Những người thông ý Đảng, tỏ lòng dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2012 | 2:49:41 PM

YBĐT - Những kết quả đạt được của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có một phần đóng góp của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín ở địa phương.

Ông Giàng A Thào - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu và ông Giàng A Sinh - già làng thôn Tà Ghênh, xã Xà Hồ thăm một lớp học mầm non.
Ông Giàng A Thào - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu và ông Giàng A Sinh - già làng thôn Tà Ghênh, xã Xà Hồ thăm một lớp học mầm non.

Chúng tôi đến xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) vào những ngày cuối tháng 4. Từ trung tâm xã tới thôn Tấu Giữa dài hơn 3km, hai bên đường trước đây là những nương sắn cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp hay những thửa ruộng bậc thang trơ gốc rạ thì nay đã được thay bằng những nương lúa, nương ngô trải dài.

Gặp anh Vàng A Chu ở ngay nương ngô, anh hồ hởi: "Đây là diện tích mà trước đây gia đình mình chủ yếu trồng sắn, mất rất nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp.

Nhờ có già làng Mùa A Sùng tuyên truyền, vận động, nói về hiệu quả chuyển đổi những cây có giá trị kinh tế cao nên mình đã chuyển tất cả diện tích trồng sắn sang trồng ngô. Với diện tích ngô này, vụ trước, gia đình thu 12 triệu đồng nên đã mua được xe máy, ti vi lại có tiền mua đủ sách vở, quần áo cho con đi học”.

Không chỉ riêng gia đình anh Chu, trong một năm qua, trên địa bàn xã Trạm Tấu đã chuyển đổi hơn 100ha trồng sắn sang trồng ngô. Nếu như năm trước, diện tích ruộng của địa phương chủ yếu trồng 1 vụ thì đến nay, tất cả 95ha ruộng đã chuyển đổi trồng lúa 2 vụ.

Kinh tế phát triển tạo tiền đề cho văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến.  Trạm Tấu là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Trạm Tấu triển khai hiệu quả quy ước, hương ước thôn, bản, đặc biệt phải nói đến việc thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hoá như người chết cho vào quan tài, tổ chức đám cưới theo nếp sống mới.

Đây là những việc chưa từng có trong đời sống của người Mông nơi đây nhưng nhờ có những già làng, trưởng bản như già Sùng, già Páo nên những hủ tục đã dần được xóa bỏ. Đồng chí Thào A Chú - Phó bí thư Đảng uỷ xã Trạm Tấu khẳng định, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thì vai trò đóng góp của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín là rất lớn.

Người Mông xã Trạm Tấu đã biết sử dụng máy tẽ ngô để giải phóng sức lao động.

Huyện Trạm Tấu có trên 77% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, sống không tập trung, nhiều hủ tục vẫn tồn tại. Để triển khai hiệu quả các nghị quyết của tỉnh, của huyện, Trạm Tấu đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước như tăng cường cán bộ lãnh đạo các ban, ngành của huyện phụ trách các xã, thị trấn; vận động các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở các thôn, bản.  

Ông Lò Văn Phong - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Trạm Tấu cho biết: "Huyện Trạm Tấu có đông đồng bào Mông nhưng sinh sống không tập trung. Mỗi thôn, bản người Mông thường có một họ chung sống như họ Hờ ở thôn Đề Chơ, xã Làng Nhì; họ Thào ở thôn Suối Giao, họ Mùa ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ và mỗi thôn, bản đều có một già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để địa phương phát huy hiệu quả, vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tại các thôn, bản".

Những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Trạm Tấu đã có những bước chuyển biến đáng kể. Nếu như diện tích trồng ngô xuân năm 2011, toàn huyện chỉ có hơn 1.600ha thì năm nay đã tăng lên 2.530ha; tổng diện tích lúa nương năm 2011 là hơn 700ha thì năm nay đã chuyển đổi hầu hết sang trồng ngô. Không chỉ triển khai chuyển đổi diện tích mà những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao đã dần thay thế các giống cây trồng địa phương, góp phần tích cực chuyển đổi việc sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, đến nay, Trạm Tấu đã thực hiện thành công việc vận động cho người qua đời vào quan tài trước khi đem chôn - đây thực sự là một thay đổi rất đáng ghi nhận của đồng bào Mông. Ông Trần Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Công cho biết: "Những năm học trước, việc huy động học sinh chuyên cần của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là học sinh trung học cơ sở.

Cùng với nỗ lực của ngành giáo dục và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường đã thường xuyên phối hợp với các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín ở các thôn, bản tích cực tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp. Năm học 2010 - 2011, tỷ lệ huy động học sinh chuyên cần của nhà trường chỉ đạt 85% thì năm học này đã đạt trên 92%”.

Những kết quả đạt được của huyện Trạm Tấu có một phần đóng góp của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín ở địa phương. Nơi vùng cao này sẽ ngày càng đổi thay bởi có sự chung tay góp sức của những già làng thông ý Đảng, tỏ lòng dân.

Lộc Chầm

Các tin khác

YBĐT - Ngày 8/5, Tổng cục Thi hành án dân sự, đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2012 đối với các Chi cục Thi hành án trong cả nước (ảnh).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đoàn Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO).

Ngày 7/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO) do Giáo sư, Tiến sĩ Park Kwang Joo, dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

YBĐT - Ngày 7/5, tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về “Tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cho các tỉnh miền núi phía bắc” (ảnh).

Hội nghị cũng sẽ thảo luận, xem xét ra Nghị quyết chuyên đề về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục