Nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND: Những vấn đề cần giải quyết đồng bộ
- Cập nhật: Thứ hai, 23/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh Yên Bái tổ chức thành công 76 cuộc giám sát chuyên đề.
Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri xã Chế Tạo (Mù Cang Chải).
|
Những vấn đề quan trọng, “nóng” về kinh tế - xã hội đã được HĐND tập trung giám sát như: thu, chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giao đất giao rừng, chính sách khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp, thực hiện Chương trình 134 và 135, cải cách hành chính... Thông qua đó, HĐND đã chỉ rõ đúng sai, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị sát thực tế, được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND vẫn còn nhiều hạn chế và vướng mắc trong cơ chế thực hiện cũng như nhận thức về vai trò hoạt động giám sát đối với các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan. Có không ít ý kiến cho rằng, hoạt động giám sát của HĐND gây khó khăn cho công tác chỉ đạo của cơ quan liên quan, dẫn đến phát sinh tư tưởng nghi ngại và cung cấp thông tin chưa thật đầy đủ, chu đáo. Cá biệt, có trường hợp tỏ ra lạnh nhạt, khó chịu mỗi khi đoàn giám sát đưa những vấn đề bất cập, yếu kém của ngành hoặc đơn vị ra chất vấn tại kỳ họp.
Một thực tế nữa là. mặc dù các quy định về hoạt động giám sát đã được cụ thể hóa trong Luật nhưng trong quá trình thực hiện, vấn đề này vẫn đang là trăn trở của HĐND. Tình trạng giám sát dàn trải, báo cáo kết quả giám sát đánh giá “xuôi chiều”; kiến nghị, đề xuất chưa sát thực tế, kiến nghị sau giám sát chưa được xem xét, giải quyết kịp thời vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân chính do năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ tham gia giám sát hạn chế; các quy định của pháp luật về quyền, trách nhiệm đối với các cơ quan chủ thể giám sát và cơ quan chịu sự giám sát chưa cụ thể.
Từ đó cho thấy, để hoạt động giám sát của HĐND đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ một số vấn đề. Trước hết, cần phải làm cho xã hội, cho các chủ thể giám sát và đối tượng giám sát hiểu rằng, giám sát là hình thức thực thi quyền lực của cơ quan Nhà nước, là hoạt động thực hiện vai trò chỉ đạo, kiểm tra của HĐND với tư cách cộng đồng trách nhiệm trong chính quyền địa phương. Hoạt động giám sát không chỉ là chức năng của HĐND mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là tiến trình đến với đổi mới và dân chủ. Thông qua hoạt động giám sát, một mặt giúp cho UBND và các ngành chức năng thấy được những hạn chế, thiếu sót để có biện pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đem lại hiệu quả tốt hơn.
Nhưng điều quan trọng hơn là giúp các cơ quan hành chính Nhà nước địa phương kiến nghị với các cơ quan Trung ương kịp thời xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đối với cơ quan dân cử, hiệu quả giám sát chính là thước đo hiệu quả hoạt động, thể hiện ý thức, trách nhiệm trước cử tri. Trong thực tế hoạt động giám sát của HĐND luôn có sự va chạm, thậm chí va chạm gay gắt vì có sự xung đột lợi ích giữa một bộ phận với toàn thể nhân dân. Do đó, khi thực hiện chức năng này, đòi hỏi đại biểu dân cử phải có bản lĩnh vững vàng, không né tránh, không ngại va chạm.
Theo Luật quy định thì hoạt động giám sát của HĐND rất rộng lớn và đa dạng. Tuy nhiên, trong thực tế thì các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát như: nguồn nhân lực, tài chính, thời gian, phương tiện... lại có hạn. Vì vậy, để cuộc giám sát đạt hiệu quả cao cần phải tập trung lựa chọn nội dung phù hợp. Thường trực và các ban HĐND phải căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, lựa chọn những vấn đề bức xúc nhất và được cử tri quan tâm nhất hoặc những vấn đề mới nảy sinh để xây dựng thành chương trình giám sát. Bởi từ những nội dung “có vấn đề” này sẽ giúp cho HĐND nhanh chóng nắm bắt được những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ, đồng thời “hậu giám sát” sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước khi giám sát, HĐND phải xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, mục đích, yêu cầu, hình thức, đối tượng và thời gian. Theo đó, bộ phận giúp việc phải thu thập các thông tin liên quan, các văn bản quan trọng mang tính xuyên suốt làm căn cứ cho việc giám sát, đồng thời phải tóm lược nội dung trọng tâm để thành viên trong đoàn giám sát nắm bắt cơ bản nhất. Các thành viên giám sát phải chủ động thu thập thông tin, nắm chắc các quy định của pháp luật và tình hình triển khai thực hiện các nội dung giám sát tại cơ sở. Kế hoạch giám sát phải gửi trước cho các đơn vị thuộc đối tượng giám sát ít nhất là 7 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cập nhật thông tin, chuẩn bị báo cáo.
Khi thành lập đoàn giám sát cần lưu ý, ngoài các đại biểu chuyên trách, thành viên khác (đại biểu kiêm nhiệm), cần mời đại diện các cơ quan chức năng tham gia với tư cách giúp đoàn giám sát hiểu sâu nghiệp vụ, chuyên môn và làm rõ những vấn đề liên quan.
Việc tiến hành giám sát phải kết hợp chặt chẽ giữa nghe báo cáo và xem xét, kiểm tra thực tế tại hiện trường hoặc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để nắm tình hình, thu thập thông tin làm căn cứ kết luận và kiến nghị khi kết thúc giám sát. Đặc biệt, khi nghe cơ sở báo cáo, đoàn giám sát phải yêu cầu đối tượng giám sát báo cáo đầy đủ các nội dung giám sát đề cập; tập trung nghiên cứu, phân tích, tổng hợp để rút ra những vấn đề bản chất, những vấn đề cần được làm rõ hơn trong quá trình giám sát, những nội dung báo cáo chưa đề cập hoặc đề cập nhưng chưa đầy đủ.
Trước khi xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát phải thông qua các thành viên trong đoàn giám sát để tham gia đóng góp ý kiến, phát huy trí tuệ tập thể bổ sung, hoàn thiện báo cáo. Những đánh giá, nhận xét phải khách quan, trung thực, phản ánh chính xác thực trạng vấn đề giám sát; nêu rõ kết quả đạt được cùng những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế (nếu có) hoặc những bài học kinh nghiệm; những kiến nghị, đề xuất qua giám sát phải chính xác, cụ thể, có tính khả thi cao. Sau đó, mời các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát đến nghe kết luận của đoàn giám sát nhằm giúp các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm, tiếp thu kiến nghị. Sau cuộc giám sát phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan liên quan về việc tiếp thu và chấp hành các kiến nghị sau giám sát.
Lê Thị Liêm
Các tin khác
YBĐT - Đoàn công tác của Tỉnh ủy kiểm tra tình hình thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh" tại huyện Lục Yên/ Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2009/ Đoàn công tác do Bộ Ngoại giao Italia đến thăm và làm việc tại Yên Bái/ Đoàn công tác liên ngành của Bộ LĐ-TB và XH đã đến và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại Yên Bái... và một số thông tin quan trọng khác.
Trong 2 ngày 19 và 20-11, Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) lần thứ 39 đã diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Tại cuộc họp, Việt Nam chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên ABA nhiệm kỳ 2009-2011.
YBĐT - Vừa qua, Đảng ủy Quân sự tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị triển khai các văn bản chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
YBĐT - Thực hiện chương trình công tác của Tỉnh ủy, từ ngày 17-18.11.2009, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc- Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị BCHTW 7 (Khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân tại huyện Lục Yên. Cùng đi có lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học – Công nghệ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài nguyên-Môi trường, Hội Nông dân...