Trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 đạt 8% trở lên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/2/2025 | 2:13:31 PM

Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Sáng 7/2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Trình bày tóm tắt đề án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2025, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Theo Thứ trưởng, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Trong các điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên, ông Phương nêu rõ yêu cầu phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng.

Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP.HCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.

Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, về hoàn thiện thể chế, pháp luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.

Ông Trần Quốc Phương đề cập đến nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng giao; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.

Chính phủ cũng xác định tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Cùng đó là phát huy hiệu quả cơ chế Tổ công tác nhằm chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế "luồng xanh" cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần phát huy hiệu quả các Ban chỉ đạo, Tổ công tác để rà soát, có giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025...

Tại tờ trình số 53 ngày 27/1 Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu:

(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên.

(2) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

(3) Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

(Theo VTC News)

Các tin khác
Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Ngày 6-2, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ Nhất (mở rộng).

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 6/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Phiên họp trực tuyến lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Giang, sáng 6/2.

Sáng 6/2, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đến dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy Hà Giang.

Toàn cảnh họp báo.

Sáng 6/2, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo triển khai "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Năm - năm 2025".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục