Để phong trào không chỉ là lời hay trên giấy - Nhìn từ “Ngày cuối tuần cùng dân”

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/8/2024 | 7:50:56 AM

YênBái - Từ một mô hình xuất phát từ huyện vùng cao Mù Cang Chải, “Ngày cuối tuần cùng dân” đã lan tỏa thành phong trào rộng khắp, duy trì thường xuyên và lâu dài trên địa bàn toàn tỉnh. Thành công ấy đã khẳng định một chủ trương đúng đắn, đầy sáng tạo, cũng như thể hiện giá trị của tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao.

Cơ quan phụ trách giúp đỡ xã cùng chính quyền địa phương tổ chức
Cơ quan phụ trách giúp đỡ xã cùng chính quyền địa phương tổ chức "Ngày cuối tuần cùng dân" tham gia trồng hoa tạo cảnh quan môi trường tại bản Púng Luông, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.

Tháng 6/2019, Huyện ủy Mù Cang Chải phát động và triển khai thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện của bệnh quan liêu, xa dân và thực hiện phương châm "Sẵn sàng, chủ động đối thoại với nhân dân, lắng nghe dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”. 

Nội dung mô hình đặt ra là: mỗi cán bộ, đảng viên ngoài nhiệm vụ đi cơ sở theo chuyên môn, mỗi tháng phải tự giác thu xếp thời gian, công việc, dành ít nhất 2 ngày cuối tuần để đến với nhân dân tại các thôn, bản được phân công, phụ trách để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước đến người dân; nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cùng nhân dân tháo gỡ những khó khăn, bức xúc trong đời sống, tinh thần, lao động sản xuất... 

Phải khẳng định rằng, nội dung, mục đích của mô hình đã đánh trúng vào tình hình thực tiễn của một địa bàn vùng cao như Mù Cang Chải. Bởi đây là một trong hai huyện nghèo của tỉnh, địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, dân cư phân bố không tập trung, có tới 98% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế… cho nên rất cần sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền trong mọi mặt. 

Hơn nữa, việc tích cực đến gần với đồng bào, khuấy động các phong trào thi đua ở cơ sở bằng cách lấy mình làm gương, "nói đi đôi với làm” từ lâu đã được đúc rút là cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ ở vùng đồng bào DTTS. Về cách làm thì Huyện ủy Mù Cang Chải xác định: thứ nhất là làm cùng dân chứ không làm thay. 

Thứ nữa, đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp đột phá, là môi trường cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện rèn luyện và đánh giá cán bộ. Thứ ba là lấy đó làm tiêu chí và làm cơ sở để đánh giá việc nêu gương của cán bộ, làm sao tạo sự gắn bó, gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. 


  Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải cùng dân tham gia trồng cây. 

Về nội dung các phần việc được đặt ra cũng rất thiết thực, phù hợp với thực tiễn vùng đồng bào, không sa vào hình thức, chạy theo thành tích. Đó không chỉ là những buổi tham gia hội nghị cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, họp cơ quan, họp bản, tổ dân phố; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lắng nghe, giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở mà còn là những buổi cán bộ, đảng viên bỏ đi bộ trang phục công sở lịch lãm, chẳng nề hà khó khăn, vất vả để "xắn tay áo” cùng dân khai hoang ruộng bậc thang, đổ đường bê tông, xóa nhà dột nát, vệ sinh môi trường… 

Kết quả của mô hình sau 5 năm đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển chính trị - kinh tế -  xã hội của Mù Cang Chải, đặc biệt là nhiệm vụ phấn đấu cơ bản không còn là huyện nghèo vào năm 2025. Tiêu biểu như: đã tổ chức trên 25.500 buổi tuyên truyền, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; huy động ngày công, hỗ trợ vật liệu cùng nhân dân triển khai kiên cố hóa được 312 km đường giao thông nông thôn, mở mới được 63 km đường đất; duy trì gần 30 km đường điện thắp sáng đường quê, 77 mô hình tuyến đường tự quản; làm được 492 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, xóa nhà dột nát với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng; xây dựng được trên 2.000 công trình nhà vệ sinh; tổ chức khai hoang được 1.500 ha ruộng bậc thang; vận động các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ tiền mặt và vật chất quy ra tiền mặt tổng trị giá trên 4 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. 

Đặc biệt năm 2023, tinh thần của "Ngày cuối tuần cùng dân” đã giúp huyện nhanh chóng khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa lũ, giúp nhân dân ổn định cuộc sống… Đời sống của người dân Mù Cang Chải ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 8% mỗi năm; không phát sinh "điểm nóng” ở cơ sở. Một chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, đưa những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển hóa thành hành động cụ thể, "Ngày cuối tuần cùng dân” đã được nhân rộng trong toàn tỉnh chỉ sau gần một năm thực hiện. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã khẳng định, thực hiện Chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân” đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, cũng là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đồng thời là một trong những biện pháp để thực hiện trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân. Chương trình đã huy động được sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cơ sở tự giác, tự nguyện, không sa vào hình thức. 


"Ngày cuối tuần cùng dân” đã được nhân rộng, lan tỏa trong toàn tỉnh và trở thành việc làm thường xuyên, liên tục. (Trong ảnh: Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Yên cùng nhân dân lắp đặt hệ thống điện cho các tuyến đường nông thôn). 

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 7.100 lượt các đồng chí là bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành, đại biểu HĐND các cấp và trên 61.000 lượt các đồng chí là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, thành viên đoàn công tác cấp tỉnh, cấp huyện dự sinh hoạt chi bộ và trực tiếp tham gia các hoạt động ý nghĩa cùng nhân dân tại các thôn, bản, tổ dân phố như: làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa, đường hoa, trồng rừng… Đội ngũ cán bộ, đảng viên không nề hà vất vả, khó khăn, cùng chung tay thực hiện các hoạt động hướng mạnh về cơ sở, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. 

Nhiều năm vẫn được duy trì thường xuyên hiệu quả, được đông đảo nhân dân hoan nghênh, "Ngày cuối tuần cùng dân” đã cho thấy một cách làm hiệu quả để phong trào về xây dựng, phát triển Đảng không chỉ là những khẩu hiệu, những lời hay ý đẹp trên giấy mà trở thành hành động quyết liệt. Trước hết, nội dung phong trào cần tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, tránh hình thức. Mục tiêu, kế hoạch đặt ra cũng cần thiết thực, phù hợp và sát với hoàn cảnh, với thực tiễn địa phương, tránh tình trạng đặt mục tiêu cao quá rồi không làm nổi, hoặc ban đầu làm quá ồ ạt, một thời gian sau thì đuối sức, lãng quên… 

Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả phong trào; tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng hình thức, không thực chất. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", làm cho phong trào trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng. 

Ngoài ra, cũng cần chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và hướng khắc phục. Qua đó rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt để nhân ra diện rộng; đồng thời, phát hiện tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời. 

Hoài Anh

Tags Yên Bái Mù Cang Chải “Ngày cuối tuần cùng dân” xóa đói giảm nghèo

Các tin khác
Nhân dân xã Tân Phượng, huyện Lục Yên chung sức làm đường nông thôn.

Là điểm sáng của vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với 106 xã đạt chuẩn NTM, 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…, Yên Bái có được diện mạo tươi sáng như hôm nay không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của công tác dân vận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt - Ảnh: TTXVN

Sáng 6/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Lãnh đạo chủ chốt đã họp để đánh giá kết quả công tác tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2024, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ông Hoàng Quốc Khánh làm Bí thư tỉnh Sơn La.

Bộ Chính trị chuẩn y ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Giàng A Tông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái tặng hoa và quà xã Minh An tại Ngày hội.

Sáng 6/8, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) xã Minh An, huyện Văn Chấn tổ chức Ngày hội TDBVANTQ năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục