Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: 7 GIẢI PHÁP LỚN CỦA TỈNH ỦY YÊN BÁI
- Cập nhật: Thứ hai, 13/6/2011 | 11:03:49 AM
YBĐT - Nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành "Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII" với 7 giải pháp lớn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Đầu tư quy hoạch, xây dựng một số vùng chuyên canh quy mô lớn như: vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa. Ảnh minh họa
|
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện nghị quyết trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 gồm những nội dung chủ yếu sau:
I- MỤC TIÊU TỔNG QUÁT
Mục tiêu tổng quát của tỉnh Yên Bái trong 5 năm tới là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ; phát huy truyền thống đoàn kết, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, văn hóa - xã hội phát triển, tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường củng cố, xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2015.
II- NHỮNG NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1- Đổi mới mô hình tăng trưởng và tập trung tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh; mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị lớn; xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững.
Khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đầu tư quy hoạch, xây dựng một số vùng chuyên canh quy mô lớn như: vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; vùng sắn cao sản, chè, quế, măng, vùng nguyên liệu giấy, gỗ gắn với xây dựng các nhà máy chế biến nông - lâm sản, thực phẩm.
Tập trung cải tạo vườn tạp và phát triển tập đoàn cây ăn quả có giá trị, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng. Tiến hành nghiên cứu đưa cây sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh vào trồng thử nghiệm ở vùng tiểu khí hậu phù hợp.
Phát triển mạnh chăn nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại, đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 30% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2012, chủ động sản xuất được giống cá tầm tại chỗ để phát triển chăn nuôi thủy sản quy mô lớn trên diện tích mặt nước hồ Thác Bà. Đầu tư xây dựng một số mô hình chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đất nông nghiệp, giữ ổn định diện tích lúa nước, phát huy lợi thế lĩnh vực lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh và trồng cây cao su gắn với công nghiệp chế biến; phấn đấu diện tích rừng toàn tỉnh đến năm 2015 là 440.000 ha, trong đó có 9.000 ha cây cao su, đưa tỷ lệ che phủ của rừng lên 63,5%.
Tiếp tục thu hút, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2011, hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trong tỉnh; tỉnh chọn 02 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới; mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn từ 01 đến 02 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2015, có 15 - 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới (từ 24 xã đến 32 xã).
2- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hoàn chỉnh hệ thống chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển sản xuất. Trọng tâm và ưu tiên phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm khâu đột phá trong phát triển kinh tế, đến 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 41% trong GDP.
Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên cả 4 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Trong đó chú trọng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; kiểm soát và thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, gắn với ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 7.400 tỷ đồng trở lên. Ưu tiên phát triển công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng và tiềm lực tài chính lớn; tập trung vào công nghiệp chế biến khoáng sản, nông - lâm sản, từ gỗ rừng trồng, đá trắng, gốm sứ, quặng sắt, vật liệu xây dựng, đảm bảo tỷ lệ công nghiệp chế biến là 81%. Quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp chế nông, lâm sản ở vùng cao, vùng khó khăn.
Tập trung nguồn lực từ ngân sách và thu hút đầu tư để phát triển mạnh các khu công nghiệp của tỉnh, các cụm công nghiệp ở thành phố Yên Bái và các huyện, như: khu công nghiệp phía Nam, Minh Quân, Âu Lâu, bắc Văn Yên, Mông Sơn và các cụm công nghiệp Yên Thế, Sơn Thịnh, Báo Đáp... Trong đó chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước, kho bãi, xử lý chất thải cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Tăng cường các hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực đầu tư trên địa bàn theo hướng liên kết rộng, hợp tác sâu với một số tập đoàn, tổng công ty lớn, tiềm lực mạnh, công nghệ cao; xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp Yên Bái trong giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu đến 2015, tỉnh Yên Bái có từ 1.750 doanh nghiệp trở lên.
Trong đó, có 10 đến 15 doanh nghiệp có tiềm lực, lợi thế trên một số lĩnh vực sản xuất chủ yếu, có vốn trên 50 tỷ đồng, doanh thu hàng năm đạt trên 500 tỷ đồng để thực hiện chức năng đầu tàu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp vào thu ngân sách của tỉnh ở mức trên 70%.
Rà soát, bổ sung quy hoạch các lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với sự phát triển về giao thông và liên kết khu vực. Phát triển hệ thống liên kết nhà hàng, khách sạn, siêu thị với các đô thị trong và ngoài tỉnh để kết nối các điểm du lịch; xây dựng hệ thống chợ xã, chợ trung tâm, chợ đầu mối; kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm vui chơi giải trí tổng hợp ở thành phố Yên Bái.
Phát triển hệ thống du lịch sinh thái gắn với liên kết tua, tuyến và hòa mạng chung về hạ tầng du lịch của khu vực Tây Bắc với các vùng phát triển. Ban hành chính sách, cơ chế linh hoạt để thu hút đầu tư, trọng tâm cho phát triển du lịch, dịch vụ ở Đầm Hậu, Hồ Thác Bà, Suối Giàng.
3- Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông và đô thị.
Tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trọng tâm là mạng lưới giao thông để đầu tư theo hướng đồng bộ, có tính liên kết cao giữa các vùng trong tỉnh, kết nối với các tỉnh và hành lang kinh tế; phát huy tối đa lợi thế đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lấy các điểm giao cắt làm trung tâm phát triển dịch vụ, thị trấn, thị tứ; kiến nghị với các bộ, ngành có phương án nâng cấp tuyến đường sắt và lập đường hàng không dân dụng, phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch và cứu hộ, cứu nạn.
Tập trung triển khai 15 công trình trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện đa khoa quy mô 500 giường, Trường Cao đẳng Nghề và nhóm các dự án giao thông huyết mạch, như: Dự án đường quốc lộ 70 - quốc lộ 32C nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường tránh ngập thành phố Yên Bái, đoạn Đại lộ Nguyễn Thái Học - cầu Văn Phú, đường tránh quốc lộ 37 qua thành phố Yên Bái, đường Yên Bái - Khe Sang, cầu vượt sông Hồng khu vực đền Tuần Quán...
Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích chủ đầu tư tự tìm, khai thác nguồn vốn đầu tư; áp dụng các hình thức đầu tư BT, BOT, BTO, PPP... trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở những tuyến đường cho phép. Tập trung xây dựng hệ thống giao thông liên huyện, liên xã phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Tập trung cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thành phố Yên Bái.
Đồng thời triển khai quy hoạch, đầu tư mở rộng không gian thành phố; xây dựng khu đô thị mới sang phía hữu ngạn sông Hồng theo quy mô lớn, hiện đại và tầm nhìn chiến lược, tạo nền tảng để đến năm 2020 thành đô thị loại II; đầu tư xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại III vào năm 2020. Quy hoạch các đô thị vệ tinh đạt tiêu chí thị xã vào giai đoạn 2015 - 2020 (như Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên…), quy hoạch các trung tâm cụm xã và trung tâm các xã theo tiêu chí nông thôn mới.
4- Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; tập trung đổi mới toàn diện công tác giáo dục và dạy nghề, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Phấn đấu đến năm 2015 đạt các chỉ tiêu về giáo dục mầm non và phổ thông ngang bằng với các chỉ số trung bình của cả nước.
Chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đến năm 2015 (Huy động 99% trẻ 5 tuổi đến lớp, phổ cập tiếng phổ thông cho học sinh mẫu giáo 5 tuổi người dân tộc thiểu số, 37% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Có 54% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Có 21% số trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, 100% học sinh bậc trung học cơ sở được học ngoại ngữ theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 100% trường được kết nối Internet; xây dựng hệ thống giáo dục mũi nhọn theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao).
Đầu tư xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến 2015, toàn tỉnh có 72 trường với gần 8.000 học sinh bán trú; mở rộng quy mô học sinh dân tộc nội trú, đến 2015, tuyển sinh từ 8% trở lên số học sinh dân tộc thiểu số theo độ tuổi bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông được học ở các trường dân tộc nội trú, gắn với tạo nguồn cán bộ cho cơ sở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Đề án phát triển trường phổ thông trung học chuyên của tỉnh theo Quyết định 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Đề án thành lập trường đại học đa ngành tại Yên Bái; nâng cấp Trường Trung cấp Y tế và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành trường cao đẳng. Triển khai Đề án đào tạo cán bộ trẻ, dự nguồn quy hoạch có trình độ cao.
Hoàn thành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề giai đoạn 2010 - 2020, xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành trung tâm đào tạo nghề của khu vực Tây Bắc; trên cơ sở đó, xây dựng Đề án phát triển đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2015, chú trọng đào tạo cán bộ nguồn là người dân tộc Mông, Dao, Thái; đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%; tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 30% trong tổng lực lượng lao động của tỉnh; từ năm 2011 - 2015, đào tạo nghề cho 72.000 lao động nông thôn.
Thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số.
5- Nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Huy động mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh, bền vững tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Từ năm 2011, thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù cho các xã vùng cao, các thôn, bản đặc biệt khó khăn của các xã vùng II (ngoài các xã thực hiện Nghị quyết 30a) từ nguồn ngân sách của tỉnh, trợ giúp người nghèo về điều kiện sản xuất, việc làm để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo theo tiêu chí từng thời kỳ.
Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011 – 2020. Xây dựng Bệnh viện Đa khoa 500 giường hiện đại và các bệnh viện tuyến tỉnh, một số cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, xây dựng Đề án chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2015, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Phấn đấu đến 2015, có 37,7 giường bệnh, 8 bác sỹ, 01 dược sỹ đại học trên một vạn dân; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1,086%. Khống chế các bệnh nhiễm khuẩn, phòng chống tích cực các bệnh xã hội, chủ động phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi căn bản tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu của đồng bào vùng cao. Khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hệ thống phát thanh, truyền hình, mở rộng diện phủ sóng, nâng cao chất lượng sóng phát thanh, truyền hình, củng cố hệ thống truyền thanh ở cơ sở. Nâng tỷ lệ hộ gia đình được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, xem Đài Truyền hình Việt Nam lên 95%; nghe, xem Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái lên 85%.
Hàng năm, có kế hoạch, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và thực hiện xã hội hóa để đầu tư các thiết chế văn hóa ở cơ sở, xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ khu vực phía Tây của tỉnh.
Thực hiện đầy đủ các chính sách với người có công, các đối tượng chính sách. Tập trung tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong việc giải quyết các chính sách an sinh xã hội.
6- Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đề cao cảnh giác cách mạng, phòng chống và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đảm bảo giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang tỉnh, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng quân đội và công an.
Tiếp tục tăng cường tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Huy động mọi nguồn lực, thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc bảo đảm các yêu cầu Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đổi mới nội dung, hình thức xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tập trung đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm như tội phạm ma túy, tội phạm về kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi các tệ nạn xã hội, quản lý chặt chẽ các đối tượng sử dụng trái phép các chất ma túy.
Thực hiện có kết quả chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 86-KL/TW, Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị; thực hiện chủ trương tăng cường toàn diện cho công an cấp huyện và cơ sở.
Chủ động nắm chắc địa bàn, phát hiện, giải quyết kịp thời những phát sinh ngay từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ, không để phát sinh những “điểm nóng” về trật tự xã hội và những vi phạm, tội phạm có tổ chức. Chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại của công dân ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư vượt cấp, kéo dài.
7- Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, trọng tâm là các khâu: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; công tác cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua hoạt động của Đảng đoàn, ban cán sự Đảng và đội ngũ đảng viên trong các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Nâng cao chất lượng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng theo hướng bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để có định hướng đúng về nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Tập trung cho cơ sở, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, trọng tâm là chi bộ, tổ chức Đảng cơ sở; nâng cao tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả công tác của các cấp ủy Đảng.
Đổi mới đồng bộ và tạo bước đột phá trong công tác cán bộ; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy trình và lấy hiệu quả công tác, sự tín nhiệm của quần chúng làm thước đo chủ yếu. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu hiện tại và lâu dài của tỉnh theo hướng: từng bước trẻ hóa, trí thức hóa, chuẩn hóa và chuyên môn hóa. Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Nghị định 158 của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác cán bộ.
Thực hiện tốt Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp theo hướng giám sát rộng, kiểm tra sâu và thực hiện nghiêm các kết luận sau kiểm tra, giám sát.
Đề cao tính sáng tạo, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể theo hướng sâu sát và tập trung cho cơ sở, xác định địa bàn thôn, bản, vùng sâu, vùng xa làm nền tảng và là trung tâm trong các hoạt động. Phấn đấu tập hợp trên 75% quần chúng tham gia các tổ chức đoàn thể và vận động hầu hết quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động.
* Đầu đề do Tòa soạn Báo Yên Bái đặt.
Các tin khác
Ngày 12-6, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Dưới đây là toàn văn tuyên bố:
YBĐT - Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đến cán bộ chủ chốt của tỉnh và các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu/ Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái tổ chức cuộc họp chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa 17... và một số thông tin khác.
Hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm và lợi ích chung của tất cả các nước; khu vực và tất cả các nước cần phải tiếp tục nỗ lực và chung sức vì những mục tiêu này.
Chiều 10-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thống đốc bang Maryland Martin O'Malley đang có chuyến thăm, làm việc tại nước ta.