Tự hào chiến thắng Sông Thao
- Cập nhật: Thứ hai, 18/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách đây 60 năm, mùa hè 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta có sự thay đổi cơ bản về cục diện chiến lược. Chúng ta đã chuyển từ trạng thái giằng co giữa ta và địch sang thế chủ động tấn công tiêu diệt giặc. Quân và dân ta trên mọi mặt trận đã có nhiều chiến công oanh liệt gắn liền với nhiều địa danh lịch sử.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên (Yên Bái) về thăm nơi bộ đội ta vượt sông tham gia chiến dichh Sông Thao.
|
Trên mảnh đất Văn Yên anh hùng, vẫn còn hiện hữu di tích lịch sử của những trận đánh oanh liệt trong chiến dịch Sông Thao, tiêu diệt địch ở đồn Đại Bục, đồn Đại Phác và đồn Gióm. Thời gian đã qua đi, song những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa vẫn còn in đậm trong ký ức các thế hệ nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên. Chiến thắng Sông Thao với những trận đánh mở màn, then chốt đã chọc thủng phòng tuyến Tây Bắc của địch, mở rộng căn cứ địa, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp tới thắng lợi cuối cùng, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Sau khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, chúng tiến hành đánh chiếm Lai Châu, Lào Cai, Sơn La rồi đổ thêm quân tràn xuống đánh chiếm Nghĩa Lộ, Than Uyên, Văn Bàn, Văn Chấn, Trấn Yên, hình thành phòng tuyến Sông Thao dài trên 200km, với một hệ thống đồn bốt dày đặc, kéo dài từ Nghĩa Lộ đến Văn Bàn, phối hợp với lực lượng địch ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Cao Bằng, Bắc Cạn tạo những gọng kìm khép chặt căn cứ địa Việt Bắc. Đồng thời, ngăn chặn quân ta mở rộng căn cứ cách mạng sang phía Tây Bắc, ngăn chặn tuyến giao thông với các nước bạn xã hội chủ nghĩa qua đường biên giới Lào Cai và nước bạn Trung Quốc.
Để tiêu diệt sinh lực địch, phá vỡ phòng tuyến Sông Thao, mở rộng căn cứ địa vùng Tây Bắc, khai thông tuyến biên giới với nước bạn Trung Quốc, phá thế uy hiếp của địch đối với Việt Bắc và củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào và lập thành tích chào mừng sinh nhật lần thứ 59 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo chủ trương và kế hoạch của Bộ Tư lệnh, ngày 19/5/1949, quân ta tập trung lực lượng tiêu diệt 2 cứ điểm Đại Bục và Đại Phác để mở màn chiến dịch Sông Thao. Đây cũng là lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta thí điểm đánh công kiên địch trong công sự cấp tiểu đoàn, Tiểu đoàn 54 được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm Đại Bục. Tiểu đoàn 11 được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm Đại Phác.
Vào lúc 16h00 ngày 19/5/1949, được sự chi viện của pháo binh, Tiểu đoàn 54 bắt đầu tiến công cứ điểm Đại Bục. Sau 35 phút chiến đấu quyết liệt quân ta đã san phẳng đồn Đại Bục, diệt và bắt toàn bộ quân địch, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược. Tiếng súng cối và Bazoka nổ vang dội ở đồn Đại Bục đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11. Vào lúc 16h10 cùng ngày, Tiểu đoàn 11 bắt đầu tiến công cứ điểm Đại Phác. Qua kinh nghiệm trận Phủ Thông, sau hơn một giờ chiến đấu, Tiểu đoàn 11 đã tiêu diệt toàn bộ các ổ đề kháng của địch. Tới 18h00 cùng ngày, bộ đội ta diệt xong đồn Đại Phác, làm chủ trận địa, diệt và bắt sống gần hết lực lượng địch.
Ngày 16/7/1949, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt quân địch ở vị trí Gióm và Làng Phát (xã Đông An bây giờ) để phá một trong các chốt quan trọng trên phòng tuyến sông Thao, không cho quân địch tái chiếm đóng lại Đại Bục, Đại Phác. Chỉ trong vòng 45 phút chiến đấu, đồn Gióm bị bốc cháy, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh, ta thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 17/7/1949, theo lệnh của Bộ Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch sông Thao.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, từ 19/5/1949 đến 18/7/1949, quân ta đã tiêu diệt 9 cứ điểm, bức rút 16 vị trí, tiêu diệt 230 tên địch, làm bị thương 150 tên, bắt 58 tù binh, 300 tên tề điệp, phản động; thu nhiều vũ khí, phương tiện, quân trang, quân dụng, đốt 1 kho xăng, 1 kho gạo của địch. Chiến thắng Sông Thao với việc tiêu diệt các đồn Đại Bục, Đại Phác, Gióm có ý nghĩa rất quan trọng đối với quân và dân Văn Yên. Một vùng rộng lớn thượng huyện Trấn Yên rộng 300km2, với trên 3.000 dân được giải phóng, chính quyền cách mạng được củng cố xây dựng ngày càng vững chắc, nhiệm vụ chính trị của địa phương đã chuyển sang giai đoạn mới.
Ngày 01/3/1965, huyện Văn Yên được thành lập trên cơ sở tách một số xã từ huyện Trấn Yên và huyện Văn Bàn. Khi mới thành lập, toàn huyện có 22.000 dân, 1.500 ha ruộng nước, 496 ha quế, 72 ha chè, 92 ha mía. Cả huyện mới chỉ có một trường cấp II, một nửa số xã có trường cấp I, với 2000 học sinh, gần 80% số hộ nông dân tham gia hợp tác xã. Đảng bộ Văn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hậu phương, vừa đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng dân quân các xã: Lang Thíp, Mậu Đông, Xuân Tầm, Lâm Giang đã dùng súng trường bắn rơi 4 máy bay Mỹ, thực sự là điển hình tiêu biểu cho lực lượng vũ trang cả nước học tập noi theo. Nhiều năm liền Văn Yên luôn là huyện duy nhất của tỉnh đạt danh hiệu "4 tốt".
Từ năm 1986 đến nay Văn Yên đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm: vùng lúa, vùng sắn, vùng quế, vùng cây công nghiệp, gắn với phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, bảo đảm giao lưu hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều tuyến đường được xây dựng, nâng cấp như: đường Yên Bái - Mậu A, Mậu A - Tân Nguyên, Mậu A - Trái Hút, An Bình - Lâm Giang, Mậu A - Nà Hẩu, Quy Mông - Đông An, Đông An - Phong Dụ...; phát triển hệ thống lưới điện quốc gia tới tất cả các xã; phát triển hệ thống trường lớp học, trạm y tế xã, bệnh viện và hệ thống bưu chính viễn thông, đã và đang tạo ra diện mạo mới cho Văn Yên trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Kinh tế Văn Yên giai đoạn 1996 - 2000, tăng trưởng bình quân 8,98%/năm, giai đoạn 2001 - 2005 tăng trưởng bình quân 10,6%/năm.
Năm 2008, tăng trưởng đạt 12,2%/năm, tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm còn 45,8%; công nghiệp xây dựng tăng lên 26,1%; dịch vụ lên 28,1%, thu nhập bình quân đầu người, đạt 8,4 triệu đồng. Giáo dục - đào tạo có bước phát triển mới, toàn huyện có 93 trường phổ thông, 1.044 lớp học, với gần 29.000 học sinh; 27/27 xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tốt, năm 2008 có 19/27 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác văn hóa - thông tin, thể thao, phát thanh - truyền hình, bưu chính viễn thông phát triển, 100% thôn, bản có nhà văn hóa. Lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, chính sách xã hội được triển khai thực hiện tích cực có hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng được thường xuyên chú trọng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nay, toàn Đảng bộ có 4.618 đảng viên, sinh hoạt ở 416 chi bộ. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, các tổ chức đoàn thể không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với những thành tích đã đạt được trong 2 cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Văn Yên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang" và "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới"...
60 năm đã đi qua, tinh thần và khí phách chiến thắng của chiến dịch Sông Thao vẫn mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn của Đảng bộ, chính quyền lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Văn Yên trong những chặng đường cách mạng tiếp theo. Phát huy truyền thống Anh hùng, phát huy những giá trị lịch sử to lớn của chiến dịch Sông Thao, mà đỉnh điểm là chiến thắng Đại Bục, Đại Phác và Gióm, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và đông đảo các tầng lớp nhân dân Văn Yên tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng quê hương Văn Yên giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống của Anh hùng, xứng đáng với tầm vóc của chiến dịch Sông Thao, của công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự ngưỡng mộ của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Nguyễn Văn Lịch - Bí thư Huyện ủy Văn Yên
Các tin khác
YBĐT - Có lẽ trong chúng ta, không ai là không biết đến hình ảnh Bác Hồ ngồi ở Đền Hùng (Phú Thọ) trước đông đảo cán bộ, chiến sỹ thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong và câu nói nổi tiếng của Người: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
YBĐT - Ngày 16/5, tại thị xã Nghĩa Lộ, Tỉnh uỷ Yên Bái, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất chương trình phối hợp công tác tuyên truyền nhằm quảng bá những tiềm năng thế mạnh của Yên Bái đến với độc giả trong nước, quốc tế.
Ngày 16/5/2009, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Dũng nói:
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư đã tổ chức họp báo, triển khai Chương trình tuyên truyền "Những điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ðồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình tuyên truyền "Những điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chủ trì họp báo.