Phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Bắt đầu từ nhân dân
- Cập nhật: Thứ ba, 11/5/2010 | 8:43:29 AM
YBĐT - Năm 2009 là năm thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đẩy mạnh xây dựng nhà văn hóa ở khu dân cư và đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Quá trình thực hiện ở nhiều xã, phường đạt hiệu quả cao nhưng tại nhiều nơi cũng rất lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhờ thực hiện tốt chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, 100% thôn, bản ở xã Nghĩa An xây dựng được nhà văn hóa ở khu dân cư. (Trong ảnh: Khánh thành nhà văn hóa thôn Nậm Đông I).
|
Từ thực tế
Xã Nghĩa Phúc là một điển hình. Theo kế hoạch, trong năm 2009, địa phương xây dựng nhà văn hóa Bản Pưn và Bản Bay. Đến nay, nhà văn hóa Bản Pưn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn nhà văn hóa Bản Bay vẫn chưa xây dựng nhưng tiền đã được giải ngân. Chúng tôi tìm đến Bản Bay, đây là thôn xa nhất của Nghĩa Phúc. Trưởng thôn Lò Văn Chìu đưa chúng tôi đi thăm khu đất để làm nhà văn hóa nằm ở giữa thôn, gần sát nhà trẻ (điểm trường lẻ của xã) và rất thuận lợi cho dân trong thôn sinh hoạt cộng đồng. Ông cho biết, sau khi xã có chủ trương làm nhà văn hóa, Bản Bay đã họp dân thông báo và bàn bạc, thống nhất mỗi khẩu trong thôn đóng góp 60.000 đồng, chia ra theo 2 vụ lúa.
Với 400 nhân khẩu, số tiền đóng góp của dân lên tới 24 triệu đồng, đủ để trả công thuê thợ, mua tấm lợp và làm sân gạch. Nhưng không hiểu vì sao, cán bộ xã đã không họp dân để bàn bạc mà tự ý cầm số tiền gần 40 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ đi mua gỗ làm nhà nên người dân không đồng ý. Theo ông Trưởng thôn, nhân dân muốn tự đi mua gỗ để có giá phù hợp, bảo đảm chất lượng công trình. Cho đến giờ, sự việc vẫn chưa được giải quyết và đương nhiên, nhà văn hóa của thôn cũng chưa được xây dựng, gây lãng phí và thất thoát.
Còn ở xã Nghĩa Lợi, do phát huy tốt tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nên 100% thôn, bản đã xây dựng xong nhà văn hóa. Chúng tôi đến Bản Xa của xã vào một ngày chủ nhật. Hôm ấy, Chi bộ thôn đang tổ chức cho bà con quét dọn, tu sửa lại nhà văn hóa. Mặt sàn thay bằng những cây tre già đã được ngâm kỹ, cột cái được kê kích lại cho vững chãi. Trưởng thôn Hoàng Văn Hóa cho biết, nhà văn hóa được xây dựng từ năm 2005 và là nhà văn hóa đầu tiên ở thị xã Nghĩa Lộ có tổng giá trị trên 60 triệu đồng.
Để có nhà văn hóa to đẹp, ở vị trí thuận lợi như bây giờ, cán bộ xã cùng với Chi bộ thôn đã tổ chức họp dân, lấy ý kiến đóng góp từ chọn vị trí xây dựng, tiền đóng góp cho từng nhân khẩu đến phân công bảo vệ, quét dọn vệ sinh. Tất thảy mọi việc đều đưa ra bàn bạc trước dân. Vì vậy, từ lúc đi chọn mua gỗ đến lúc dựng nhà, không có một mảnh gỗ nào bỏ phí. Đặc biệt, nhiều công đoạn làm nhà như vận chuyển, đục đẽo, dựng nhà, lợp mái đều do người dân đứng ra làm nên chi phí ít hơn và số tiền đó thôn đã đầu tư mua loa đài, tăng âm...
Ông Hóa cho biết thêm, từ khi có nhà văn hóa, việc họp thôn, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai sản xuất nông nghiệp nhanh chóng, kịp thời hơn, thiết thực hơn. Đội múa, đội văn nghệ có nơi thường xuyên luyện tập, giao lưu với các đơn vị bạn. Các em nhỏ vẫn là người vui nhất vì có sân chơi, bãi tập để đá bóng, vui chơi, sinh hoạt hè. Sau ba năm đưa vào sử dụng, nhà văn hóa đã phát huy hiệu quả rõ nét trong các mặt đời sống của bản. Bản Xa luôn đi đầu trong việc hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp, xây dựng được 500 m đường bê tông, 1 cây cầu bê tông; 19 ha lúa hai vụ luôn đạt năng suất cao nhất xã, trong đó 10 ha lúa chất lượng cao đã được trồng thành công, gần 2 ha chuyển đổi sang nuôi cá thâm canh, vụ ba luôn đạt 90% diện tích.
Năm 2009, công tác xây dựng đường giao thông nông thôn cũng là vấn đề “nóng” của thị xã Nghĩa Lộ. Nhớ lại thời điểm xã Nghĩa An cùng Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc từ huyện Văn Chấn sáp nhập về thị xã, gần như toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã được cứng hóa. Thị xã đã có chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và mỗi năm, ít nhất mỗi xã xây dựng được đường giao thông đến một thôn, bản.
Nghĩa An đã đi đầu trong công tác này. Năm 2004, chưa bao giờ người dân thôn Bản Vệ lại vui đến thế khi con đường bê tông liên thôn nối từ trụ sở UBND xã đến bản dài gần 1,5 km được xây dựng. Các năm tiếp theo, thôn Đêu 1, thôn Đêu 2 và bản Nà Vặng lần lượt được đầu tư làm đường. Đặc biệt, năm 2009, tuyến đường bê tông nội đồng tại thôn Đêu II với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 642 triệu đồng là tuyến đường cuối cùng của xã được xây dựng. Trong đó, Nhà nước đầu tư 70%, tương đương 466 triệu đồng và nhân dân đóng góp 30%, tương đương 176 triệu đồng cùng ngày công lao động san gạt mặt bằng, đóng góp cát, sỏi...
Đồng chí Lường Láng – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An đánh giá, năm 2009 là năm xã thực hiện tốt nhất công tác xây dựng đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng. Xã đã xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch từng vùng cho mạng lưới giao thông nông thôn, tổ chức họp dân để xây dựng cách thức triển khai, tránh thất thoát, lãng phí cũng như nâng cao tuổi thọ công trình. Trong quá trình tổ chức thực hiện, xã công khai, minh bạch các khoản đóng góp. Trên cơ sở đó, người dân trực tiếp giám sát và tích cực tham gia làm đường. Đồng chí nhấn mạnh, để thành công thì công tác này cần được xã hội hóa, đặc biệt là phát huy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Ở xã Nghĩa Lợi, đồng chí Lò Văn Ành – Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, địa phương nào cũng vậy, khi làm đường giao thông dù to hay nhỏ, ngắn hay dài đều “dính” vào đất của dân. Do vậy, ngoài vận động nhân dân đóng góp làm đường, xã còn vận động nhân dân tự nguyện hiến đất. Cùng với tuyên truyền, vận động, xã cũng đã phát huy triệt để chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Năm 2009, Nghĩa Lợi đã bê tông hóa 6 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 3.167 m, tổng kinh phí trên 3,748 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 90%, tương đương 3,38 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 10%, tương đương trên 358 triệu đồng. Đến nay, xã đã tiến hành nghiệm thu và đưa vào sử dụng cầu Hông Xa, cầu Đoạn Thiết và đang tiếp tục xây dựng cầu bản Chao Hạ 1 đi bản Chao Hạ 2 với tổng trị giá hai công trình trên 653 triệu đồng. Các tuyến mương nội đồng cũng được đầu tư xây dựng như: tuyến mương bản Sang Đốm dài 447 m, tuyến mương nhánh 2 bản Sang Hán dài 367 m và tuyến mương bản Phán Thượng dài 271 m. Xã Nghĩa Lợi hiện đã hoàn thành mục tiêu cứng hóa đường giao thông nông thôn.
Đến kinh nghiệm
Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 3, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo thành lập Ban phòng, chống tham nhũng của thị xã do Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban và 7 xã, phường đều thành lập ban phòng, chống tham nhũng. Theo đồng chí Hà Văn Nam – Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Thị ủy Nghĩa Lộ thì ban phòng, chống tham nhũng từ thị xã đến các xã, phường đã quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, nâng cao vai trò của MTTQ các cấp trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí đồng thời tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý những vi phạm tại cơ sở, tạo niềm tin trong nhân dân. Đảng bộ thị xã đã tập trung chỉ đạo UBND thị xã ban hành các văn bản về tiết kiệm, quyết định phê chuẩn quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy biên chế và tài chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Song song, thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý tài chính; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, chỉ đạo tốt công tác tiếp dân và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Đặc biệt là nâng cao vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đối với hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
Cũng theo ông Nam, hàng năm, ban phòng, chống tham nhũng các cấp tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra đột xuất nhằm chấn chỉnh, xử lý những sai phạm trên các lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Đó là lĩnh vực xây dựng cơ bản tập trung các công trình đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, công trình có sự đóng góp của nhân dân, việc thực hiện quy trình xây dựng cơ bản, quản lý dự án đầu tư... Đó là lĩnh vực quản lý đất đai, kiểm tra về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chấp hành Luật Đất đai theo thẩm quyền, chấp hành các chính sách khi Nhà nước thu hồi đất. Đó là lĩnh vực quản lý ngân sách và tài sản công, tập trung vào việc quản lý, sử dụng ngân sách, các chính sách thuế, thẩm quyền cấp phát vốn đầu tư...
Nhờ thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, quản lý ngân sách, thu vượt ngân sách của thị xã phần lớn dành chi xây dựng cơ bản và phục vụ các công việc cần thiết như trả nợ xây dựng trụ sở xã, phường; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, xóa nhà dột nát... Về quản lý xây dựng cơ bản và mua sắm các trang thiết bị, tài sản được thực hiện theo đúng quy định.
Trong những năm tới, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó gắn chặt tuyên truyền và thực hiện với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng qua thực tế cho thấy, thành công bắt đầu từ nhân dân.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
Sáng 10-5, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước gặp thân mật Ðoàn đại biểu dự Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất.
Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Ðoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam về việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.
Ngày 4,5/5/2020, Đoạn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri tại huyện Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ./Ngày 4/5, Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2010 đã triển khai kế hoạch./ Tính đến tháng 12/2009, toàn tỉnh Yên Bái có 70/93 trường xây dựng chuẩn quốc gia đượng công nhận chuẩn...
YBĐT - Ngày 8/5/2010, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt Đoàn đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ nhất năm 2010.