Cả tỉnh hướng về Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với quyết tâm chính trị rất cao, tạo bằng được chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội vững chắc ở huyện Trạm Tấu, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra Quyết định số 913-QĐ/TU ngày 10/12/2008. Thực hiện Quyết định đó, những tháng đầu năm 2009, các ban, ngành ở tỉnh đã sôi động với rất nhiều hoạt động hướng về Trạm Tấu.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông của tỉnh được cử về hướng dẫn nông dân Trạm Tấu gieo cấy lúa xuân.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông của tỉnh được cử về hướng dẫn nông dân Trạm Tấu gieo cấy lúa xuân.

Cuối năm 2008, tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu đã có không ít người băn khoăn trước tình trạng mức đầu tư hai năm 2007 - 2008 vào Trạm Tấu (cả về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp đến người dân) đã lên tới mức bình quân 17 triệu đồng/người/năm, chưa kể những hỗ trợ gián tiếp về các chính sách khác như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí đối với các xã đặc biệt khó khăn...

Vậy mà vì sao đời sống nhân dân vẫn chậm đi lên; tỷ lệ nghèo vẫn còn cao? Sở dĩ có tình trạng trên, thì có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là do năng lực nội sinh quá yến nên Trạm Tấu khó tiếp thụ có hiệu quả sự đầu tư hỗ trợ từ bên ngoài. Ví như một người ốm quá nặng, khả năng hấp thụ kém thì dù có bồi bổ bao nhiêu của ngon vật lạ, thuốc bổ quý đi chăng nữa thì cũng bằng không. Vì vậy, trước tiên cần phải nâng cao năng lực nội sinh, khả năng "hấp thụ" mới có thể thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy đối với Trạm Tấu.

Với quyết tâm chính trị rất cao, tạo bằng được chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội vững chắc ở huyện Trạm Tấu, Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 913-QĐ/TU ngày 10/12/2008. Thực hiện Quyết định đó, những tháng đầu năm 2009, các ban, ngành ở tỉnh đã sôi động với rất nhiều hoạt động hướng về Trạm Tấu.

Các ban xây dựng Đảng của tỉnh phối hợp và chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, cùng với các ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy theo chức năng nhiệm vụ và đồng loạt phối hợp với huyện Trạm Tấu triển khai, tổ chức hàng trăm cuộc họp với dân, xuống cơ sở vận động nhân dân thực hiện. Tỉnh phối hợp với huyện Trạm Tấu, giúp Trạm Tấu chỉ đạo hai xã: Bản Mù và Trạm Tấu làm điểm. Việc xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng trước hết từ công tác Đảng.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã thẩm định xong tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ, triệu tập từ bí thư chi bộ thôn, bản về Trường Chính trị tỉnh tập huấn, giúp Huyện ủy Trạm Tấu hoàn thành, bổ sung và ban hành quy chế làm việc của cấp ủy; hướng dẫn trình tự, nội dung sinh hoạt chi bộ thôn bản, hoàn thành việc khảo sát hệ thống chính trị để có kế hoạch củng cố tại xã Bản Mù và Trạm Tấu. Tỉnh đã bố trí 3 cán bộ về tăng cường cho một số ngành kinh tế quan trọng của huyện, luân chuyển từ tỉnh xuống huyện 5 bác sĩ, 2 cán bộ quản lý ngành y tế, giao chỉ tiêu cho huyện được cử  tuyển đào tạo 6 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học, 6 y sĩ đa khoa, 35 cán bộ y tế thôn bản.

Huyện Trạm Tấu đưa 9 cán bộ y tế tăng cường cho cấp xã, cử hai cán bộ là Bí thư Huyện đoàn, hiệu trưởng một trường PTCS làm đặc phái viên của Huyện ủy tại xã Làng Nhì và Phình Hồ. Hội nghị già làng, trưởng họ, người có uy tín được tổ chức thành công như một luồng gió mát lành lan đến các làng bản, động viên nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cùng với những hoạt động nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, các ngành ở tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực như: giúp huyện Trạm Tấu xây dựng Đề án Phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020 theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đối với 61 huyện nghèo. Những tháng đầu năm là thời gian sản xuất vụ đông xuân 2008 - 2009, tỉnh đã cung ứng 16,5 tấn lúa lai; 4,5 tấn nilon che mạ, 18 tấn giống ngô lai, 24 tấn lạc và 1,5 tấn đậu tương giống cùng 350 triệu đồng mua phân bón để hỗ trợ huyện Trạm Tấu.

Ngành nông nghiệp tỉnh, huyện đã xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật, thời vụ, phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân cấy được 550 ha lúa ruộng, trồng 125 ha lạc, 1000 ha ngô chủ yếu bằng giống mới năng suất cao trong thời vụ tốt nhất, đạt 100% kế hoạch sản xuất vụ này của huyện.

Cùng với những nhiệm vụ trên, Chi cục Kiểm lâm và Viện Thiết kế quy hoạch rừng phối hợp với Trạm Tấu đã làm tốt công tác rà soát, đánh giá trữ lượng rừng sản xuất, xác định nhu cầu trồng rừng của các hộ nông dân, xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng sản xuất, họp dân tuyên truyền phát phiếu điều tra tới từng hộ, làm cơ sở để triển khai việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng, gắn với bảo vệ rừng, phòng chống tái trồng cây thuốc phiện... nhằm nâng cao đời sống nhân dân một cách ổn định và bền vững.

Việc đo đạc, kiểm kê đất sản xuất nông lâm nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đang quản lý, sử dụng đang được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương tuyên truyền trong nhân dân thực hiện tại xã Bản Mù và Trạm Tấu, bước đầu đã đo đạc được 40 ha, tỉnh đã bố trí 3 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ trên đây và xây dựng kế hoạch ngân sách đảm bảo thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Trạm Tấu.

Đến cuối tháng 3/2009, UBND tỉnh đã phê duyệt 10 dự án đầu tư gồm: đầu tư phát triển rừng phòng hộ Trạm Tấu, giao rừng, cho thuê rừng sản xuất; đo đạc, điều chỉnh đất nông nghiệp, xây dựng bệnh viện đa khoa huyện, mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa huyện; kè chống sạt lở bờ suối Tung Hát, đường đến trung tâm xã Xà Hồ và xã Phình Hồ, hỗ trợ canh tác nông, lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy, đầu tư đo đạc đất sản xuất nông, lâm nghiệp tại các xã vùng cao của tỉnh.

Trong mấy tháng đầu năm mà chủ yếu là tháng 2 – 3 và tháng 4, các ngành ở tỉnh đã dành khá nhiều tâm lực, thời gian hướng về Trạm Tấu, cụ thể hóa nhiệm vụ của mỗi ngành để thực hiện Nghị quyết 03 và Quyết định 913/QĐ-TU của Tỉnh ủy, thể hiện sự nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao, và hành động cụ thể. Các ngành nghiêm túc thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, sự đầu tư về vật chất, tài chính của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ cho huyện Trạm Tấu là không nhỏ. Vấn đề còn lại là, Đảng bộ và nhân dân huyện Trạm Tấu phải chuyển được từ quyết tâm của tỉnh thành quyết tâm của chính mình. Tạo được chuyển biến từ nhận thức để chuyển biến trong hành động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tác động đến toàn dân để tăng cường năng lực nội sinh nhằm hấp thụ và phát huy có hiệu quả sự đầu tư hỗ trợ của cấp trên, sự tiếp sức từ bên ngoài để Trạm Tấu có thể giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cả nước, cả tỉnh hướng về Trạm Tấu, hết lòng vì Trạm Tấu, Trạm Tấu có vì mình mà vươn lên để thoát nghèo?

Ngân Hà

Các tin khác

Ngày 8-5, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/T.Ư của Ban Bí thư về lãnh đạo Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chúng tôi xin trân trọng trích giới thiệu nội dung chính của Chỉ thị:

Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trao đổi và thống nhất dự kiến thời gian, nội dung chương trình kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khoá XVI. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND chủ trì Hội nghị.

Nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2009, Phật lịch 2553, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đã có thư gửi chư tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước lời chúc mừng đại hoan hỷ và thường lạc.

Tranh cổ động của Đình Thi.

YBĐT - Nằm ở cửa ngõ chiến trường Tây Bắc, Yên Bái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, là khu đệm giữa hậu phương và mặt trận Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục