, thu hút đầu tư, thu ngân sách phát triển và có nhiều khởi sắc. Thu ngân sách hàng năm đạt trên 374 tỷ đồng, tăng 6,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng người/năm. Các công trình trọng điểm được triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.
Người dân thôn Tân Lương, xã Cảm Ân tham gia mở rộng đường thôn từ 3 m lên 5 m.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển khởi sắc, các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng; phong trào văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao quần chúng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ. Chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực. Cải cách hành chính chuyển biến tích cực. Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên… Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4%, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chỉ còn 8,1%.
Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ từng bước đạt được những kết quả tích cực, 100% cơ quan đơn vị, xã, thị trấn được phổ cập dịch vụ di động 4G đảm bảo chất lượng, 100% chi bộ ứng dụng nền tảng Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái. Yên Bình là huyện đứng thứ 2 toàn tỉnh về tỷ lệ đăng ký thực hiện chuyển đổi số và là huyện có chỉ tiêu, tỷ lệ đăng ký cao nhất trong toàn tỉnh.
Lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và đạt được nhiều kết quả tích cực; hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền từng bước được nâng lên; công tác cải cách hành chính từng bước đi vào thực chất hơn.
Các cấp ủy thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của cấp ủy huyện và cơ sở được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; 100% cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm quy chế làm việc.
Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã phát triển 577 đảng viên mới. Qua bình xét hàng năm, trên 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Để đạt được kết quả đó, hơn 2 năm qua, Đảng bộ huyện Yên Bình đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là phương pháp, lề lối làm việc theo hướng "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm gắn với trách nhiệm cá nhân”.
Các cấp ủy từ huyện đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương về công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công tác nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; quan tâm triển khai thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố ngày càng vững chắc.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội được cụ thể hóa thành 4 nhóm chỉ tiêu, 26 chỉ tiêu cụ thể. Sau nửa nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã triển khai thực hiện 8/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết; 16/26 chỉ tiêu đạt từ 70% trở lên; 2/26 đạt từ 50 - 70%.
|
Theo đồng chí Nguyễn Dũng Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình: Bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quán triệt sâu sắc trong các ngành, các lĩnh vực của từng cơ quan, đơn vị; quan điểm phát triển toàn diện bền vững từ việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đến nghị quyết chuyên đề cụ thể; vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện, có bước đi thích hợp; đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển. Huyện cũng xác định nhân lực là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Trong đó, lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng, lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao làm khâu đột phá, lấy nâng cao chất lượng và tinh thần phục vụ, đổi mới tác phong công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định kết quả tổ chức thực hiện nghị quyết. Thực hiện Nghị quyết phải dựa vào dân, phát huy quyền dân chủ, tính chủ động, sáng tạo của nhân dân, gần dân, sát dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Đặc biệt, Đảng bộ huyện quan tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy, trên cơ sở các nguyên tắc và Điều lệ Đảng, phát huy dân chủ, trí tuệ trong Đảng, lấy đó làm hạt nhân thúc đẩy phát huy dân chủ trọng xã hội. Gắn phát huy dân chủ với xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng với Nhân dân.
Nửa cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặt ra những thách thức và cơ hội để Yên Bình bứt phá vươn lên, trong đó việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ huyện có vai trò tiên quyết trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu nghị quyết đã đề ra, góp phần xây dựng huyện Yên Bình phát triển toàn diện theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Minh Huyền - Hoài Văn