Đảm bảo nông dân có lãi ít nhất 30% tổng suất đầu tư
- Cập nhật: Thứ tư, 23/11/2011 | 4:53:29 PM
YBĐT - Chiều 23/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn của đại biểu xung quanh vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến khích phát triển vụ 3 (Ảnh minh họa)
|
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vấn đề bảo vệ đất lúa là vấn đề lớn, diện tích lúa giảm do tự nhiên biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cũng do yếu tố con người gây lên… Ngành đã có nghiên cứu đánh giá sự tác động này và có chính sách hỗ trợ cho địa phương, nông dân chuyên trồng lúa để phát triển ổn định diện tích sản xuất lúa; xây dựng kè tại các khu vực xung yếu bảo vệ vùng sản xuất lúa nhằm giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu bảo đảm mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2020.
Bộ đã có giải pháp điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ, khuyến khích phát triển vụ 3... đây là chủ trương lâu dài. Nhưng, Bộ cũng khuyến cáo bà con nơi nào không có bờ bao thì chưa nên làm vụ ba, tránh rủi ro cao.
Trên thực tế, không còn giống lúa truyền thống và hàng năm đều có các giống lúa mới được làm ra nhưng cung ứng không theo kịp nhu cầu nông dân, bà con vẫn phải mua giống lúa ngoài thị trường không bảo đảm tiêu chuẩn, ảnh hưởng năng suất, chất lượng cây trồng.
Bộ có chủ trương xã hội hóa để nông dân tự nhân giống lúa, đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường. Vấn đề sản phẩm nông dân làm ra thường bị tư thương ép giá vì hệ thống phân phối chưa mua tận gốc, bán tận ngọn. Bộ trưởng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nên khó tránh khỏi tình trạng này.
Bộ đã phối hợp với Hiệp hội Lương thực, trong đó có 2 Tổng công ty lớn có kế hoạch bảo đảm thu mua kịp thời nông sản và lúa gạo, can thiệp thông qua cơ chế chính sách và sự quản lý của nhà nước về cung cấp giống, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nông dân sản xuất có lãi ít nhất 30% tổng suất đầu tư.
Trước tình hình nông sản nhập khẩu nhiều thời gian qua, Bộ đã có giải pháp bảo hộ phù hợp với cam kết của ta WTO và theo thông lệ quốc tế; Ban hành Thông tư gửi các nước xuất khẩu hàng vào Việt Nam phải có thông báo chất lượng, đặc tính hàng hóa, trên cơ sở đó Bộ chỉ đạo kiểm soát đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, Bộ có kế hoạch điều chỉnh gần 1.000 tiêu chuẩn đối với hàng hóa nông sản thực phẩm trong nước, chỉ đạo nghiên cứu từng bước áp dụng tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm nông sản thực phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập.
* Phiên chất vấn đầu tiên trong ngày 23/11, vấn đề giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông (GT), xử lý vi phạm an toàn GT; tình trạng xuống cấp nhanh của các công trình giao thông... đã được đặt ra và được làm rõ.
Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn. Với những vấn đề các đại biểu nêu Bộ trưởng cho rằng, cần có thời gian nhất định để nắm bắt công việc, cũng như đề ra giải pháp hành động làm sao để GTVT phát triển, giao thông phải đi trước một bước.
Bộ đã có báo cáo gửi Chính phủ nhằm tăng cường giải pháp chống ùn tắc, tai nạn giao thông. Theo đó, giải pháp là đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, đột phá trong 10 năm tới, mấu chốt là nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.
Ngoài nguyên nhân ùn tắc, tai nạn do cơ sở hạ tầng hạn chế thì nguyên nhân quan trọng nhất đó là quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến người tham gia giao thông ý thức kém, coi thường luật. Nên giải pháp trước hết vẫn là tăng cường công tác tuyền truyền giáo dục ý thức pháp luật. Làm tốt vấn đề này thì việc tham gia giao thông sẽ tốt.
Các ngành, địa phương cũng phải coi đây là nhiệm vụ thì mới giúp giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông. Bộ sẽ chủ động phối hợp tích cực với các địa phương thực hiện các giải pháp xử lý ùn tắc, tai nạn giao thông trước mắt và lâu dài.
Trước hết, lấy năm 2012 là năm ATGT, tổ chức lại giao thông, phân luồng, làn, nâng cao phương tiện vận tải công cộng, giải phóng vỉa hè, đặc biệt tăng cường chế tài xử phạt mạnh, nhất là đối với lái xe người tham gia GT uống rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép.
Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra kiểm soát lại hệ thống cấp bằng, thống nhất quản lý chung giữa ngành công an và ngành giao thông, có đề xuất để xử lý cả chủ phương tiện và người lái xe để xảy ra vi phạm, đình chỉ hoặc giải tán các cơ sở cấp phép lái xe vi phạm nghiêm trọng.
Giải pháp cấp thiết là cùng các địa phương tổ chức lại giao thông, hạn chế các điểm đen về an toàn giao thông, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện tham gia giao thông bằng cả công nghệ kỹ thuật mới hiện đại, phấn đấu mỗi năm giảm từ 5-10% tai nạn giao thông. Vấn đề xuống cấp công trình giao thông do nhiều nguyên nhân do chất lượng thi công, xe quá tải, do nhà thầu yếu kém, thất thoát trong quản lý… Tới đây, Bộ sẽ phối hợp xem xét lại luật đấu thầu bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn.
Các Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tham gia chất vấn giải quyết những vấn đề liên quan về vốn đầu tư, qui hoạch cho giao thông, việc xử lý vi phạm an toàn giao thông thuộc trách nhiệm của từng bộ.
Huy Văn (Từ Hà Nội)
Các tin khác
Sáng nay, 23/11, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII bắt đầu phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi đối với thành viên Chính phủ về các nhóm vấn đề cử tri, dư luận xã hội quan tâm…
Nhân dịp kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, chiều 22/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các doanh nhân là đại biểu Quốc hội khóa XIII.
YBĐT - Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nhiều đại biểu tranh luận về các nội dung trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), đặc biệt là quy định về tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, chế độ thai sản...
YBĐT - Sáng 21/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến thảo luận về Dự án Luật Giám định Tư pháp (GĐTP) tại hội trường.