Tham dự cuộc gặp mặt có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu dự buổi gặp mặt.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Báo cáo tại cuộc gặp mặt, thay mặt toàn ngành Giáo dục và lực lượng các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức cuộc gặp mặt thân tình, ấm áp với các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
"Đây là sự kiện có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn đối các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân theo quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, trong những năm qua, ngành giáo dục đã không ngừng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và bảo vệ đất nước.
Quang cảnh cuộc gặp mặt.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội luôn quan tâm và ngày càng quan tâm thiết thực hơn tới phát triển giáo dục nói chung và phát triển lực lượng nhà giáo nói riêng. Điều đó được thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong Hiến pháp, Nghị quyết và rất nhiều chính sách quan trọng cùng với nhiều quyết sách cụ thể trong suốt những năm qua. Gần đây nhất, trong Kết luận 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần "Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu "cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.
Các đại biểu dự cuộc gặp mặt.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sáng nay, đúng ngày 20.11, tại phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà giáo đã có rất nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận của đại biểu Quốc hội.
"Các đại biểu đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho Ban soạn thảo để tiếp tục hoàn thiện. Có những ý kiến rất sâu sắc, cũng có ý kiến rất thẳng thắn, tranh luận cũng rất gay gắt nhưng đều theo hướng cùng chung tay, góp trí tuệ, công sức để hoàn thiện Luật Nhà giáo, qua đó phát triển đội ngũ nhà giáo, phát triển ngành giáo dục và góp phần phát triển đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các đại biểu dự cuộc gặp mặt.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, thay mặt cho ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là đại biểu Quốc hội; chúc các cô, các thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và hết lòng với nghề giáo; đặc biệt luôn làm tốt vai trò đại diện, kết nối và chuyển tải đầy đủ thông tin giữa nghị trường Quốc hội và cử tri, Nhân dân cả nước; chúc toàn thể các nhà giáo, nguyên là nhà giáo trên các cương vị mới luôn phát huy tinh thần, phẩm chất của nhà giáo để nghề giáo luôn lan tỏa tốt đẹp ở bất kỳ môi trường, vị trí nào.
(Theo Báo Đại biểu nhân dân)