Yên Bái: Tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 29/3/2010 | 9:10:30 AM
YBĐT - Với vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, tiên phong về khoa học công nghệ, sự tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp ở Yên Bái thời gian qua góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương.
Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó chủ tịch UBND tỉnh (giữa) cùng lãnh đạo huyện Văn Chấn trao đổi với nhà đầu tư Dự án Thủy điện Văn Chấn về tiến độ thi công công trình.
|
Trong bối cảnh vừa ra khỏi suy thoái, tiếp tục đối mặt với những khó khăn, biến động khôn lường do ảnh hưởng của kinh tế thế giới thì việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển…
Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp
243 doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2009, vốn đăng ký trên 1.500 tỷ đồng. Tới nay, Yên Bái có 876 doanh nghiệp, 320 hợp tác xã, tổng vốn kinh doanh gần 5.400 tỷ đồng. Với vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã đóng góp vào ngân sách trên 285 tỷ đồng/500 tỷ tổng thu ngân sách của tỉnh (chưa tính phần miễn giảm thuế 113 tỷ đồng) trong năm 2009 và giải quyết việc làm, thu nhập cho gần 2,5 vạn lao động. Bản thân các doanh nghiệp cũng có những tiến bộ vượt bậc về quy mô, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Gần 100 doanh nghiệp đã có hàng hoá tham gia xuất khẩu trực tiếp, gián tiếp; nhiều doanh nghiệp quy mô vốn trên 20 tỷ đồng, nhân tố mới là nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các lĩnh mới như y tế, đào tạo-dạy nghề, dịch vụ với nguồn vốn khá lớn.
Sự tiến bộ của các doanh nghiệp ở Yên Bái thời gian qua là do nỗ lực của chính mỗi doanh nghiệp, nhưng điều kiện tiên quyết để có những bước tiến đó là do môi trường hoạt động của hệ thống doanh nghiệp đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo. Công tác tuyên truyền về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong hệ thống chính trị đã được coi trọng, thực hiện thường xuyên, công nghiệp được xác định là khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng nhanh và bền vững của tỉnh.
Nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền đã thống nhất và chuyển động tích cực trong trợ giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, mời gọi và ứng xử với các nhà đầu tư. Yên Bái tới nay đã hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch sản phẩm; tỉnh tập trung đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng, cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc làm thường xuyên, nề nếp là các cấp chính quyền, sở ngành đã chủ động tổ chức gặp gỡ, đối thoại và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp. Thái độ thân thiện và coi trọng tất cả các thành phần kinh tế tạo sự hấp dẫn và vững tâm cho các doanh nghiệp, doanh nhân.
Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ là một việc làm thường xuyên, riêng năm 2009 Yên Bái đã hỗ trợ, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp gần 113 tỷ đồng. Tỉnh dành ngân sách địa phương hỗ trợ vận tải, xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, tạo tiền đề về vốn, đặc biệt là hỗ trợ 100% lãi suất cho các sản phẩm có liên quan tới nông nghiệp, nông dân; bảo lãnh vay vốn 140 tỷ đồng, 12 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất. Các cấp, các ngành đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thuế, thị trường, quan tâm đào tạo nghề cho các dự án xây dựng - đó là những điều kiện rất thuận lợi để doanh nghiệp ổn định và tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế thế giới suy thoái.
Chế biến gỗ rừng trồng là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư ở Yên Bái.
Ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Phát triển Quy Mông (Trấn Yên) xếp sản phẩm ván ép dán chất lượng cao.
Môi trường và những yêu cầu mới
Yên Bái đang tập trung rà soát, đánh giá bổ sung và làm mới các quy hoạch cơ bản của các ngành kinh tế; xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch giao thông, điện nước. UBND tỉnh phê duyệt 5 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp và các quy hoạch về dịch vụ xã hội làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã - hội giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo, trọng đó trọng tâm là phát triển công nghiệp, bao gồm chế biến khoáng sản (chế biến sâu), sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm sản. 5 nhiệm vụ được tỉnh xác định là trọng tâm trong năm 2010 và những năm tiếp theo là: làm tốt quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, xây dựng cơ bản kết cấu hạ tầng, thông tin định hướng phát triển kinh tế của tỉnh để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; hoàn chỉnh bộ hồ sơ sau khi thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, hội tụ đủ các yếu tố để doanh nghiệp tham gia sử dụng thông tin như cổng giao tiếp điện tử, sàn thông tin của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, hoàn thiện khép kín các thủ tục thuế, hải quan…; thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ, xây dựng hệ thống chính sách của tỉnh hỗ trợ cho nhóm sản phẩm cần khuyến khích như nông lâm nghiệp, xuất khẩu, các chương trình đào tạo nghề, bệnh viện, du lịch; cùng ngân hàng tháo gỡ những khó khăn về vốn đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp. Tỉnh xây dựng chương trình gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nghiên cứu tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư kinh doanh, trong đó việc chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc tự giác với trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư để dự án có hiệu quả được đặc biệt coi trọng.
Tăng trưởng kinh tế của Yên Bái năm 2010 đề ra là từ 13% trở lên, năm ngoái đạt 12,89%, trong đó nhóm công nghiệp tăng 32,9%, công nghiệp xây dựng tăng 19,03%, dịch vụ tăng 13,77%. Trong 5 năm qua, Yên Bái luôn là tỉnh đứng trong nhóm đầu của các tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh khá do các doanh nghiệp bình chọn nhưng bản thân các doanh nghiệp ở Yên Bái còn nhiều hạn chế về quản lý, công nghệ, chất lượng sản phẩm…
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phải tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nhanh chóng vươn lên, khắc phục hiệu quả, kịp thời những hạn chế đang cản sức vươn trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập với những biến động, tác động khó lường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục những hạn chế, yếu kém, vấn đề cốt lõi là đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, tranh thủ tốt các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các dự án sản xuất kinh doanh, chủ động hội nhập, khẳng định tâm và tầm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái.
Q.K
Các tin khác
Trong các ngày từ 22 đến 28-3-2010, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) đã họp Hội nghị lần thứ 12 để tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề quan trọng chuẩn bị cho Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng. Ðồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh chủ trì, khai mạc và bế mạc Hội nghị.
Ngày 26/3, tại trụ sở Tổ chức Lương-Nông thế giới (FAO) ở Rome, Đại sứ Việt Nam tại Italy Đặng Khánh Thoại đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định hợp tác 3 bên với Chính phủ Cộng hòa Chad và FAO.
Chiều 25-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ðoàn đại biểu Tư lệnh lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN đang tham dự Hội nghị Không chính thức Tư lệnh lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 7 (ACDFIM-7) tại Hà Nội.
Thủ tướng vừa phê duyệt đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” với nhiều nội dung được thực hiện từ nay đến năm 2015.