Nâng cao trách nhiệm của đại biểu dân cử
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/7/2011 | 9:49:30 AM
YBĐT - Hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào năng lực hoạt động và ý thức trách nhiệm của đại biểu HĐND.
Thường trực HĐND xã Tân Hương (Yên Bình) giám sát tại Trạm Y tế xã về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. (Ảnh: Ngọc Tú)
|
Vì vậy, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của đại biểu là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.
Theo luật quy định, đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý Nhà nước.
Để làm tốt các nhiệm vụ trên, trước tiên, đại biểu HĐND phải là người có bản lĩnh, trình độ, có kiến thức toàn diện ở các lĩnh vực đời sống xã hội, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương, những thông tin thực tiễn và những vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân để vận động nhân dân thực hiện cũng như nghiên cứu kinh nghiệm tốt áp dụng vào bản thân mình.
Vấn đề tiếp theo, đại biểu phải là người chủ động về hoạt động tiếp xúc cử tri. Thông qua hoạt động này, đại biểu mới thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, cuộc sống của nhân dân và mới đề xuất được những giải pháp để chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân.
Theo quy định trước kỳ họp, đại biểu HĐND có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri để thông báo nội dung và kết quả kỳ họp đồng thời ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; sau mỗi kỳ họp, đại biểu tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp; kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri; phổ biến các nghị quyết của HĐND và vận động nhân dân thực hiện.
Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, đại biểu HĐND có thể tổ chức tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề… để tập hợp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân. Khi tham gia tiếp xúc cử tri, đại biểu phải thông báo cho cử tri biết về mục đích, nội dung của cuộc tiếp xúc cử tri; giải thích cho cử tri những vấn đề cử tri chưa hiểu rõ; tiếp thu kiến nghị của cử tri phản ánh với HĐND; đề nghị các cơ quan có chức năng theo quyền hạn của người đại biểu HĐND mà pháp luật quy định.
Kỳ họp là hoạt động quan trọng nhất của HĐND các cấp. Ở đó, các đại biểu HĐND tập trung trí tuệ bàn bạc, thảo luận, quyết định những mục tiêu, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định, đại biểu HĐND phải tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của HĐND; tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước khi về dự kỳ họp, đại biểu phải đầu tư thời gian và tâm lực cho việc nghiên cứu các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND cùng cấp gửi đến kỳ họp; đối chiếu với các quy định của luật pháp, của các bộ, ngành liên quan và của địa phương; xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn để trong thời gian kỳ họp làm việc có cơ sở tham gia ý kiến thảo luận ở tổ hoặc hội trường, chất vấn và biểu quyết thông qua nghị quyết.
Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương nên những ý kiến, kiến nghị của đại biểu đưa ra tại kỳ họp phải chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Thông qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, khi phát hiện những vấn đề bức xúc cử tri quan tâm và có nhiều kiến nghị, đại biểu cần nghiên cứu, thu thập thông tin để chuẩn bị câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. Câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, rõ ràng, nêu những tồn tại, yếu kém; xác định rõ trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan và gửi về thường trực HĐND để tổng hợp và gửi tới các cơ quan liên quan.
Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, đại biểu phải nghiên cứu xem các cơ quan chức năng trả lời đã đúng câu hỏi chất vấn chưa. Nếu cơ quan chức năng trả lời chưa thỏa đáng, đại biểu cần chuẩn bị nội dung để tiếp tục truy vấn và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện lời hứa.
Cùng với việc tham dự kỳ họp, đại biểu có một trách nhiệm quan trọng là phải tham gia giám sát việc thực thi pháp luật và nghị quyết của HĐND; theo dõi xem tổ chức và cá nhân có thực hiện đúng những quy định của pháp luật hay không. Giám sát để thấy việc làm đúng thì phát huy, rút ra những việc chưa làm đúng để rút kinh nghiệm hoặc yêu cầu chấn chỉnh để cho pháp luật của Nhà nước và nghị quyết HĐND đi vào cuộc sống.
Khi tham gia giám sát, đại biểu phải đầu tư thời gian, nghiên cứu, nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND; đối chiếu với quá trình tổ chức triển khai thực hiện của cơ quan chấp hành và ý kiến phản ánh của cử tri; xem xét vấn đề một cách toàn diện trước khi đưa ra kết luận và kiến nghị. Đại biểu tham gia giám sát theo đoàn giám sát của thường trực, các ban và các tổ đại biểu HĐND.
Lê Thị Liêm
Các tin khác
YBĐT - Sáng 30/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tổ chức kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2011), sơ kết đợt sinh hoạt chính trị “Yên Bái học tập và làm theo lời Bác” và tuyên dương các bí thư chi bộ tiêu biểu lần thứ nhất năm 2011.
YBĐT - 660 đồng chí bí thư chi bộ tiêu biểu đại diện cho hơn ba nghìn bí thư chi bộ trong Đảng bộ có mặt hôm nay là những bông hoa rực rỡ trong vườn hoa đầy hương sắc trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Yên Bái những năm qua.
YBĐT - Sau 4 năm triển khai, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Yên Bái đã phát huy hiệu quả to lớn...
YBĐT - Cách đây 66 năm, tại chiến khu Vần - Hiền Lương, ngày 30/6/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ. Sự kiện trọng đại này đã mở ra một bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương.