Tham luận của các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung phân tích nội dung từng vấn đề theo chủ đề Hội thảo đặt ra, thể hiện phương pháp tiếp cận đa chiều; với quan điểm hệ thống, toàn diện, lịch sử cụ thể, thực tiễn, có ý nghĩa tư tưởng và chính trị cao.
Các tham luận đã làm rõ những quan điểm, tư tưởng, lời chỉ dạy ân cần, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người lên thăm Yên Bái mãi mãi là là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ cách mạng các giai đoạn tiếp theo.
Khắc ghi lời dạy của Người, vượt qua mọi khó khăn, Yên Bái đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, vững bước trên con đường đổi mới, phát triển và hội nhập. Các tham luận cũng đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục vận dụng thực hiện lời dạy của Bác để góp phần đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy định hướng nội dung tham luận tại Hội thảo.
Trong bài tham luận về "Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua chuyến thăm và lời dạy của Bác Hồ đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã đi sâu phân tích bối cảnh, ý nghĩa của chuyến thăm và những lời dạy của Người đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái 65 năm trước.
Đồng thời khẳng định: Chuyến thăm và làm việc của Bác Hồ tại Yên Bái chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng đầy ắp những kỷ niệm ân tình không thể nào quên đối với Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đó là tài sản tinh thần vô giá sẽ mãi mãi được trân trọng, gìn giữ và phát huy. Đó còn là động lực tinh thần thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hành dân chủ, biến khát vọng phát triển thành hiện thực, đưa Yên Bái trở nên giàu có, văn minh, hiện đại, xứng đáng với tình thương và niềm tin của Bác Hồ dành cho Yên Bái anh hùng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc "nêu gương” của cán bộ, đảng viên. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý thức thực hành trách nhiệm nêu gương và đã trở thành tấm gương sáng ngời, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng vô cùng mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo.
Trong tham luận về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Chu Đình Ngữ đã nêu bật, học và làm theo Bác, nghiêm túc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của Trung ương và từ hoạt động thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc triển khai, quán triệt, xây dựng các quy định, kế hoạch để thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Và minh chứng rõ nhất đã đưa mục tiêu về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái, lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tham luận của Bí thư Thành ủy Đỗ Đức Minh đã nêu: Tự hào là địa phương trực tiếp đón Bác về thăm và nói chuyện, trong suốt những năm qua Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thành phố Yên Bái đã luôn đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ mặt thành phố không ngừng đổi thay, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, ngày càng khẳng định thế mạnh của kinh tế đô thị, là đầu tàu, động lực của tỉnh; thương mại dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Với trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, xã Mường Lai, huyện Lục Yên -quê hương Đội du kích Cổ Văn đã xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến gắn với xây dựng nông thôn mới và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay, toàn xã có 68 mô hình đăng ký học và làm theo Bác, trong đó có 46 mô hình tập thể, 22 mô hình cá nhân. Nhiều mô hình đã được nhân rộng và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, điển hình là mô hình "Vận động nhân dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới”.
Cùng với đó, các tham luận: "Giá trị lý luận và thực tiễn trong lời căn dặn của Bác Hồ về đoàn kết dân tộc tại tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958"; "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Mù Cang Chải xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững"; "Chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu sự nghiệp "trồng người" thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"… đều tập trung làm rõ các khía cạnh trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực địa phương và từng cá nhân.
Dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau, các tham luận tại Hội thảo "Yên Bái học tập và làm theo lời Bác” đã góp phần luận giải, làm rõ, phân tích sâu sắc thêm về tình cảm, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về những giá trị lý luận và thực tiễn trong lời căn dặn của Người đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái. Qua đó, góp phần tổng kết, đánh giá những thành tựu đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm qua suốt chặng đường lịch sử thực hiện lời căn dặn của Bác; tiếp tục làm rõ nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện trong chặng đường tới.
Thanh Chi - Mạnh Cường