Đẩy mạnh công tác quản lý khoáng sản và đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái vì mục tiêu phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ bảy, 2/10/2010 | 8:25:57 AM
YBĐT - Chặng đường 65 năm qua của ngành địa chất và ngành quản lý đất đai Việt Nam nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái (trái) và Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lào Cai ký kết chương trình hoạt động hợp tác năm 2010.
(Ảnh: Lê Văn Bắc)
|
Đó là tài nguyên khoáng sản và đất đai của quốc gia ngày càng được điều tra một cách toàn diện hơn, xác định đúng tiềm năng, làm cơ sở cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả theo hướng phát triển bền vững; tài nguyên khoáng sản và đất đai đã từng bước được quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật; hệ thống pháp luật về khoáng sản và đất đai ngày càng được hoàn chỉnh.
Về ngành địa chất: Ngày 2.10.1945, Nha Kỹ nghệ (sau đổi tên thành Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ) được thành lập chính là tổ chức tiền thân của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ngày nay. Từ đó đến nay, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, mặc dù có nhiều tên gọi và phát triển thành nhiều tổ chức khác nhau, thuộc các bộ khác nhau nhưng ngành địa chất Việt Nam luôn được duy trì, phát triển, trưởng thành và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, phần lớn diện tích đã được đo vẽ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000. Hiện nay, công tác đo vẽ tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Văn Chấn đang được thực hiện.
Qua công tác nghiên cứu địa chất, đã phát hiện trên 257 mỏ và khu vực mỏ với các loại khoáng sản: than, sắt, đồng, chì, kẽm, caolin, felspat, grafit, đá vôi trắng, đá quý... Trong đó, đáng kể là mỏ quặng sắt Làng Mỵ thuộc huyện Văn Chấn (hiện đang được đầu tư thăm dò và khai thác); các mỏ đá vôi trắng trên địa bàn huyện Yên Bình và huyện Lục Yên; đá cảnh Suối Giàng (Văn Chấn), đá làm vật liệu xây dựng… Nhiều mỏ đã được đưa vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm cơ sở khai thác quặng chì tại xã Cảm nhân (Yên Bình), năm 2008.
Ngoài các phát hiện của các đoàn địa chất Trung ương, Đoàn Địa chất Yên Bái trước đây cũng góp phần đáng kể trong việc phát hiện, thăm dò một số mỏ khoáng sản như: than Quy Mông, Minh Quân; kaolin Trực Bình; thạch anh Hòa Cuông; felspat Quyết Tiến, fotphorit hang động Lục Yên...
Từ lợi thế về tiềm năng khoáng sản, trong thời gian qua, Yên Bái đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, cơ chế và chính sách thu hút đầu tư. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư hoạt động khoáng sản tại Yên Bái; đã hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, tạo giá trị chiếm gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Hoạt động khoáng sản ở Yên Bái cơ bản được quản lý tốt, đã có những tiến bộ đáng kể; nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chế biến sâu gắn với bảo vệ môi trường.
Về ngành quản lý đất đai: Sắc lệnh số 41 ngày 3/10/1945 của Chủ tịch nước đã chuyển Sở Trước bạ - Văn tự - Quản thủ điền thổ và Thuế Trực thu của Phủ Toàn quyền Đông Dương về Bộ Tài chính. Sau đó, ngành địa chính được thiết lập với tên gọi Nha Trước bạ - Công sản - Điền thổ, kèm theo đó là hệ thống các đơn vị trực thuộc ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Từ đó đến nay, cũng như ngành địa chất, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, mặc dù có nhiều tên gọi và phát triển thành nhiều tổ chức khác nhau, thuộc các bộ khác nhau nhưng ngành quản lý đất đai Việt Nam luôn khẳng định và phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên vàng - đất đai, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.
Ngành quản lý đất đai tỉnh Yên Bái đã xây dựng và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành hàng trăm văn bản, chỉ thị, nghị quyết và quyết định nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần khai thác tiềm năng và bảo vệ tốt hơn nguồn tài nguyên đất; đã lập qui hoạch sử dụng đất cho 180 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thành phố, thị xã; lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 1998 - 2010, hiện đang triển khai quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; đã tiếp nhận, thụ lý và thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh ra quyết định: giao đất cho 429 đơn vị, tổ chức với diện tích 68.723,51 ha; cho 218 đơn vị thuê đất với diện tích 19.323,8 ha; thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 8.973,6 ha. Toàn tỉnh đã cấp được cho hộ gia đình, cá nhân: 364.590 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 164.641 ha; cho các tổ chức 2.444 giấy, diện tích 45.176 ha; đã tổ chức 62 cuộc thanh tra với 518 đơn vị, phát hiện và xử phạt 75 trường hợp có vi phạm; giải quyết 144 đơn khiếu nại, tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền được giao.
Khai thác quặng sắt ở xã Minh Chuẩn (Lục Yên).
Ngành tài nguyên và môi trường Yên Bái đã có bước trưởng thành trong chặng đường qua. Tổ chức bộ máy được củng cố từ cấp tỉnh đến cấp huyện; cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc đã được nâng lên; năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên & Môi trường. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành đã đạt được trong thời gian qua.
Có thể nói, chặng đường 65 năm qua của ngành địa chất và ngành quản lý đất đai Việt Nam nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Đó là tài nguyên khoáng sản và đất đai của quốc gia ngày càng được điều tra một cách toàn diện hơn, xác định đúng tiềm năng, làm cơ sở cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả theo hướng phát triển bền vững; tài nguyên khoáng sản và đất đai đã từng bước được quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật; hệ thống pháp luật về khoáng sản và đất đai ngày càng được hoàn chỉnh; việc tổ chức thi hành pháp luật và ý thức pháp luật trong nhân dân được nâng lên, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản và đất đai nói riêng, tài nguyên và môi trường nói chung vì mục tiêu phát triển bền vững.
Địa chất - khoáng sản và đất đai là hai lĩnh vực lớn trong công tác quản lý của ngành tài nguyên và môi trường đồng thời cũng là hai lĩnh vực nhạy cảm luôn thu hút sự quan tâm của xã hội hiện nay.Vì vậy, trong thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường Yên Bái phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ; nâng cao năng lực tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung, quản lý khoáng sản và đất đai nói riêng trên địa bàn.
Với truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển, tin tưởng rằng, trong những năm tới, ngành sẽ nỗ lực, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững.
Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Đó là kiến nghị của Trung tâm dạy nghề các huyện Lục Yên, Văn Yên với đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động tại huyện Lục Yên và huyện Văn Yên.
YBĐT - Những năm qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đặc biệt quan tâm đổi mới nội dung công tác giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri tại cơ sở trước và sau các kỳ họp.
YBĐT - Hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân (HĐND) không chỉ là hoạt động thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND mà còn là trách nhiệm của người đại biểu được nhân dân bầu ra thay mặt mình ở cơ quan quyền lực Nhà nước.
Để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới (dự kiến khai mạc ngày 20-10), Thủ tướng Chính phủ đã phân công 14 thành viên Chính phủ chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo luật dự kiến sẽ được trình bày và xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.