Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính: Đề xuất tăng mức phạt tiền
- Cập nhật: Thứ tư, 30/5/2012 | 8:23:35 AM
Chiều 30-5, trong phiên làm việc được truyền hình và phát thanh trực tiếp, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre) phát biểu thảo luận về Luật phổ biến giáo dục pháp luật.
|
Tiếp đó thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Tăng mức phạt tiền cao nhất 2 tỉ đồng
Nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính là tăng mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính so với trước đây. Cụ thể là từ 50.000 đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân và đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức (pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 10.000 đồng - 500 triệu đồng).
Dự thảo luật cũng bổ sung một số hình thức xử phạt mới như: đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, buộc học tập các quy định của pháp luật có liên quan đến hành vi vi phạm, bắt buộc chữa bệnh và một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra (buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm).
Trải qua nhiều lần chỉnh sửa và tiếp thu, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua dự thảo luật xử lý vi phạm hành chính ngay tại kỳ họp lần này.
Sáng nay, Quốc hội nghe các báo cáo về dự án Luật xuất bản (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quảng cáo. Dự kiến ngày 21-6 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quảng cáo.
Về quảng cáo trên báo in, dự thảo luật quy định diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo; hoặc vượt quá 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí (trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo); phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác. Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại quy định trên theo hướng tạo điều kiện hơn nữa cho quảng cáo trên báo in, vì đây là nguồn thu chính đáng và quan trọng đối với các cơ quan báo chí.
Tăng cường phổ biến pháp luật
Trong ngày làm việc hôm qua (29-5), tại phiên thảo luận về Luật phổ biến giáo dục pháp luật, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng việc luật quy định cần tăng cường phổ biến pháp luật cho những đối tượng như người khuyết tật, người bị bạo hành gia đình là rất cần thiết, giúp họ có đủ hiểu biết pháp luật để bảo vệ mình.
Tuy nhiên, cũng cần phải phổ biến pháp luật cho những đối tượng là người gây ra bạo hành gia đình và phổ biến những quy định bảo vệ người khuyết tật cho cả xã hội. Theo ông Châu, luật chưa quy định việc này là chưa đầy đủ.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) đề nghị có quy định về yêu cầu được đáp ứng kiến thức, các quy định pháp luật của công dân. Bởi trong dự thảo chưa thấy đề cập khi công dân có nhu cầu được tiếp cận một văn bản pháp luật nào đó thì nơi nào sẽ có trách nhiệm cung cấp cho họ.
Về quy định của tuyên truyền viên pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng không nên quy định phải có bằng đại học luật và có thâm niên hoạt động pháp luật. Vì như vậy sẽ không đủ nhân lực để đáp ứng, nhất là với các tỉnh miền núi, vùng xa. Một số người không có bằng đại học luật nhưng có thực tiễn hoạt động pháp luật, có khả năng tuyên truyền tốt. Vì vậy nên có quy định “mềm” trong quy định này.
Công an tỉnh, thành sẽ không còn phòng giám định pháp y?
Sáng qua, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giám định tư pháp. Hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh. Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với tờ trình và dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó tổ chức giám định pháp y gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thuộc ngành y tế); Viện Pháp y quân đội Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Như vậy, riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn giám định viên pháp y tại phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh, tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế để đảm bảo tính khách quan, chuyên nghiệp.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cho giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người).
(Theo TTO)
Các tin khác
Chiều 29/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Tổng thống Cộng hòa Áo Heinz Fischer đang ở thăm chính thức Việt Nam.
Chiều 29-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ðại tướng Si-ghê-rư I-oa-xa-ki, Tham mưu trưởng liên quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang thăm và làm việc tại nước ta.
YBĐT - Hưởng ứng tháng hàng động vì trẻ em năm 2012 và kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, ngày 29/5, đồng chí Ngô Thị Chinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi thăm và tặng quà Làng trẻ SOS thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Một trong những nội dung của đề án Đổi mới hoạt động Quốc hội là hàng năm, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhưng, câu hỏi mà đại biểu đặt ra là: bỏ phiếu tín nhiệm xong thì làm gì?