Đại hội XI thảo luận các văn kiện: Nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng đất nước
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2011 | 8:18:50 AM
Chiều 14/1, dưới sự điều hành của ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Đại hội XI của Đảng đã thảo luận tại hội trường, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các dự thảo văn kiện Đại hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều khiển phiên thảo luận .
|
Phải thu hút tối đa nguồn lực xã hội
Nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001- 2010, bài học thứ nhất cần rút ra là khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, thu hút tối đa nguồn nhân lực của toàn xã hội. Cả dân tộc cùng đồng hành phát triển. "Chúng ta đã khơi dậy được nguồn lực từ khu vực tư nhân, khơi dậy được sức mạnh của các thành phần kinh tế" - Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho biết.
Từ bài học này, ông Phúc băn khoăn khi trong dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đề cập đến đặc trưng chủ nghĩa xã hội ghi: "nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu".
Ông Phúc cho rằng, không phải trong một lúc mà Nghị quyết Đại hội X ghi được là: "dựa trên quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất".
Ông Phúc băn khoăn về việc bây giờ lại bỏ câu này đi. "Đầu tư nhà máy điện chính là tư liệu sản xuất chủ yếu, nếu chúng ta không thu hút được đầu tư vào lĩnh vực này thì sẽ thiếu điện. Tôi mong các đồng chí cùng thảo luận vấn đề này và biểu quyết để tạo sự đồng thuận, đồng nhất trong Đảng" - Ông Phúc nói.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm khẳng định, cần tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Do vậy, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Ông Huỳnh Đảm kiến nghị, Đảng cần sớm cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tăng tính tự chủ cho chính quyền địa phương
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đề xuất, phải đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng: Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền tự quyết, tự quản với công việc được giao; không trùng lắp nhiệm vụ… Điều này sẽ tránh được sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động.
Khi đã tạo sự chủ động cho chính quyền cấp dưới, thì nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền cấp trên là ban hành các quy định và kiểm tra giám sát. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa mô hình phân cấp hiện hành với mô hình tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương.
Ông Đua cho rằng, đã chuyển qua kinh tế thị trường, nhưng tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh vẫn không mấy thay đổi. Hệ quả là, chúng ta chưa có chính sách và cơ chế vận hành để thúc đẩy các vùng kinh tế. Dẫn đến, nguồn lực quốc gia bị phân tán, đầu tư công và tư đều bị dàn trải; các vùng kinh tế trọng điểm không có sức mạnh liên kết vùng.
Ông Đua đề nghị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần nhìn ở quy mô quốc gia và vùng kinh tế để có sự liên kết về chức năng kinh tế của chính quyền địa phương.
Chương trình quốc gia về phát triển kinh tế tri thức
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức. Thực tế phát triển đất nước cho thấy, chúng ta có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện thành công đường lối phát triển kinh tế tri thức.
Ông Khanh đề xuất, khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm quốc gia, coi đây là "trục" của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Ngoài ra, cần tập trung ưu tiên xây dựng hai trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và TPHCM, coi đây là mẫu hình, là đầu tàu phát triển khoa học - công nghệ - công nghiệp của cả nước, lôi kéo, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học - công nghệ và tài chính mạnh vào Việt Nam, khuyến khích họ xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển, tạo kênh để từ đó tri thức công nghệ lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế.
(Theo TPO)
Các tin khác
Bộ Chính trị vừa ra Chỉ thị số 50-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
YBĐT - Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể triển khai sâu rộng trong lực lượng công an toàn tỉnh.
YBĐT - Văn Yên những ngày này, người người hăng say thi đua lao động, sản xuất. Tất cả mọi người đều gửi gắm tâm nguyện, gửi gắm niềm tin về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng...
Sau đây là Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: