Tăng trưởng chưa bền vững
- Cập nhật: Thứ năm, 27/5/2010 | 2:11:36 PM
Hôm nay, 27-5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; và báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm. Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận các báo cáo này.
Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm bày tỏ sự lo lắng về hệ số đầu tư tăng trưởng cao.
|
Tăng trưởng kinh tế chưa tạo nên chuyển biến về xã hội
Sáng nay, vấn đề an sinh xã hội được các đại biểu tập trung đề cập. Theo nhiều ý kiến, hiện Chính phủ đang quá chú trọng các vấn đề kinh tế, còn khiêm tốn khi nói đến các vấn đề về xã hội. Trong khi đó, thực tế xã hội đang nảy sinh nhiều vấn đề nóng, bức xúc. Đặc biệt vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai.. luôn là nguy cơ nhãn tiền.
Đại biểu Vũ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) cho rằng, Chính phủ hiện nay đang chỉ tập trung các vấn đề kinh tế mà xem nhẹ vấn đề xã hội, môi trường, trong khi đó là 3 trục chính để phát triển bền vững. Ông Nhân nói: “Năm 2009, có một số chỉ tiêu không đạt và đều tập trung trong lĩnh vực xã hội, môi trường. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế hiện nay chưa tạo nên chuyển biến tích cực về xã hội, môi trường. Tăng trưởng vẫn phụ thuộc chính vào vốn, tài nguyên. Chính phủ cần cân đối chỉ tiêu kinh tế-xã hội-môi trường để bố trí nguồn lực hợp lý, hướng đến sự phát triển bền vững”.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng đồng tình khi cho rằng, năm 2009, những chỉ tiêu không đạt đều tập trung vào các vấn đề xã hội, môi trường. Điều đó chứng tỏ phát triển chưa bền vững, chất lượng cuộc sống thấp dù kinh tế phát triển. Vì thế, cần phải xem lại xem liệu có phải vì công tác điều hành, hay vì pháp luật chưa nghiêm?
Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) bày tỏ sự lo lắng về hệ số Icor (hệ số đầu tư tăng trưởng) cao, chất lượng hàng hóa làm ra thấp, sức cạnh tranh thấp. Năm 2009, một số chỉ tiêu chỉ đạt khi đã có sự điều chỉnh, trong khi các chỉ tiêu không đạt được gây ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.
Bà Huyền Tâm cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực thấp đang là vấn đề báo động. Nền kinh tế chỉ bền vững khi có được nguồn nhân lực chất lượng cao, Chính phủ cần đầu tư cho giáo dục, đào tạo, bố trí đúng cán bộ, coi trọng vấn đề con người trong quá trình phát triển đất nước.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay vẫn chưa vững chắc, trong đó bội chi ngân sách vẫn tăng (dù tăng thu ngân sách), nhập siêu luôn cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, nguy cơ lạm phát chưa hết, thất nghiệp đang gia tăng, nhất là ở nông thôn, giảm nghèo chưa bền vững.
Ông Vở đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc làm rõ những nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm điều hành của Chính phủ đối với những tồn tại, hạn chế, chậm khắc phục. Đây là điều mà các đại biểu Quốc hội luôn băn khoăn. Ông Vở cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành đề án tái cấu trúc nền kinh tế để làm cơ sở phát triển cho giai đoạn tới, nhất là hướng đầu tư cho các ngành trọng điểm.
Cần có lộ trình giảm bội chi ngân sách
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và nhiều đại biểu khác bức xúc với việc chỉ trong vài tháng, nhưng các con số trong báo cáo của Chính phủ quá vênh nhau, cụ thể như mức tăng thu ngân sách 2009 lên tới gần 52.000 tỷ đồng so với báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm trước.
Ông Minh thẳng thắn: “Công tác dự báo quá kém, khó cho việc quyết định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước của Quốc hội. Điều này rất đáng phải suy nghĩ. Nếu biết tăng thu gần 52.000 tỷ đồng, Quốc hội sẽ không quyết mức bội chi năm 2010 cao như vậy. Chính phủ cần phân tích kỹ vấn đề này, Quốc hội có thể điều chỉnh mức bội chi ngân sách 2010”.
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cũng yêu cầu Chính phủ phải giải trình rõ việc tại sao tăng thu nhưng lại trùng bội chi? Tại sao không dùng số tăng thu 52.000 tỷ đồng để làm giảm bội chi ngân sách, giảm nợ quốc gia.
Ông Hải nhấn mạnh, chỉ số Icor cao, điều đó cho thấy tăng trưởng nhưng không phát triển, đồng thời cho rằng, Chính phủ cần công khai dư nợ quốc gia, trong đó công bố rõ nợ Chính phủ là bao nhiêu, nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh là bao nhiêu.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, bội chi ngân sách luôn cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đã quyết là không ổn, cần phải có lộ trình để giảm dần bội chi ngân sách.
Quyết liệt kiểm soát giá
Theo đại biểu Trương Văn Vở, cần xây dựng lộ trình phát triển một cách có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ gắn với phát triển các ngành. Ông nhận định, sở dĩ nhập siêu của ta cao vì công nghiệp phụ trợ quá yếu kém. Ông đề nghị cần kiên quyết hơn khi rà soát cơ cấu chi đầu tư, tránh tình trạng phân bổ vốn cho các dự án chưa có quyết định đầu tư (hiện nay có gần 140 dự án chưa có quyết định đầu tư nhưng đã được phân bổ vốn), chủ động gắn giải pháp kinh tế với kiểm soát giá cả, giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu, thuốc chữa bệnh.
Các đại biểu khác cũng cho rằng, năm 2010 này Chính phủ phải quyết liệt trong việc kiểm soát giá, nhất là điện, xăng dầu, dù thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng phải có lộ trình để tránh tác động đến các đối tượng dễ bị tổn thương.
Nhiều ý kiến cho rằng, phải thực hiện tốt Nghị quyết của TƯ về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Từ thực tiễn các công trình thủy điện tác động lớn đến vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái hiện nay, đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) đề nghị Chính phủ phải rà soát lại các công trình thủy điện để cân đối phát triển bền vững các mặt, không thể chỉ vì thủy điện để ảnh hưởng đến nhiều mặt khác.
Đại biểu Vũ Tuấn Nhân: Việc ngư dân bị bắt đang là bức xúc lớn hiện nay, đề nghị Chính phủ phải có hỗ trợ đồng bộ để bà con ngư dân yên tâm sản xuất, đồng thời bảo vệ chủ quyền đất nước.
Sáng nay, phát biểu của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) gây chú ý khi ông lên tiếng báo động về vấn đề lãng phí, thất thoát hiện nay. Theo ông Tiến, hiện nay, thất thoát, lãng phí đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực, trong đó bức xúc nhất là lãng phí trong khai thác tài nguyên thiên nhiên đang khiến đất nước ngày càng cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại; lãng phí trong sử dụng đất công, thất thoát điện năng, lãng phí trong lễ hội, họp hành. Đại biểu Tiến đề nghị: “Thất thoát điện năng chưa có giải pháp khắc phục, trong khi ngành điện vẫn giải thích với người dân, doanh nghiệp một cách hồn nhiên rằng thiếu điện thì cắt, khiến họ khổ sở vì sinh hoạt đảo lộn, sản xuất đình trệ. Thay vì chỉ hành động ngắt cầu dao điện, ngành điện cần có giải pháp chống thất thoát, cạnh tranh thay vì độc quyền”. |
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, Đảng bộ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 30 tổ chức cơ sở Đảng, 105 chi bộ trực thuộc với 1.225 đảng viên. Thực hiện Chỉ thị số 06 của Bộ Chính trị và kế hoạch hướng dẫn của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", huyện đã thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, triển khai đầy đủ các bước.
Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Quân chủng Hải quân: Dân cứ đánh cá, hải quân sẽ tuần tra bảo vệ
Trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến - tư lệnh quân chủng hải quân - khuyên bà con vẫn ra khơi đánh cá bình thường.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Nhà nước, Chủ tịch Chính quyền Dân tộc Pa-le-xtin, Chủ tịch Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát và các thành viên trong đoàn đã đến Hà Nội thăm chính thức nước ta.
YBĐT-Ngày 25/5/2010, Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Yên Bái tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010-2015. Dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ khối cơ quan Dân chính Đảng, lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cùng 43 đảng viên trong Đảng bộ.