Băn khoăn khi tăng mức phạt

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/11/2011 | 9:03:04 AM

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận ngày 18-11 về dự luật xử lý vi phạm hành chính. Không ít đại biểu cho rằng tăng mức xử phạt hành chính là không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc biệt biện pháp này không phải là cứu cánh để giảm vi phạm.

Đại biểu Vũ Chí Thực, giám đốc Công an Quảng Ninh, phát biểu thảo luận về dự luật xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Vũ Chí Thực, giám đốc Công an Quảng Ninh, phát biểu thảo luận về dự luật xử lý vi phạm hành chính.

Tăng tiền phạt có giảm vi phạm?

Phát biểu về dự luật xử lý vi phạm hành chính, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng dự luật chuẩn bị chưa phù hợp với các nghị quyết của Đảng, mục tiêu lập pháp của Quốc hội là ban hành ra phải áp dụng được ngay, tránh các quy định chung chung.

“Những vấn đề cốt lõi nhất của luật đều giao cho Chính phủ quy định. Vì vậy luật có ra đời cũng không khắc phục được bất cập hiện nay. Tôi đề nghị các dự luật đưa vào mà chưa đạt chất lượng thì cơ quan thẩm tra nên đề nghị Quốc hội không đưa vào chương trình” - ông Quyền nói.

Về mức xử phạt tối đa được nâng từ 500 triệu lên 2 tỉ đồng, ông Quyền khẳng định: “Tăng mức tiền phạt không phải là cứu cánh để giải quyết vấn đề. Tôi ví dụ pháp luật hình sự áp dụng mức phạt rất nặng với các tội liên quan đến ma túy, nhưng không vì thế mà loại tội phạm này giảm. Cần căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội mà quy định mức phạt cho hợp lý”.

Chánh án Tòa án quân sự trung ương, thiếu tướng Trần Văn Độ (An Giang) cho biết: “Khi nghiên cứu dự luật này, tôi nghĩ ban soạn thảo cho rằng tăng nặng mức phạt là biện pháp để xử lý những vấn đề vi phạm đang tồn tại. Mức phạt quá cao, không phù hợp với mức sống của đại bộ phận dân cư hiện nay. Bộ luật hình sự quy định mức phạt cao nhất áp dụng cho tội phạm về môi trường là 500 triệu đồng, vậy mà phạt hành chính lại đưa lên 2 tỉ đồng. Tôi nghiên cứu pháp luật nhiều nước chưa thấy ở đâu quy định mức phạt cao hơn một tháng thu nhập của một người”.

Đa số đại biểu cho rằng vấn đề hiện nay nằm ở việc thực thi pháp luật có nghiêm minh không chứ không hẳn là chế tài nặng hay nhẹ. Theo ông Ngô Văn Minh (Quảng Nam) - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, vấn đề nằm ở chỗ chưa đủ chế tài xử lý đối với lực lượng thực thi pháp luật có vi phạm. “Ai dám cam kết rằng cho phạt gấp hai lần ở đô thị thì giao thông sẽ đỡ ùn tắc, môi trường sẽ sạch hơn?” - ông Minh hỏi.

Hai quan điểm về mại dâm

Thảo luận về vấn đề mại dâm, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, thiếu tướng Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) nói: “Quốc hội phải bàn thảo xem bán dâm có phải là vi phạm hay không? Nếu coi bán dâm là nghề thì phải có biện pháp xử lý dứt điểm, đàng hoàng như cho đăng ký, thu thuế... chứ không nên đưa ra quy định nước đôi như dự luật này”.

Chiều 18-11, trong thảo luận tại Quốc hội đã xuất hiện hai quan điểm liên quan đến vấn đề xử lý mại dâm. Quan điểm thứ nhất đồng tình với dự án luật là không nên quy định buộc người bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh, chỉ những người bán dâm được phát hiện có bệnh truyền nhiễm mới phải vào cơ sở chữa bệnh.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) phân tích: “Hiện nay nước ta chưa thừa nhận mại dâm là một nghề, nhưng bán dâm không phải tội hình sự (chỉ chứa chấp mại dâm, mua dâm người vị thành niên... mới là tội). Vì vậy, người bán dâm không có bệnh thì không có cơ sở nào để buộc người ta đi chữa bệnh”.

Đồng tình với ý kiến này nhưng giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh Vũ Chí Thực đặt câu hỏi: “Ai buộc họ đi khám chữa bệnh? Chi phí khám chữa bệnh ai lo?”. Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị: “Quy định chặt chẽ điều kiện khám chữa bệnh cho họ tại các cơ sở y tế chứ không nên đưa vào cơ sở lao động xã hội như hiện nay”.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nói không cho tạm giữ đối tượng hành nghề mại dâm thì rất khó cho công tác quản lý. “Không ai bán dâm tại nhà, không ai bán dâm tại quê, nếu bắt được mà không giữ để xử lý, đối tượng này lại đi nơi khác hành nghề” - đại biểu Hà phân tích.

Tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định cởi mở như dự thảo luật, ông Ngô Văn Minh bày tỏ: “Tôi hết sức lo lắng. Các đại biểu nên hình dung thế này: việc phá các ổ mại dâm rất khó khăn, nếu người bán dâm không có bệnh chỉ bị phạt tiền rồi thả ra thì đâu lại vào đó. Vô hình trung chúng ta coi đây là một nghề. Trước đây chúng ta đưa họ vào cơ sở gọi là trung tâm phục hồi nhân phẩm, chúng ta giúp đỡ họ học nghề, giúp đỡ họ hoàn lương, đây mới là bản chất nhân văn của chế độ”.

Nhà nước không nên can thiệp sâu vào giá cả

Trước đó, buổi sáng Quốc hội thảo luận về dự án Luật giá. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng trong điều kiện VN hiện nay không thể thiếu vai trò quản lý giá của Nhà nước, tuy nhiên Nhà nước chỉ nên can thiệp vào giá cả bằng các biện pháp kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đề nghị bên cạnh việc quy định vai trò của Thủ tướng, bộ trưởng trong việc định giá, cần có thêm vai trò của các hiệp hội. “Kinh nghiệm các nước cho thấy khi điều tiết qua vai trò định giá của hiệp hội là thể hiện sự can thiệp có mức độ của Nhà nước, Nhà nước không can thiệp trực tiếp” - ông Hòa nói.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị dự thảo luật này nên quy định theo hướng Nhà nước chỉ điều chỉnh can thiệp trực tiếp vào giá cả bằng các biện pháp kinh tế khi thị trường có biến động lớn, có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đời sống của nhân dân.

(Theo TTO)

Các tin khác

Thảo luận tại hội trường về Luật giá, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc quản lý thị trường giá cả rất lỏng lẻo, việc bình ổn giá chưa bảo đảm tính công bằng...

YBĐT - Ngày 18/11, Đảng ủy khối cơ quan tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý đảng viên đang sinh hoạt tại nơi cư trú”.

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 29 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2011), thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi thân ái gửi tới các nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo tỉnh lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Theo quyết định vừa được Thủ tướng ký ban hành, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường sẽ có 20 thành viên và do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục