Yên Bái: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, làm động lực cho công cuộc đổi mới
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2011 | 8:44:39 AM
YBĐT - Cùng với sự lớn mạnh của phong trào công nhân lao động (CNLĐ) và công đoàn trong cả nước, tổ chức công đoàn tỉnh Yên Bái cũng không ngừng lớn mạnh, phát triển từ năm 1944 với hình thức ban đầu là Hội Ái hữu đề pô xe lửa Yên Bái.
Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn tráng men sứ điện cao thế.
|
Ngày 28.7.1947, Đại hội lần thứ nhất Liên hiệp Công đoàn tỉnh được tổ chức đã đánh dấu mốc son quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự hình thành, phát triển của tổ chức công đoàn tỉnh Yên Bái. Tại Đại hội lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Tiến Lãng được bầu làm Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh.
Đến nay, LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã tổ chức 17 lần đại hội và tại Đại hội lần thứ XIII (Đại hội IV Công đoàn Hoàng Liên Sơn) đã thống nhất tên gọi, chức danh chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
Từ 5 - 6 tổ chức công đoàn cơ sở đến nay đã có trên 1.803 công đoàn cơ sở với 36.600 đoàn viên công đoàn trong tổng số gần 41.642 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) ở các đơn vị có tổ chức công đoàn. |
Hàng năm, lực lượng này đã đóng góp và tạo ra giá trị tổng sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động (NLĐ); tích cực tham gia và là lực lượng chủ yếu thúc đẩy các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Tuy nhiên, với sự tác động của nền kinh tế thị trường, GCCN tỉnh Yên Bái cũng có những biến động lớn cả về số lượng, chất lượng và bộc lộ những hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề so với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường công nghiệp hiện đại, mối quan hệ lãnh đạo - chỉ đạo theo hệ thống, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động... Đó là những trở ngại và khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng GCCN tỉnh Yên Bái trong giai đoạn cách mạng mới.
Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước" là quá trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới đã tạo ra động lực thúc đẩy, triển vọng to lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của GCCN Việt Nam đồng thời đòi hỏi GCCN phải nỗ lực vươn lên để đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đồng chí Hà Chí Họp - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (giữa) tại Lễ bàn giao nhà "Mái ấm công đoàn".
Công đoàn tỉnh Yên Bái cần nhận rõ trách nhiệm của mình, cần nhanh chóng đổi mới tổ chức và hoạt động. Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng GCCN và tổ chức công đoàn tỉnh Yên Bái phải tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Một là: Giáo dục, đào tạo công nhân, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lập trường giai cấp, phát huy nguồn lực con người. Để xây dựng GCCN lớn mạnh, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tập trung các nguồn lực cho đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt của công nhân, từng bước trí thức hóa công nhân nhằm tạo lập kỹ năng, kiến thức tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo cho công nhân.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp và người sử dụng lao động có đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, tay nghề cho NLĐ. Cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống các trường dạy nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư chương trình này.
Mở rộng và nâng cao chất lượng các trung tâm giáo dục thường xuyên, các loại hình đào tạo đại học, đào tạo công nhân kỹ thuật cao tại Yên Bái để CNLĐ ở mọi trình độ, lứa tuổi đều có thể theo học. Sớm có quy định đưa nội dung phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Luật Doanh nghiệp vào nội dung chương trình đào tạo nghề.
Vấn đề đào tạo công nhân kỹ thuật không những để phục vụ công nghiệp của tỉnh mà còn là nguồn xuất khẩu quan trọng, vừa giải quyết việc làm cho NLĐ vừa thông qua đó học hỏi, bổ túc thêm nghề nghiệp và trình độ cho công nhân.
Hai là: Về tạo việc làm cho CNLĐ, có chính sách thu hút nhân tài để nâng cao chất lượng đội ngũ CNLĐ, nhất là đối với các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đẩy mạnh khuyến khích đầu tư khai thác tốt thế mạnh tài nguyên và tiềm năng nhằm thu hút, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, kết hợp với việc đào tạo, sử dụng lao động hiện có, lao động tại địa phương.
Ba là: Về thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ của tổ chức công đoàn. CNVCLĐ hiện nay được chia theo lĩnh vực công việc: công chức, viên chức là những đối tượng được quy định theo luật. CNLĐ làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp được điều chỉnh theo Bộ luật Lao động, được trả tiền công theo kết quả sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp, trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng và loại hình theo quy định của Chính phủ.
Tại các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp dân doanh, liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ từ việc làm, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, tiền công, các chế độ chính sách có liên quan đến NLĐ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... đều làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến lợi tức của cổ đông.
Bên cạnh đó, ban chấp hành và chủ tịch công đoàn đều là đối tượng ký hợp đồng lao động, do vậy sẽ là một trở ngại trong việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, khó khăn trong việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các loại hình này.
Vì vậy, các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, đã có tổ chức Đảng cần tập trung tạo ra sự khác biệt về quyền lợi của NLĐ để tuyên truyền và đấu tranh với các doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, làm cho giám đốc, hội đồng quản trị doanh nghiệp thấy và thực sự phải coi công nhân là “tài sản đặc biệt”, là “nguồn vốn” quý nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất trong mỗi doanh nghiệp.
Công nhân Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái trong dây chuyền sản phẩm CaCO3
Bốn là: Về tổ chức các phong trào thi đua, cần chú ý nội dung thi đua phải cụ thể, tránh hình thức, phát động nhiều mà không có sơ kết, tổng kết, qua phong trào mà không tìm được nhân tố điển hình, không có sáng kiến cải tiến làm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công việc được giao, không có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Để làm tốt công tác này, các cấp công đoàn trong tỉnh cần quán triệt Kết luận số 83/KL/TW ngày 30.8.2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21.5.2004; tập trung phát động thi đua tại cơ sở, qua các phong trào thi đua, đối tượng khen thưởng ưu tiên cho CNLĐ giỏi, công chức, viên chức có nhiều sáng kiến, tận tụy, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức tổng kết các phong trào thi đua bằng hình thức vinh danh các tập thể, cá nhân có thành tích xứng đáng.
Năm là: Xây dựng GCCN gắn liền với xây dựng tổ chức công đoàn và xây dựng Đảng, góp phần để GCCN phát huy vai trò của mình. Quan tâm tạo điều kiện cho công nhân hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh ở mọi cấp, mọi ngành, mọi khu vực, mọi thành phần kinh tế. Tăng cường hơn nữa công tác phát triển Đảng trong CNLĐ, nhất là CNLĐ ngoài quốc doanh; chú ý đào tạo cán bộ công đoàn từ những công nhân ưu tú nhằm không ngừng bổ sung cho các cơ quan Đảng, chính quyền những cán bộ vừa hồng vừa chuyên xuất thân từ công nhân.
Sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn tỉnh Yên Bái gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự phối hợp của chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh và sự ủng hộ đầy tâm huyết của các thế hệ CNVCLĐ. Tổ chức công đoàn và CNVCLĐ tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và sự tin yêu của nhân dân, vững bước đi lên, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hà Chí Họp - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái
Các tin khác
Tại phiên họp chiều qua, 27-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến số Phó Chủ tịch và số ủy viên Hội đồng Dân tộc, số Phó Chủ nhiệm và số Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội và số thành viên Đoàn Thư ký Kỳ họp Quốc hội.
YBĐT - Ở huyện Trạm Tấu, việc xây dựng các mô hình chi bộ thôn, bản và đảng viên tiêu biểu trong lãnh đạo, thực hiện các chủ trương về xóa đói giảm nghèo giúp quần chúng nhân dân thấy, tin và làm theo.
Đó là chủ đề của Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 (ANCM-5) khai mạc sáng 27-7 tại Thủ đô Hà Nội.
Nhân dịp kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII nước CHXHCN Việt Nam bầu đồng chí Trương Tấn Sang giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng giữ chức Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng giữ chức Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện chúc mừng đến lãnh đạo nước ta.