Giảm chỉ tiêu tuyển sinh phi chính qui
- Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2011 | 8:20:45 PM
YBĐT - Phiên chất vấn sáng ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã làm rõ một số vấn đề về điều kiện, chất lượng GD-ĐT ở các cấp học, dạy thêm, học thêm, lạm thu…
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm, đại biểu QH tỉnh Yên Bái chất vấn về chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo là các cán bộ quản lý giáo dục.
|
Bộ trưởng Luận cho biết những vấn đề đại biểu nêu phản ánh đúng tình trạng thực tế. Đối với các trường đại học, Bộ đã có chủ trương 3 công khai, trong đó, các trường phải công khai về điều kiện cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng giáo viên, trang bị phòng thí nghiệm… Như vậy học sinh có cơ sở tìm hiểu rõ điều kiện nhà trường để lựa chọn.
Việc đưa học sinh đi học nước ngoài trong điều kiện hội nhập là cần thiết và thực tế đã mang lại nhiều thành quả, đổi mới. Theo tinh thần Hội nghị T.Ư 3, Nghị quyết 11, Ban cán sự Đảng của Bộ đã họp quán triệt, triển khai theo tinh thần NQ, phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư huy động lực lượng đội ngũ trong và ngoài nước xây dựng đề án đổi mới GD-ĐT.
Đối với giáo dục vùng cao, tới đây Bộ sẽ có tổng kết đánh giá và có đề xuất giai đoạn tới. Hiện Bộ đã tập trung nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng như Tây Bắc, Tây Nam bộ.
Vấn đề giảm tải liên tục được Bộ theo dõi đánh giá, rà soát bỏ những nội dung trùng lặp, dành thời gian đó để học ngoại khóa, củng cố kiến thức cho các cháu. Việc mở thêm trường cho đến nay đều nằm trong qui hoạch phê duyệt của Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ sẽ chỉ đạo cho dừng tuyển sinh hoặc đóng cửa trường không bảo đảm chất lượng, phấn đấu có nhiều trường tương xứng trong khu vực. Quan điểm không có sự phân biệt giữa công lập và ngoài công lập, tại chức hay chính qui. Tuy nhiên, Bộ cũng phải xem khâu quản lý, chất lượng đào tạo hình thức này và sẽ giảm chỉ tiêu phi chính qui từ 80 xuống 60%, hạ tỷ lệ sinh viên trên giáo viên... để nâng cao chất lượng.
Về dạy thêm, học thêm, lạm thu, Bộ chỉ đạo tăng cường ý thức trách nhiệm, tự trọng nghề nghiệp của đội ngũ quản lý, giáo viên… Đồng thời, cần sự phối hợp, chia sẻ, giám sát của các bậc phụ huynh học sinh đối với vấn đề này.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) về chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo là các cán bộ quản lý giáo dục, Bộ trưởng cho biết: Trong Nghị quyết 35 của QH có ghi thực hiện chính sách ưu tiên về lương phụ cấp cho đội ngũ giáo viên tiếp tục chính sách khuyến khích cho nhà giáo vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, chế độ thâm niên cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Sau này, tại Nghị định 54 thì thành phần cán bộ quản lý giáo dục ở các phòng và các sở GD-ĐT là không có phụ cấp thâm niên, điều này tác động tới tâm tư, nguyện vọng của số đối tượng này.
Về vấn đề này, Bộ đã báo cáo đề xuất với Chính phủ và thành viên Chính phủ. Sau đó, tại kỳ họp thứ 6- QH khóa 12 khi thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục tại khoản 26- Điều 1 ghi nhà giáo được hưởng lương phụ cấp ưu đãi theo nghề và phụ cấp thâm niên cùng các phụ cấp khác theo qui định của Chính phủ.
Theo Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2010 thì không có phụ cấp thâm niên đối với cán bộ quản lý giáo dục. Bộ sẽ tiếp tục trình Chính phủ để giải quyết vấn đề này.
Công khai minh bạch lỗ- lãi
Công tác điều hành quản lý giá xăng dầu, điện, than, dịch vụ công theo cơ chế thị trường; những ảnh hưởng của giá đến doanh nghiệp và đời sống nhân dân, lỗ lãi của các doanh nghiệp… đã được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ vào chiều cùng ngay. Bộ trưởng Huệ quả quyết cần công khai minh bạch vấn đề kinh doanh, lỗ lãi của các tổng công ty.
Về lỗ của EVN (23.500 tỷ đồng), nguyên nhân chính do đơn vị này phải mua điện giá cao của các nhà máy nhiệt điện. Mặt khác, 2 nhà máy điện khí hóa giai đoạn này phải chạy bằng dầu do thiếu khí nên phát sinh thêm khoảng 2.655 tỷ đồng. Việc EVN lỗ nhưng mức lương vãn ở mức cao, bình quân 7,3 triệu đồng/người/tháng được Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng cần có so sánh mức lương, theo đặc thù của ngành do được tính các khoản như: độc hại, nguy hiểm… Và yêu cầu EVN nên có đánh giá xem lại thu nhập của ngành điện trong khi tập đoàn đang bị lỗ.
Về lỗ, lãi của Tổng công ty xăng dầu Petrolimex, do tổng công ty được kinh doanh 5 loại hình nếu tính riêng kinh doanh xăng dầu là lỗ, còn tính chung của Tổng công ty 3 năm qua là lãi.
Về bảo đảm giá điện, Chính phủ chỉ đạo 2012 thống nhất giá thành cơ bản lấy theo giá thành sản xuất năm 2011 không tính tất cả phần lãi, giữ giá than bán cho tập đoàn điện lực. Giá điện sẽ điều chỉnh tăng ở mức rất kiềm chế, riêng các hộ nghèo và thu nhập thấp vẫn giữ nguyên giá thành như hiện nay. Điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tuân thủ theo nguyên tắc thị trường phù hợp giá quốc tế.
Đối với chống chuyển giá, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và sẽ đưa luật quản lý thuế để chống chuyển giá.
Đối với quĩ bình ổn giá, Bộ Công thương đã có đánh giá, 50% điểm bán hàng bình ổn tại các chợ truyền thống bảo đảm cung cầu hàng hóa, giảm nhiệt lạm phát dưới mức hai con số. Tuy nhiên, quĩ mới chỉ hỗ trợ khâu bán hàng, chưa tổ chức được nhiều ở vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã làm rõ thêm các biện pháp tăng thu, chống thất thu và giảm bội chi ngân sách, nợ công, đảm bảo an ninh tài chính. Nợ công đang ở mức an toàn do chủ yếu vay ODA và ưu đãi là chính trong chiến lược nợ công đã được tính toán hết, giữ không vượt quá 65% GDP vào 2015. Với giá bất động sản chỉ áp dụng hai hình thức đấu giá và chỉ định, về nguyên tắc đều theo thị trường lấy phương pháp đấu giá là chính.
Tiếp phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời các giải pháp tái cơ cấu và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra các ngân hàng; biện pháp xử lý tổ chức tín dụng, cán bộ nhân viên các ngân hàng vi phạm; giải pháp chống lạm phát.
Huy Văn
Các tin khác
Cuối buổi họp Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ bắt đầu phiên chất vấn với việc nhận hàng loạt câu hỏi về giá xăng dầu, giá điện.
YBĐT - Chiều 23/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn của đại biểu xung quanh vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Sáng nay, 23/11, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII bắt đầu phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi đối với thành viên Chính phủ về các nhóm vấn đề cử tri, dư luận xã hội quan tâm…
Nhân dịp kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, chiều 22/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các doanh nhân là đại biểu Quốc hội khóa XIII.