Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ

40 năm một chặng đường vẻ vang

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2011 | 9:18:08 AM

YBĐT - Bốn mươi năm, Đảng bộ thị xã đã qua 12 kỳ đại hội, vượt nhiều gian nan và thử thách, đưa Nghĩa Lộ từ một vùng quê nghèo trở thành một thị xã - trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ khu vực phía tây của tỉnh Yên Bái. >>Mũi nhọn trong phát triển kinh tế / Nghĩa Lộ phố

Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ thăm và kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp tư nhân Liên Thức, xã Nghĩa Phúc.
Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ thăm và kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp tư nhân Liên Thức, xã Nghĩa Phúc.

Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 10/12/1971, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) được thành lập. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị xã Nghĩa Lộ.

Ngược dòng lịch sử từ thuở Hùng Vương dựng nước, Nghĩa Lộ là một trong những địa bàn cư trú quan trọng của cư dân Lạc Việt, vùng đất nằm trong lãnh thổ của Nhà nước Văn Lang. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thị xã có tên phố Nghĩa Lộ. Sau năm 1952, phố Nghĩa Lộ đổi tên là thị trấn Nghĩa Lộ, trực thuộc châu Văn Chấn. Do yêu cầu phát triển của khu vực Tây Bắc, năm 1962, tỉnh Nghĩa Lộ ra đời. Thị trấn Nghĩa Lộ lúc này thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nghĩa Lộ, Huyện ủy Văn Chấn, Chi bộ thị trấn Nghĩa Lộ đã tập trung lãnh đạo xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, mở mang thương nghiệp, giao thông - vận tải; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và góp phần cùng cả tỉnh, cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam. Chi bộ thị trấn Nghĩa Lộ không ngừng được củng cố, trưởng thành, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo tiền đề vững chắc cho sự ra đời của Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 10/12/1971, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ chính thức thành lập do đồng chí Trần Văn Thăng làm Bí thư. Ngay từ những ngày đầu thành lập, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, Thị ủy lâm thời đã chủ động đề ra những biện pháp kịp thời nhằm duy trì sản xuất, giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân, sẵn sàng chiến đấu.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã, công tác phòng không, sơ tán, phân tán, chiến đấu và phục vụ chiến đấu được tổ chức có hiệu quả. Quân và dân Nghĩa Lộ đã liên tục giáng trả những đòn đích đáng, đập tan chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược; tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh  phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Do yêu cầu tổ chức lại sản xuất, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và tập trung xây dựng cấp huyện gắn với định canh, định cư, vùng kinh tế mới để có nền sản xuất phát triển toàn diện, ngày 4/3/1978, Hội đồng Chính phủ quyết định hợp nhất thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn thành một đơn vị hành chính lấy tên là huyện Văn Chấn.

Thị xã Nghĩa Lộ chuyển thành thị trấn Nghĩa Lộ thuộc huyện Văn Chấn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị trấn Nghĩa Lộ, nhân dân các dân tộc địa phương ra sức thực hiện công cuộc khôi phục và xây dựng kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển văn hóa - xã hội. Nhiều năm liền, thị trấn Nghĩa Lộ là đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua của huyện Văn Chấn.

Năm 1995, thị  xã  Nghĩa  Lộ  được  tái  lập gồm bốn phường: Trung Tâm, Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An. Ngày 24/12/2003, Chính phủ ra Nghị quyết số 167/2003/NĐ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính của thị xã Nghĩa Lộ, sáp nhập thêm 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc thuộc huyện Văn Chấn vào thị xã Nghĩa Lộ. Đảng bộ thị xã nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển quê hương. Chỉ sau một năm tái lập, thị xã Nghĩa Lộ đã có bước phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ thị xã đã giành nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong 15 năm (1995 - 2010) kể từ ngày thị xã được tái lập:
Kinh tế phát triển ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 11,1 triệu đồng, tăng 6,5 lần so với năm 1995. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực.

Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao 55,2%. Số lượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ ngày một tăng, cung ứng dịch vụ cho cả khu vực. Trung tâm thương mại chợ Mường Lò được đầu tư mở rộng, đa dạng hóa các ngành hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các lĩnh vực thương mại - dịch vụ do Nhà nước quản lý tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông và cung ứng dịch vụ thiết yếu. Giao thông - vận tải, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, điện, nước, y tế, giáo dục… có bước phát triển khá về quy mô, chất lượng. Dịch vụ du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc có bước khởi sắc.

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2010 đạt 46 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 1995.

Sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản có bước tiến bộ trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị thu nhập; khuyến khích tạo sản phẩm hàng hóa, thu nhập bình quân trên 1ha canh tác đạt 85,25 triệu đồng, tăng 4,1 lần so với năm 1995; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2010 ước đạt 9.150 tấn, tăng gấp 3,3 lần so với năm 1995.

Kinh tế nông nghiệp phát triển gắn liền với xây dựng nông thôn mới.  Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện các chính sách xã hội. Số hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm xuống còn 7,26%.

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, tạo điều kiện cho văn hóa - xã hội phát triển. Số đơn vị trường học tăng gấp 2 lần so với năm 1995, có 8/21 trường của thị xã đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ huy động học sinh ở các ngành học, bậc học đạt cao, thị xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và đang phấn đấu đạt chuẩn phổ cập bậc trung học phổ thông. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt, số học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều.

Sự nghiệp y tế có nhiều tiến bộ, 6/7 xã, phường đạt chuẩn y tế quốc gia. Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, làm tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc khu vực phía tây của tỉnh. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng thị xã văn hóa được triển khai sâu rộng.

Năm 2010, tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa chiếm 85%, tỷ lệ cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hóa là 97%, tỷ lệ tổ dân phố, thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa cấp thị xã chiếm 70%. Cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa, thể thao được tăng cường đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh. Những năm gần đây, thị xã tập trung tu bổ, tôn tạo một số khu di tích lịch sử, văn hóa như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử Căng - Đồn Nghĩa Lộ… Truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Thái được chú trọng bảo tồn và phát triển.

Ban Thường vụ Thị ủy Nghĩa Lộ họp triển khai chỉ đạo việc xây dựng nông thôn mới.

Công tác dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm, có bước đổi mới. Đồng bào các dân tộc thiểu số được tôn trọng, bình đẳng, cùng phát triển, các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hộ nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống của đồng bào từng bước nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, không có điểm nóng cũng như các vụ việc phức tạp, bức xúc xảy ra. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tăng cường. Lực lượng vũ trang thực hiện tốt nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bão lũ và cháy rừng.

Xác định xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên được Đảng bộ thị xã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, chính trị được chú trọng. Năm 2010, số tổ chức cơ sở Đảng xếp loại trong sạch, vững mạnh trở lên chiếm 70,2%, đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ trở lên chiếm 99,8%, Hàng năm, Đảng bộ thị xã đều được công nhận đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Bộ máy chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ cấp thị xã đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, nâng cao một bước năng lực, hiệu quả hoạt động.

Năm 2011, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục thu nhiều thắng lợi, dự báo nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong 10 tháng của năm, ngành thương mại - dịch vụ đạt 83,4%; tổng thu ngân sách đạt 79,8% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 13 triệu đồng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của các đoàn thể ngày càng hiệu quả. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều đăng ký công trình, phần việc chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ.

- Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho cán bộ, nhân dân các dân tộc thị xã.
- Thị xã đã hai lần được nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc của Chính phủ.
- Đảng bộ thị xã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng cờ thi đua Đảng bộ trong sạch, vững mạnh xuất sắc giai đoạn 2001 - 2005.
- Năm 2011, Nghĩa Lộ có 30 bí thư chi bộ tiêu biểu được Đảng bộ tỉnh tuyên dương.
- Kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng bộ thị xã, Đảng bộ thị xã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì.

Bốn mươi năm, Đảng bộ thị xã đã qua 12 kỳ đại hội, vượt nhiều gian nan và thử thách, đưa Nghĩa Lộ từ một vùng quê nghèo trở thành một thị xã - trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ khu vực phía tây của tỉnh Yên Bái. Sự phát triển về mọi mặt của thị xã gắn liền với vai trò lãnh đạo và sự lớn mạnh của Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ. Đảng bộ thị xã đến nay đã phát triển, lớn mạnh với 1.826 đảng viên thuộc 47 tổ chức cơ sở Đảng, luôn phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt trong mọi lĩnh vực. Nghĩa Lộ từ một thị trấn miền núi nghèo nàn lạc hậu, nay đã trở thành đô thị loại IV, mang dáng vẻ hiện đại mà vẫn không mất đi bản sắc của đất và người vùng lòng chảo Mường Lò - vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc Tổ quốc. Nghĩa Lộ đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Tự hào về một chặng đường vẻ vang đã qua, rút ra những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục phát huy truyền thống, khắc phục tồn tại, yếu kém, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước, đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm.

Một là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Thị xã phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2012 đạt 14,5 triệu đồng, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trong đó, kinh tế thương mại - dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao 18,5%/năm, tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm 58%.

Nghĩa Lộ đẩy mạnh công tác quy hoạch, tăng cường huy động nội lực, thu hút đầu tư mở rộng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, đưa giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đất hai vụ lúa lên 90 triệu đồng/năm. Đồng thời huy động tốt các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị, chú trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hai là: Phát triển văn hóa - xã hội theo hướng bền vững, chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo theo hướng đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, duy trì và giữ vững chất lượng phổ cập tiểu học, phổ cập trung học cơ sở, chú trọng dạy nghề, nâng cao chất lượng các trường chuẩn quốc gia, từng bước thực hiện mục tiêu phổ cập trung học phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của đô thị.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục thể thao gắn với thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng tổ dân phố, thôn, bản, xã phường, cơ quan, đơn vị văn hóa, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa.

Thị xã quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng 100% xã, phường đạt chuẩn y tế quốc gia và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, khuyến khích nhân dân năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng, thực hiện tốt các chính sách xã hội; bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội.

Ba là: Tiếp tục tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, toàn diện, đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ thị xã, không ngừng nâng cao chất lượng và sức mạnh của lực lượng vũ trang.

Bốn là: Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; tập trung đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước.

Tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… nhằm xây dựng Đảng bộ thị xã và cả hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa, xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hóa phát triển của khu vực phía tây tỉnh Yên Bái.

Nguyễn Hữu Hiền - Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ

Các tin khác
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp Ngài Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu.

Tiếp tục chương trình thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Nghị viện châu Âu (EP), ngày 7/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp và làm việc với Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (Chủ tịch thường trực EU) Herman Van Rompuy.

Việc thực hiện kế hoạch tự học tập, tự bồi dưỡng được lấy làm cơ sở xét thi đua, tuyển dụng, đề bạt.

YBĐT - Qua hơn một năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và kiện toàn tổ chức bộ máy sau bầu cử HĐND, hệ thống chính trị ở huyện Yên Bình (Yên Bái) đã hoạt động ổn định, từng bước phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

YBĐT - Ngày 7/12/2011, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện các văn bản pháp luật về xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

YBĐT - Ngày 6/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị lần thứ 7 (mở rộng) nhằm đánh giá kết quả tình hình KT - XH năm 2011 và triển khai kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục