Đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm các dịch vụ viễn thông?
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng mai (22.5), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi). Đáng chú ý, quy định: Quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây còn nhiều băn khoăn…
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để đưa một số dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC) và điện toán đám mây (Cloud) vào nhóm các dịch vụ viễn thông.
Sự thay đổi này đang gây ra những quan ngại lớn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào hai loại hình dịch vụ này tại Việt Nam, do có thể làm phát sinh những điều kiện đầu tư, thủ tục cấp phép và tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khác so với các qui định hiện hành.
Việc dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm các dịch vụ viễn thông có thể kéo theo việc áp dụng các điều kiện đầu tư và thủ tục cấp phép viễn thông như áp dụng đối với các dịch vụ viễn thông khác, từ đó tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu nước ngoài đang cân nhắc đầu tư hàng tỉ USD vào cơ sở hạ tầng trong nước.
Cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng
Theo một số kiến nghị của các chuyên gia, thay vì quy định tại Luật Viễn thông, dịch vụ DC và Cloud nên được quy định tại Luật Công nghiệp công nghệ số mà Bộ Thông tin Truyền thông đang soạn thảo.
Điều này sẽ khuyến khích DC và Cloud phát triển mạnh mẽ và cởi mở, phá bỏ những hạn chế và điều kiện về đầu tư, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào hai loại dịch vụ này.
Trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội vào ngày 10.6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với quy định về dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu cũng như đánh giá kĩ lưỡng tác động của việc đưa các dịch vụ này vào trong phạm vi dự thảo nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển vào lĩnh vực này.
Trên thế giới và trong khu vực châu Á, dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu được đánh giá là hai dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế số và được các nước quan tâm xây dựng định hướng, chiến lược phát triển cùng với các chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư vào các dịch vụ này.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, … đều đặt mục tiêu phát triển thành Digital Hub/ Data center Hub của khu vực và trên toàn cầu.
Các nước này đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và phát triển trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Thực tiễn này đòi hỏi Việt Nam cần phải có những chính sách phù hợp và rõ ràng để tăng tính cạnh tranh của thị trường trong việc huy động và khuyến khích đầu tư vào xây dựng hạ tầng và phát triển các dịch vụ thiết yếu này.
Theo một số báo cáo nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, hầu hết các nước không quy định và quản lý hai loại dịch vụ này như các dịch vụ viễn thông vì tính chất của các loại dịch vụ này là khác nhau.
Dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu được truy cập qua mạng viễn thông (hoặc qua dịch vụ viễn thông) và được quản lý theo khuôn khổ chung của các luật hiện có về trò chơi điện tử, websites, giao dịch tài chính, âm nhạc và điện ảnh. Đối với các nước đã có quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì thường theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế.
Các tiêu chuẩn kĩ thuật được đưa ra cũng chỉ tập trung vào khía cạnh an toàn dữ liệu của người dùng. Theo rà soát, hiện nay chỉ có một vài quốc gia quy định trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông, tuy nhiên, hầu như không có quốc gia nào có quy định về hạn chế hai dịch vụ này cung cấp xuyên biên giới hay hạn chế về sở hữu vốn đầu tư nước ngoài.
(Theo LĐO)