Bà Sùng Thị Chư - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái:

"Tổ chức Hội người cao tuổi nên có 4 cấp"

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII thảo luận về Luật Người cao tuổi. Bà Sùng Thị Chư - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia ý kiến đóng góp vào Luật.

Trước hết, tôi thấy rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung sau khi các đại biểu phát biểu. Như chúng ta biết, hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) chiếm 10% dân số cả nước nên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy NCT Việt Nam thì tôi thấy, việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật NCT rất phù hợp với nguyện vọng của đông đảo NCT. Tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất: Về phạm vi điều chỉnh và xác định độ tuổi của NCT ở Điều 1 và Điều 3 của Luật. Tôi nhất trí với việc không nên quy định NCT là người nước ngoài vào Luật mà chỉ quy định cho người Việt Nam được tham gia vào Luật là phù hợp với thực tiễn và thi hành chính sách pháp luật về NCT nước ta, nhất là khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước và các điều kiện khác nhằm bảo đảm và thực hiện tính khả thi của Luật tốt hơn.

Thứ hai: Về độ tuổi, tôi nhất trí nên quy định ở độ tuổi từ 60 trở lên, kể cả nam hay nữ và không kể nông thôn hay thành thị thì được vào hội NCT. Nếu như một số người 55 tuổi đối với nữ đã nghỉ hưu thì tôi nghĩ rằng, trong Luật sẽ không quy định rõ mà nên để các văn bản dưới Luật quy định cụ thể. Nếu những người 55 tuổi là nữ có nguyện vọng muốn tham gia hoạt động của hội thì chắc rằng, hội cũng không khắt khe với họ. 

Thứ ba: Về độ tuổi để xác định NCT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước ở Điều 17, tôi nhất trí là người từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội. Điều này phù hợp với nguyện vọng của đông đảo NCT tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 17.

Về mức trợ cấp hàng tháng, hiện nay, trong Dự thảo Luật ghi 180.000 đồng/tháng và theo mức thực tế bây giờ, các cụ đang hưởng mức 120.000 đồng/tháng. Mức này hiện quá thấp so với nhu cầu thực tế. Tôi đề nghị, mức trợ cấp hàng tháng nên bằng 1/2 mức lương cơ bản. Như vậy sẽ hợp lý hơn, phù hợp hơn với giá cả thị trường và thể hiện tính ưu việt của chế độ cũng như giúp Chính phủ không phải điều chỉnh lại nhiều lần trong quá trình thực hiện.

Thứ tư: Về Hội NCT Việt Nam, hiện có 2 ý kiến rằng nên là tổ chức chính trị hay nên là tổ chức chính trị - xã hội. Theo quan điểm của tôi, nên để Hội là tổ chức xã hội bởi hai lý do sau:

Một là, đối với NCT thì mục đích hoạt động của các cụ là sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Hai là, nếu là tổ chức chính trị - xã hội thì cũng giống như các đoàn thể trong hệ thống chính trị như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, trong quá trình hoạt động tại địa phương, tổ chức hội NCT đóng góp nhiều công sức cho các hoạt động chung. Nếu hội NCT là tổ chức chính trị - xã hội thì rất khó khăn, vất vả cho các cụ trong quá trình hoạt động thực tiễn ở cơ sở.

Thứ năm: Về kinh phí, thực tế hiện nay, kinh phí hoạt động của Hội NCT chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước cấp. Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức hội, Chính phủ và chính quyền địa phương nên tiếp tục hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi để hội NCT hoạt động.

Cuối cùng, tôi đề nghị, tổ chức hội NCT nên để bốn cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và cấp xã, phường, thị trấn. Bởi thực tế như hiện nay chỉ có hai cấp nên trong quá trình hoạt động rất khó, nhất là việc quản lý và các hoạt động của tổ chức hội.

Sùng Thị Chư

Các tin khác
Một lớp học của Trường THCS Bản Mù, huyện Trạm Tấu. (Ảnh: Tô Anh Hải)

YBĐT - Ban Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu (Yên Bái) vừa sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 08 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo 2007 - 2010”.

Ngày 10-11, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Trung ương để triển khai một số nội dung thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa 10) về ĐH đảng bộ các cấp, tiến tới ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

YBĐT - Triển khai giai đoạn 2 của Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính, ngày 10/11/2009, Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Yên Bái (ảnh).

Sáng 10/11, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trình Quốc hội dự án Luật An toàn thực phẩm. So với Pháp lệnh VSATTP năm 2003, Dự thảo Luật quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động trong lĩnh vực VSATTP. Bộ trưởng Bộ Y tế ngoài trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về VSATTP còn phải chịu trách nhiệm về độ an toàn của thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục