Ông Chiêm làm giàu từ cây ăn quả có múi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/11/2024 | 8:14:48 AM

YênBái - Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đồng đất xưa nay vốn chỉ quen với cây sắn, cây chè, ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả có múi với mức thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Cán bộ xã Đại Lịch tham quan mô hình trồng cam của gia đình ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 (người thứ 3 từ phải sang).
Cán bộ xã Đại Lịch tham quan mô hình trồng cam của gia đình ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 (người thứ 3 từ phải sang).

Vốn là người gốc Hải Dương, năm 1999, qua người quen giới thiệu, ông mua lại ngôi nhà của hộ dân ở thôn Bằng Là 1 để lập nghiệp. Mang tâm huyết về cây vải thiều, gom nhặt vốn liếng cộng với tiền vay mượn của anh em trong gia đình dưới quê, ông mua cây vải giống từ Hải Dương đem lên trồng kín toàn bộ diện tích đất gò đồi gần 2 ha của gia đình. 

Thời điểm đó, ông là người mạnh dạn đầu tiên mang cây vải thiều lên trồng, khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về hiệu quả của cây trồng mới này. Bỏ ngoài tai tất cả những lời qua tiếng lại, ông cùng vợ con tập trung khai khẩn đất đai, đào hố trồng cây, không quản ngày đêm, mưa, nắng. Vậy là, những đồi vải thiều đã lên xanh tốt và đến năm thứ 3 đã bắt đầu cho lứa quả bói đầu tiên. 

Đến năm tiếp theo, bình quân mỗi năm ông thu hàng chục tấn quả. Lúc đầu chỉ bán quanh xã, sau cung cấp rộng hơn ra các xã lân cận. Những tưởng cây vải thiều sẽ gắn bó  lâu dài, song do khí hậu, thổ nhưỡng kém thích nghi nên chỉ chưa đầy 10 năm là cây vải có dấu hiệu già cỗi, sản lượng quả ít dần và lúc đơm hoa thì rất sai nhưng quả lại không đậu, mặc dù ông đã bỏ công chăm sóc rất kỹ. Phá bỏ cây vải, ông chuyển sang trồng rừng và trồng chè nhưng hiệu quả kinh tế cũng không cao. 

Nhận thấy cây cam, quýt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, ông đã tìm mua giống cam sen V2 về vừa trồng vừa thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của loại cây trồng mới này. Để có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế, ông chủ động đăng ký với xã tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về cách trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả có múi, mày mò tìm đọc qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung phát triển chuyên canh cây cam. Nhận thấy việc phát triển cây cam, quýt khá thuận lợi, ông mua thêm diện tích đồi gò của những hộ lân cận để mở rộng quy mô trồng cam. 

Ông Chiêm chia sẻ: "Làm nông nghiệp, yếu tố thời tiết là quan trọng nhất. Mưa gió thuận hòa thì còn được chứ năm nào mưa nhiều và thời điểm tháng Giêng, cam ra hoa mà gặp mưa hoặc rét đậm thì coi như năm đó thất thu. Bên cạnh đó, đầu ra cũng bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá luôn là câu chuyện muôn thuở từ trước đến nay. Bởi vậy, tôi đang xin ý kiến của xã thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn quả để tập hợp những hộ dân trồng cam trong thôn cùng nhau sản xuất, liên kết và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cùng đó, tôi cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm qua kênh ổn định để nông dân chúng tâm yên tâm phát triển sản xuất”. 

Trao đổi về mô hình này, ông Lò Kim Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lịch khẳng định: "Mô hình trồng cây ăn quả có múi của gia đình ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 được địa phương đánh giá là mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện tại, xã cũng chỉ đạo nhân rộng mô hình ra các thôn lân cận; đồng thời, xã cũng khuyến khích các hộ dân thành lập tổ hợp tác tiến tới thành lập hợp tác xã để cung cấp cây giống, hỗ trợ nhau kỹ thuật, tạo liên kết và bao tiêu đầu ra ổn định cho sản phẩm, tiến tới xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có múi của địa phương”.

Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để vươn lên phát triển kinh tế, ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, là hội viên Hội Nông dân xã, ông Chiêm thường xuyên giúp đỡ các hội viên và bà con trong thôn, xã về giống, vốn, kỹ thuật canh tác cùng nhau vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương ngày thêm ấm no, đổi mới.

Năm 2017, ông Vũ Văn Chiêm vay 200 triệu đồng từ Quỹ Tín dụng nhân dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn để mua thêm gò đồi trồng cam. Từ 2 ha ban đầu, ông đã phát triển lên 6,3 ha cam. Vụ quả năm 2023, ông thu gần 100 tấn cam, quýt các loại, trừ chi phí ông còn thu lãi 700 triệu đồng. Vụ quả năm 2024, ông dự kiến thu khoảng 120 tấn cam. 

Thanh Tân

Tags Vũ Văn Chiêm làm giàu cây ăn quả có múi Đại Lịch huyện Văn Chấn

Các tin khác

Thạc sỹ kỹ thuật Vũ Quốc Hưng hiện đang là Trưởng phòng Phòng Vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Cuối tháng 8 vừa qua, thạc sĩ Hưng là 1 trong 2 trí thức của tỉnh Yên Bái được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Đây là nhân tố phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh nhà với nhận thức mới, tư duy khoa học gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một tuyến đường trong thôn Đoàn Kết xanh, sạch, đẹp.

Tham gia công tác xã hội 10 năm, từng là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, rồi được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái dù ở cương vị nào, bà Nguyễn Thị Tâm cũng luôn nỗ lực hết mình với công việc được giao.

Hơn 1 tháng khi cơn bão số 3 đi qua, song những hình ảnh của các thành viên Câu lạc bộ thể thao nước Hồ Thác Bà lao vào dòng nước lũ cứu dân vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người dân thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình. Hơn 3.000 người dân trong vùng ngập lụt cùng nhiều tài sản của nhân dân được đưa đến nơi an toàn là thành quả sau nhiều ngày ngâm mình trong nước lũ của các thành viên trong Câu lạc bộ – những chiến binh thầm lặng vì tính mạng của nhân dân.

Chị Trần Thị Nga đã chủ động kết nối và trao tận tay các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhiều phần quà ý nghĩa. Trong ảnh: Chị Trần Thị Nga trao quà hỗ trợ cho gia đình chị Nguyễn Thị Hà - phố Hồng Yên, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3 vừa qua.

Ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, cái tên “chị Nga chữ thập đỏ” đã trở nên quen thuộc và được yêu mến trong lòng người dân địa phương. Đặc biệt, không chỉ là một cán bộ tận tụy, giàu lòng nhân ái mà còn là người phụ nữ kiên cường vượt qua cả những thử thách của số phận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục