Hỗ trợ phát triển sản xuất vùng khó khăn: Tiền đề xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2011 | 2:39:19 PM

YBĐT - Qua 5 năm thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất Chương trình 135 giai đoạn II tỉnh Yên Bái tổng số vốn đã thực hiện là trên 72,6 tỷ đồng, đạt 99,8% kế hoạch.

Bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cầu treo ở thôn 5 xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) hoàn thành giúp người dân đi lại thuận lợi. (Ảnh: A Mua)
Bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cầu treo ở thôn 5 xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) hoàn thành giúp người dân đi lại thuận lợi. (Ảnh: A Mua)

Nhờ các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong tỉnh có điều kiện đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đời sống của người dân đã được nâng lên, giúp các hộ khó khăn thoát nghèo nhanh và bền vững.

Thời gian qua, các chương trình, chính sách hỗ trợ các nguồn vốn đối với vùng đồng bào khó khăn được triển khai tương đối đồng bộ như: Chương trình 134, 135, 193; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường;  Chương trình 30a; Dự án Giảm nghèo; Dự án Chia sẻ… tính bình quân mỗi xã thuộc diện ĐBKK được đầu tư trên 3,8 tỷ đồng/năm. Trong số các chương trình, dự án trên thì Chương trình 135 đã triển khai nhiều năm với số vốn lớn và mang lại hiệu quả cao.

Qua 5 năm thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất Chương trình 135 giai đoạn II tổng số vốn đã thực hiện là trên 72,6 tỷ đồng, đạt 99,8% kế hoạch. Về sản xuất nông nghiệp cơ bản đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thay đổi về cơ bản diện mạo nông thôn vùng ĐBKK. Chương trình bước đầu đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường, góp phần hình thành một số vùng sản xuất cây lương thực, chăn nuôi bán công nghiệp và các mô hình kinh tế nhỏ của địa phương.

Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II cùng với các chương trình, dự án khác bước đầu giải quyết tương đối đồng bộ về kết cấu hạ tầng  kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt… Các công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 được triển khai với nhiều hạng mục. Về hỗ trợ máy móc được 8.012 cái và 15.748 thiết bị, công cụ sản xuất khác, giá trị thực hiện trên 25 tỷ đồng.

Theo ý kiến nhiều hộ dân được thụ hưởng, các máy móc thiết bị được đưa vào phục vụ sản xuất đã có hiệu quả như: máy tẽ ngô, tuốt lúa liên hoàn, máy xay đậu tương, máy xát gạo… Có máy móc, người dân đã từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế dần tập quán sản xuất cũ. Đại bộ phận các hộ ở các xã, thôn, bản ĐBKK được cải thiện và phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dần từ 1 vụ lên 2 vụ.

Các loại giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, lâm nghiệp được hỗ trợ mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số cây trồng mới như ngô, đậu, lạc… trở thành thế mạnh ở một số vùng. Cùng với đó, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã xây dựng 248 mô hình trồng, chăm sóc chè, cây ăn quả, chăn nuôi, sản xuất lúa và cây vụ đông với giá trị thực hiện trên 6 tỷ đồng; tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được 752 lớp với 33.803 người tham gia… Dự án đã tạo điều kiện cho 92.375 lượt hộ được thụ hưởng, trong đó chủ yếu là được hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất và vật tư, giống cây trồng, vật nuôi.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, đơn vị chủ trì là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp Ban chỉ đạo Chương trình 135 và UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhanh chóng, sát sao, bảo đảm phát huy hiệu quả. Đơn vị đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt định mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2006 - 2010; hướng dẫn, đôn đốc các huyện sớm lập kế hoạch và xây dựng dự toán mô hình sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất các năm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân được quan tâm tạo điều kiện để các đối tượng nắm rõ và tham gia ủng hộ nhiệt tình. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai thực hiện tại các xã, thôn bản ĐBKK thời gian qua đã góp phần thay đổi đảng kể bộ mặt nông thôn miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn bản ĐBKK giảm từ 59,4% năm 2006 xuống còn 29,8% năm 2010, đáp ứng được mục tiêu của chương trình đề ra. Đây cũng là tiền đề để xây dựng nông thôn mới trong thời gian tiếp theo.

 Huy Văn

Các tin khác

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quyết định số 01-QĐNS/TW về phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư Trung ương khóa XI.

YBĐT - Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2010, công tác dân vận của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngày 8-2-2011, tại Hà Nội, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đối với đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Biên tập báo Nhân Dân.

YBĐT - Sáng 8/2, Tỉnh uỷ đã tổ chức gặp mặt các ban xây dựng Đảng tỉnh và Văn phòng Tỉnh uỷ nhân dịp đầu xuân Tân Mão và phát động đợt thi đua mừng Đảng, mừng Xuân năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục