Thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 1/5/2012 | 9:22:22 AM
YBĐT - Những năm qua, việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2011 và các chương trình giảm nghèo ở Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Giai đoạn 2006 - 2011, toàn tỉnh đã tổ chức được 12.240 lớp tập huấn cho 515.240 lượt hộ nghèo tham gia.
|
Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 34,71% (theo tiêu chí cũ) năm 2006 xuống còn 32,53% (theo tiêu chí mới) cuối năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Nghị Quyết số 08/2006/NQ-HĐND đề ra mỗi năm giảm 4% hộ nghèo.
Kết quả và thực trạng
Theo báo cáo giảm nghèo của tỉnh trong gia đoạn 2006 - 2011, tổng nguồn lực để triển khai các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 4.374,425 tỷ đồng, đạt 127,7% kế hoạch huy động vốn, trong đó, vốn tín dụng ưu đãi đạt trên 1.658,9 tỷ đồng.
Yên Bái đã có 74.480 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Các chính sách triển khai thực hiện thực hiện đạt 100% kế hoạch, như: cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí 1.922.173 lượt đối tượng; cứu trợ đột xuất, trong đó cứu đói giáp hạt trong dịp tết Nguyên đán 9.669 tấn gạo, cứu trợ 963 hộ gia đình bị bão lũ, sạt lở đất, di dời chỗ ở do thiên tai... |
Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại 50 xã nghèo ngoài Chương trình 135 bao gồm: trường học, trạm xá, nước sạch, thủy lợi... được tăng cường xây dựng mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn một số khó khăn hạn chế. Cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, số hộ cận nghèo còn chiếm 5,68% so với tổng số hộ toàn tỉnh, Chương trình 30a đối với hai huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải, nguồn vốn đầu tư thấp so với đề án đã được phê duyệt, mới chỉ dừng ở mức thấp là 20 - 25 tỷ/năm, đạt khoảng 13%, chuẩn nghèo chậm được điều chỉnh so với chỉ số tăng của giá tiêu dùng, sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là những huyện, xã vùng sâu, vùng xa tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh cho biết: Suy giảm kinh tế toàn cầu tác động rất lớn đến sự nỗ lực của chương trình giảm nghèo. Bên cạnh đó, các chương trình giảm ngèo triển khai có những bất cập, nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo còn chồng chéo, chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ và lồng ghép vào mục tiêu giảm nghèo, chưa gắn kết việc thực hiện chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội và phát triển nông thôn mới.
"Việc chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở một số huyện, xã chưa quyết liệt, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền hạn chế, một bộ phận người dân và cán bộ cơ sở vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Có thể thấy rằng, tồn tại trên chính là khó khăn không nhỏ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình giảm nghèo cũng như hướng thoát nghèo bền vững trên địa bàn” - ông Vượng nhấn mạnh.
Giải pháp giảm nghèo
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, riêng năm 2012 giảm tỷ lệ hộ nghèo 3% thực hiện theo Nghị quyết số 28/2011/NQ-HĐND và phấn đấu đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn 17,53%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 4,5%.
Nhìn tổng thể, qua công tác điều tra cho thấy, theo chuẩn nghèo mới thì toàn tỉnh có 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là: huyện Mù Cang Chải: 80,40%, Trạm Tấu: 77,30%. Chính vì vậy, để tìm giải pháp cho công tác giảm nghèo bền vững, Ban chỉ đạo tỉnh đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác giảm nghèo giai đoạn 2012 - 2015.
Trong đó khẳng định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với công tác giảm nghèo; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu giảm nghèo; huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài thông qua các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh; tiếp tục dành ngân sách của tỉnh đầu tư cho công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo về giáo dục, y tế, đào tạo nghề, hỗ trợ về vốn và tạo việc làm cho người nghèo, giúp người nghèo, xã nghèo có đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2012 - 2015 tỉnh Yên Bái phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo, hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn dưới 17,53% (theo tiêu chí mới), góp phần cải thiện điều kiện sống của người nghèo, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, hạn chế tái nghèo... tạo sự chuyển biến nhanh về kinh tế - xã hội ở các vùng nghèo trong tỉnh.
Minh Tuấn
Các tin khác
Sáng 30-4, tại Khu Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ Thượng cờ nhân kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 - 1-5-2012).
Ngày 29/4, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 37 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2012) và 126 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2012).
YBĐT - Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội tỉnh đi giám sát các huyện Lục Yên, Yên Bình và Trấn Yên/ Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975- 30/4/2012), 126 năm Ngày Quốc tế lao động 1/5 ... và một số thông tin khác.
“Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao là vấn đề đã được luật hóa, đề nghị sớm triển khai. Nhưng cần xem xét lại đối tượng, chỉ nên bỏ phiếu với chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên” - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.