Đảng bộ huyện Mù Cang Chải: Tự hào 53 năm xây dựng và trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/7/2010 | 9:12:35 AM

YBĐT - Kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (2/7/1957 – 2/7/2010), cán bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2010 và những năm tiếp theo.

Ngày 18/10/1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 06-NĐ/TTg lập châu Mù Cang Chải trong Khu tự trị Thái Mèo. Ngày 2/7/1957, Ban Chấp hành Khu ủy Tây Bắc ra Quyết định số 41-QĐ/TB thành lập Ban phụ trách châu Mù Cang Chải.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ châu Mù Cang Chải đã thực hiện đúng đắn, sáng tạo chủ trương của Đảng, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng ngày một phát triển, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm, dưới ách thống trị, kìm kẹp của chế độ thực dân phong kiến, nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải liên tiếp nổi dậy đấu tranh. Mặc dù thực dân Pháp đàn áp rất dã man, nhưng với tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục trước kẻ thù, nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải đã anh dũng chiến đấu giành nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến của dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên quê hương Mù Cang Chải đã xuất hiện những người con anh hùng của dân tộc Mông như: Lý Nủ Chu, Giàng Khua Kỷ, đội du kích Khau Phạ, Chế Tạo, Lao Chải đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức 76 trận đánh lớn tiêu diệt 334 tên Pháp và phỉ, đồng thời tham gia kêu gọi hàng phục 750 tên, huy động trên 80 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, đóng góp hàng vạn ngày công cho chiến dịch... góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong những năm tháng vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, huyện đã đóng góp 2 vạn ngày công, 3500 lượt dân công phục vụ tiền tuyến, 210 tấn lương thực, 115 tấn thực phẩm, tiễn đưa 396 thanh niên lên đường nhập ngũ, 1 đại đội thanh niên xung phong, 83 đồng chí phục vụ chiến trường E.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ xác định trước mắt, cần tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Từ cuộc sống tăm tối, ngày nay con em người dân nơi đây đã được học chữ, nhiều người trở thành kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo giỏi, nhiều người đang giữ các cương vị chủ chốt của huyện, của tỉnh, Trung ương, cuộc sống của đồng bào Mông cơ bản đã ổn định... ánh sáng văn hóa đã đến được tận bản làng, những hủ tục trong ma chay, cưới xin bị đẩy lùi, tập quán trồng cây thuốc phiện căn bản bị xóa bỏ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Với những thành tích Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, năm 2000, huyện Mù Cang Chải được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Năm 2007, được Nhà nước cấp bằng công nhận “Di tích danh thắng ruộng bậc thang cấp quốc gia”, xã Cao Phạ được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Phát huy truyền thống của huyện anh hùng trong thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, đến nay Mù Cang Chải đã đạt được những thành tựu quan trọng, nền kinh tế không ngừng phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Trong 10 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 9,5 – 10%/năm.

Năm 2009, tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%, phấn đấu năm 2010 đạt 13%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 19.000 tấn, bình quân lương thực đạt 380 kg/người/năm (tăng trên 10% so với Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra); tỷ trọng chăn nuôi trong kinh tế nông nghiệp tăng nhanh, từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; công tác khoanh nuôi bảo vệ và phát triển vốn rừng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 52,2%; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 15,4 tỷ đồng/năm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư làm bộ mặt nông thôn miền núi Mù Cang Chải ngày một khang trang. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, 113/114 bản có đường xe máy phục vụ nhân dân đi lại trong mùa khô, 100% xã có trạm y tế và bưu điện văn hóa, hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ nước tưới cho 90% diện tích lúa ruộng 2 vụ.

Hệ thống thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, hàng năm tạo việc làm mới cho 750 đến 800 lao động, giảm 7,78% số hộ nghèo, tỷ lệ phủ sóng phát thanh – truyền hình đạt trên 85% địa bàn dân cư. Toàn huyện có 35 đơn vị trường học với 13.928 học sinh, học viên, 13/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo cho nhu cầu dạy và học của thầy và trò trên địa bàn; hàng năm khám chữa bệnh cho 136.303 lượt người.

Công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được quan tâm và có những tiến bộ đáng kể, tỷ lệ tăng dân số từ 3,05% (năm 1998) nay giảm xuống còn 1,96% (2009). Phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia với 45 câu lạc bộ thể thao.

Song song với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh; chủ động phòng chống có hiệu quả âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 33 chi, Đảng bộ trực thuộc, 164 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, với trên 1.500 đảng viên. Đặc biệt, trong thời gian qua, Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh khen thưởng...

Công tác vận động quần chúng được thực hiện tốt với 43 mô hình “Dân vận khéo”, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế, chính trị của địa phương. Đặc biệt, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng 14 xã, thị trấn trong huyện đã có 57 công trình, phần việc đã đăng ký và đang hoàn thành.

Trên con đường cách mạng sẽ còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Mù Cang Chải sẽ ngày càng khởi sắc, luôn xứng đáng với danh hiệu huyện “Anh hùng trong thời kỳ đổi mới”. Kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (2/7/1957 – 2/7/2010), cán bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Mù Cang Chải phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2010 và những năm tiếp theo.

Mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng... thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện lần thứ XVII, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Ngô Thanh Giang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy

Các tin khác
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hỏi người dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Trong 2 ngày 30-6 và 1-7, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2010, việc triển khai Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020”.

YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái, ngày 30/6 và 1/7/2010.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên quân kỳ.

YBĐT - Yên Bái cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế, đưa Yên Bái sớm thoát khỏi tỉnh nghèo, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với trung bình của cả nước - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại Lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Yên Bái.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI-Đại hội đổi mới năm 1986.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Ông đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, cùng Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa đất nước vượt muôn trùng gian khó bước vào con đường hội nhập, phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục