20 năm công trường Tà Xi Láng - lan tỏa sức nóng “Tháng Thanh niên”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2024 | 7:48:30 AM

YênBái - Năm 2024 là năm đặt dấu mốc quan trọng của thế hệ trẻ cả nước - kỷ niệm 20 năm được Đảng, Nhà nước đồng ý lựa chọn Tháng Ba là “Tháng Thanh niên” và tròn 10 năm được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn là “Năm Thanh niên tình nguyện” (năm 2014). Với thanh niên Yên Bái, "Tháng Thanh niên” này còn có một ý nghĩa đặc biệt hơn, đó là tròn 20 năm khởi công công trình đường Tà Xi Láng huyền thoại lên các xã khu ba đặc biệt khó khăn của 1/61 huyện nghèo cả nước - huyện Trạm Tấu.

Thanh niên phá đá, mở đường trên công trường thanh niên tình nguyện  Tà Xi Láng năm 2004. (Ảnh tư liệu)
Thanh niên phá đá, mở đường trên công trường thanh niên tình nguyện Tà Xi Láng năm 2004. (Ảnh tư liệu)

Tròn 20 năm triển khai, kể từ tháng 2/2004, tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng được hình ảnh đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ mới: Xung kích - tình nguyện - sáng tạo - dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào việc mới, việc khó để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Con đường Tà Xi Láng được hoàn thành, ngoài ý nghĩa chính trị nhân văn cao đẹp, sự tin tưởng vào thế hệ trẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương còn là sự khẳng định sức mạnh nghị lực, tinh thần tình nguyện, dấn thân và khát khao cống hiến, không ngại khó, ngại khổ của tuổi trẻ các dân tộc Yên Bái. Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, họ đã sẵn sàng đến với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn để đảm nhận những phần việc tưởng chừng như không thể.


Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh Trà khi ấy (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ) cùng Bí thư thứ nhất Trưng ương Đoàn  Hoàng Bình Quân (sau này là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương) trên đường lên công trường thanh niên tình nguyện Tà Xi Láng. (Ảnh tư liệu)

20 năm trước, với một tỉnh nghèo như Yên Bái, lại có tới hai huyện nằm trong số những huyện nghèo nhất nước phải trợ cấp cứu đói thường xuyên thì số tiền dự ước gần 10 tỷ đồng - phá thế cô lập cho gần 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông của xã khó khăn nhất huyện Trạm Tấu quả là vấn đề đáng bàn. 

Yên Bái đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và cuộc họp các thủ lĩnh Đoàn toàn tỉnh do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đại biểu Quốc hội khóa XV)- người chị cả của thanh niên Yên Bái khi đó triệu tập ngay. 

Với tinh thần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, hơn 6.500 cánh tay trẻ của 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã đồng loạt biểu quyết ra quân ngay đợt đầu trong tiết trời giá lạnh của mùa Xuân năm 2004. Chỉ sau hai ngày chuẩn bị, toàn đoàn đã tập trung đủ quân số, dụng cụ và lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tính trung bình, mỗi người mang theo một ba lô 10kg gạo, 2kg cá mắm, lạc, muối, thuốc men, chưa kể tư trang, quần áo sẵn sàng cho hành trình 3 - 4 giờ vượt núi, băng rừng tới địa điểm tập kết dựng lán trại.

Đây là tuyến đường có tổng chiều dài hơn 15km, địa hình núi cao, vực sâu hiểm trở, dốc đá cheo leo, khí hậu khắc nghiệt, có hôm nhiệt độ xuống thấp dưới 20oC. Lượng đất đá phải đào đắp ước tới cả trăm ngàn mét khối. Riêng đoạn thi công vượt dốc Tà dài 1.200m xuyên qua khu rừng nguyên sinh là thử thách lớn. Song, 3 tấn vật liệu làm lán trại và các thiết bị hàng hóa đã được các bạn trẻ vận chuyển, tập kết an toàn lên công trường bằng ý chí quyết tâm, tinh thần xung kích, tình nguyện và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ. 

Tiếp đó, gần 14 ngàn lượt đoàn viên thanh niên các cơ quan, đơn vị, huyện thị tham gia mở đường đã tận dụng, vận chuyển 117m3 gỗ các loại để san gạt gần 2.000m2 mặt bằng làm 50 lán trại, mở mới gần 4km đường hậu cần, phát dọn 13.000m2 trên tuyến, cắm cọc phục vụ thi công mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của các thiết bị máy móc. Phần thưởng cho những nỗ lực đó của tuổi trẻ Yên Bái sau hơn 40 ngày bám núi, vượt đèo bằng cơm nắm với rau rừng là con đường huyền thoại uốn quanh núi Tà như chiếc khăn thổ cẩm đầy màu sắc đã dần hình thành.

Trong hành trình của "Tháng Thanh niên” kỷ niệm 20 năm công trình mở đường lên Tà Xi Láng, dừng chân chụp ảnh bên cầu Tà - điểm nhấn ấn tượng nhất của cung đường huyền thoại được xây dựng kiên cố, đoàn thanh niên tình nguyện năm xưa, đa số giờ đã là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của huyện đều trào dâng một niềm xúc động, niềm tự hào tỏa lan khôn xiết. Bởi chính ngay trên công trường này 20 năm trước, hơn 1.500 thanh niên xuất sắc đã được kết nạp Đoàn và 117 đoàn viên ưu tú đã vinh dự được tuyên thệ lời thề, lời hứa quyết tâm dưới lá cờ Đảng. 

Tự hào hơn khi vùng thâm sơn cùng cốc ấy nay đã vang rền tiếng động cơ ô tô, xe máy, nhất là khu trung tâm xã có trụ sở xây 2 tầng khang trang, kiên cố với quần thể trường học, trạm y tế, khu nhà ở cho giáo viên, học sinh…; đêm về điện đã sáng thay sao - điều mà trước đây, từ cán bộ cho tới đồng bào các dân tộc trên đỉnh núi Tà cả trong mơ cũng không dám gặp bao giờ!

Những đoàn viên, thanh niên trực tiếp tham gia phá đá, mở đường trên đường lên công trường Tà Xi Láng năm 2004 (Ảnh tư liệu)

Có thể là hình ảnh về 8 người và văn bản
Bức ảnh biểu tượng của tinh thần đoàn kết, cháy lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ Yên Bái làm nên con đường huyền thoại Tà Xi Láng.


Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái Hà Quyết, Bí thư Trung ương Đoàn Hoàng Bình Quân, Bí thư Tỉnh đoàn- Chỉ huy công trường Phạm Thị Thanh Trà chụp ảnh lưu niệm tại Công trường  thanh niên tình nguyện Tà Xi Láng năm 2004 (Ảnh tư liệu).

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa con số 20 vì cộng đồng của tuổi trẻ các dân tộc Yên Bái với tuổi trẻ cả nước khi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lựa chọn chủ đề công tác năm 2024 là "Năm Thanh niên tình nguyện”, xác định chủ đề Tháng Ba - "Tháng Thanh niên” năm nay là "Thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”. 

Phải chăng, sức nóng nhiệt huyết và tinh thần tình nguyện của lớp thanh niên 20 năm trước trên công trường mở đường lên Tà Xi Láng vẫn đang tỏa lan khát vọng, sự dấn thân và xung kích, sáng tạo vì cộng đồng với không riêng chỉ tuổi trẻ các dân tộc Yên Bái? Đúng vậy! Tuổi trẻ thực sự đã, đang và sẽ mãi là mùa xuân của xã hội, là cánh tay đắc lực giúp Đảng, giúp nhân dân xây dựng giang sơn đất nước cho bốn mùa là cả bốn mùa xuân. 

Đường lên Tà Xi Láng hôm nay. (Ảnh tư liệu)

Tin tưởng, kỳ vọng và giao trọng trách lên vai thế hệ trẻ, ngày 25/2 vừa qua, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, dự Lễ khởi động "Tháng Thanh niên” và Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định, qua 20 năm không ngừng đổi mới, phát triển, "Tháng Thanh niên” đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của tuổi trẻ cả nước, là trung tâm của Phong trào "Thanh niên tình nguyện", được hàng chục triệu bạn đoàn viên, thanh niên và nhân dân chờ đón, hưởng ứng và tham gia mỗi dịp xuân về. Đây là môi trường để các bạn trẻ đốt cháy nhiệt huyết rèn luyện, cống hiến…”.  

Quán triệt tinh thần đó, cùng với tuổi trẻ cả nước và ngọn đuốc rực sáng 20 năm trước đã thắp trên công trường Tà Xi Láng, tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục rèn luyện, học tập, lao động và kiến tạo thêm nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa cho cộng đồng, cho quê hương, cho Tổ quốc, làm giàu thêm những công trình, phần việc ý nghĩa trong sổ vàng truyền thống của Đoàn, làm rạng rỡ hơn hình ảnh những thanh niên Việt Nam tiên tiến trong thời đại mới với "Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn và giàu lòng yêu nước".


Ban chỉ huy công trường thanh niên tình nguyện Tà Xi Láng năm 2004 tặng hoa đồng chí Phạm Thị Thanh Trà- nguyên Bí thư Tỉnh đoàn, trưởng Ban chỉ huy công trường  (khi ấy là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái) nhân dịp kỷ niệm 10 năm con đường Tà Xi Láng (năm 2014).  (Ảnh tư liệu)




Các cựu chỉ huy công trường thanh niên tình nguyện Tà Xi Láng trong ngày trở lại sau 20 năm, ngày 17/3/2024. (Ảnh: Thu Trang- Hoài Văn)

Thanh Hương

Tags Công trường Tà Xi Láng Trạm Tấu Tháng Thanh niên

Các tin khác

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, mở đầu nền hòa bình cho đất nước. Trân trọng và tự hào về những thành quả mà thế hệ cha ông đã đổ máu xương giành được, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm thiết thực để giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bà Nguyễn Hương Giang

Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau:

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục