Đọc một số bài báo của Nguyễn Ái Quốc năm 1925

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/5/2010 | 9:25:41 AM

YBĐT - Bất kể lúc nào nhưng đặc biệt là những ngày tháng 6 này, tất thảy những người quan tâm đến báo chí, thật sự xúc động tận tâm can, khi đọc một số bài báo viết cách đây 83 năm của nhà báo lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc, ra mắt giữa thủ đô ánh sáng, hoa lệ Pari.

Những bài này sau tập hợp thành sách: Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương (Sự thật - Hà Nội 1962), Đường cách mệnh (Sự thật Hà Nội 1977) và Bản án chế độ thực dân Pháp (Sự thật - Hà Nội 1976).

Điều đặc biệt có ý nghĩa tầm nhìn nhân loại ở những bài báo này, là Nguyễn Ái Quốc đề cập đến số mệnh không chỉ dân tộc Việt Nam mà các dân tộc Đông Dương và rộng hơn, tất cả các dân tộc bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Đã là người dân nô lệ thì dù ở Đông Dương cũng như ở Ca-mơ-run, Ma-đa-gat-ca... da vàng hay da đen cũng đều đắng cay, khổ cực, đói rét như nhau trong kiếp nô lệ. Họ phải “tình nguyện” đem máu của mình “tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế”.

Với những tư liệu, số liệu cụ thể, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác tày trời, vạch trần “Tâm địa thực dân” của chủ nghĩa thực dân cũ và thức tỉnh quần chúng bị áp bức. Người viết: “Chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn như hải cảng, hầm mỏ, đồng ruộng mênh mông, rừng rú bao la có những người lao động khéo léo và cần cù. Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và người tổ chức”.

 Lớp người mà Nguyễn Ái Quốc nói đến đầu tiên là thanh niên. Với lời văn chan chứa tình yêu thương, nhiệt huyết, Người viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh” (Nô lệ thức tỉnh – Bản án chế độ thực dân Pháp). Chao ôi, chúng tôi lớp người đánh trống ếch trong kháng chiến 9 năm, được cắp sách đến trường đã khóc ròng khi đọc những đoạn văn này!

Sau khi tố cáo, lên án, buộc tội kẻ thù trước dư luận, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra, khích lệ người nô lệ hướng về và đi tới trên con đường cách mạng vô sản: “Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền... đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương... Người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi” (Đông Dương - Bài đăng trên tạp chí Cộng sản Pháp số 14 - 1921).

Ở các thuộc địa đã vậy, ngay cả ở “chính quốc” (Chỉ các nước tư bản) nhân dân lao động cũng phải giác ngộ, bởi “chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra (Bản án chế độ thực dân Pháp - trang 150).

Và, điều hết sức kính phục đối với nhà báo lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc là Người có một tầm nhìn “không tiền khoáng hậu”, thấu suốt trước sau: Có những di hại từ ấy đến nay sau gần trăm năm, chúng ta đang còn khó khăn để gột rửa: “Tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hóa làm cho dân ngu, lấy pháp luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham... Vậy cách mệnh phải giảng lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”. Chủ nghĩa nào? Người viết tiếp: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê Nin” (Đường cách mệnh - 1925).

Chúng ta không thể ngày một ngày hai hiểu cho hết, nói đầy đủ giá trị to lớn, năng lực tư duy khoa học sáng tạo, tác dụng mạnh mẽ lâu bền của những tác phẩm báo chí trên. Chính vì vậy, dân tộc ta nói chung và giới báo chí nói riêng, vô cùng tự hào có nhà báo cách mạng lớn, xuất sắc Nguyễn Ái Quốc để suốt đời “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hán Trung Châu

Các tin khác
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội sáng nay 18-5, Tổng Bí thư khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá của Đảng và dân tộc ta. Giá trị thực tiễn cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, nói đi đôi với làm.

YBĐT - Ngày 18-5, Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức lễ mít tính kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010) và tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật với chủ đề “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sĩ.

Trong thời gian ở thăm thành phố Zurich, sáng 17-5 (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sĩ với chủ đề "Việt Nam: Vùng đất của những cơ hội vàng".

Để chuẩn bị cho Diễn đàn Nhân dân ASEAN 6 tại Việt Nam, Hội nghị các tổ chức nhân dân Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo đại diện các tổ chức quần chúng, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục