Bộ Tài chính trả lời ý kiến về kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII
- Cập nhật: Thứ hai, 3/9/2012 | 9:19:29 AM
YBĐT - Tại Công văn số 3545/BTC-QLG ngày 16/3/2012 và Công văn số 3393/BTC-NSNN ngày 13/3/2012 Bộ Tài chính đã trả lời cụ thể các ý kiến cử tri Yên Bái quan tâm về vấn đề kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả trên thị trường và cân đối phân bổ ngân sách địa phương.
Huấn luyện dân quân tự vệ ở xã Bản mù (Trạm Tấu).
(Ảnh: H.N)
|
Cử tri Yên Bái kiến nghị:
1. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có những giải pháp hữu hiệu hơn, quyết liệt hơn trong công tác kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả trên thị trường; ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường giá cả; tăng cường quản lý, điều hành giá cả một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, điện, nước, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, giá vàng… nhằm đảm bảo bình ổn giá, phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Trả lời: (Tại Công văn số 3545/BTC-QLG ngày 16/3/2012)
1. Hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước chỉ còn quy định giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền; sản phẩm, dịch vụ công ích; còn lại đối với đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ của nền kinh tế (trong đó có mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp) và kể cả giá vàng đều áp dụng cơ chế giá do thị trường quyết định.
Nhà nước thực hiện việc điều tiết và bình ổn giá cả thị trường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung - cầu; chính sách tài khoá, tiền tệ... để gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường.
Đối với các mặt hàng mang tính độc quyền và thiết yếu đối với đời sống như xăng dầu, điện, nước thì Nhà nước thực hiện biện pháp kiểm soát giá trực tiếp, hiện đang có những lộ trình thích hợp để xoá bao cấp qua giá. Đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, ngoài các biện pháp điều tiết vĩ mô, Nhà nước còn áp dụng biện pháp kê khai giá, niêm yết giá hoặc điều tiết thông qua các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Thời gian qua, giá cả thị trường và lạm phát của nước ta có xu hướng tăng cao do các nguyên nhân sâu xa và tiềm ẩn xuất phát từ những yếu kém vốn có của nền kinh tế dồn tích lại từ nhiều năm chưa được khắc phục có hiệu quả như: khả năng cạnh tranh của nền kinh tế yếu, chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp; cơ cấu đầu tư kém hiệu quả; chính sách nới lỏng tài khoá, tiền tệ trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế đã làm cho tổng cầu của nền kinh tế lớn hơn tổng cung, gây sức ép lạm phát.
Bên cạnh đó, trong điều kiện nước ta đã hội nhập khá sâu rộng với kinh tế thế giới nên cũng bị tác động mạnh từ những diễn biến của tình hình kinh tế địa chính trị thế giới như: lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề nợ công, tăng trưởng kinh tế chậm lại; giá hàng hóa, giá dầu mỏ và giá một số nguyên vật liệu chủ yếu trên thị trường thế giới tăng cao...
Ngoài ra, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, điều chỉnh giá điện, xăng dầu; tỷ giá, học phí theo lộ trình; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho nông nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn cung và giá lương thực, thực phẩm... đã gây sức ép lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
2. Để bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát nói chung, trong năm 2011, Quốc hội, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội, Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9/1/2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ nhằm tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo nêu trên, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo điều hành các Bộ, ngành; các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp về tài khoá, tiền tệ, xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm an sinh xã hội... đã đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011.
Vì vậy, lạm phát năm 2011 tuy vẫn ở mức cao nhưng đã giảm dần tốc độ tăng kể từ tháng 5/2011 và đã có 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 8/2011 đến tháng 12/2011 tăng dưới 1%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2/2012 (là thời gian có Tết Nguyên Đán) cũng chỉ tăng 1% và 1,37% tương ứng, là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước (*).
Điều này cho thấy, chủ trương của Quốc hội, của Đảng và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thông qua Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 đã đi đúng hướng và đã mang lại hiệu quả bước đầu tích cực.
Trong lĩnh vực quản lý, điều hành giá, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá phù hợp với cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, theo đó: giá điện và giá xăng dầu trong những tháng đầu năm 2011 được xem xét điều chỉnh tăng ở mức có kiềm chế, tránh tác động mạnh đến mặt bằng giá chung. Sau đó, giá điện được giữ ổn định đến cuối năm; giá xăng dầu có 2 lần giảm giá (tháng 8 và tháng 10/2011) và tiếp tục được giữ ổn định cho đến nay (trong khi giá thế giới thường biến động theo xu hướng tăng) thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đối với các mặt hàng khác (trong đó có mặt hàng nước sạch, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp), Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá thông qua việc kiểm soát chặt chẽ phương án giá, đăng ký giá, kê khai giá của doanh nghiệp để loại trừ các chi phí bất hợp lý.
Kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với biến động tăng của các yếu tố đầu vào. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về giá, thuế, về quản lý thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, thao túng giá cả...
Năm 2012, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với những thách thức và có nhiều dấu hiệu bất lợi: kinh tế thế giới thiếu ổn định do một số nền kinh tế lớn gặp rủi ro và có xu hướng suy thoái; lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại do tác động từ nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước.
Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, trong đó xác định năm 2012 tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo bốn nhóm giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đó là:
- Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt (kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15% - 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14% - 16%, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô).
- Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, hiệu quả (tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2012 xuống dưới 4,8% GDP).
- Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước.
- Khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ khác để gián tiếp tác động nhằm kiềm chế lạm phát bình ổn giá cả thị trường như: thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh; đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ; phòng chống thiên tai… Căn cứ Nghị quyết trên, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sẽ ban hành Chương trình hành động cụ thể để chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết.
2. Trên thực tế, nhiều luật đã được Quốc hội thông qua và đã có nghị định hướng dẫn thi hành song nguồn kinh phí chưa kịp đáp ứng (Luật Dân quân tự vệ). Đề nghị Chính phủ xem xét và cân đối phân bổ ngân sách để các địa phương có kinh phí thực hiện, tránh gây vấn đề bức xúc trong dân.
Trả lời: (Tại Công văn số 3393/BTC-NSNN ngày 13/3/2012)
Luật Dân quân tự vệ (số 43/2009/QH12) đã được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Ngày 1/6/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ. Theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP, nguồn kinh phí thực hiện Luật Dân quân tự vệ do ngân sách Nhà nước gồm ngân sách Trung ương, ngân sách các cấp chính quyền địa phương đảm bảo.
Căn cứ vào quy mô, chế độ trang phục cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ kinh phí tăng thêm để mua trang phục theo Luật Dân quân tự vệ trong 2 năm 2011 - 2012 cho các địa phương.
Đối với tỉnh Yên Bái, mức hỗ trợ mua trang phục trong 2 năm 2011 - 2012 là 36,004 tỷ đồng (năm 2011 là 21,602 tỷ đồng, năm 2012 là 14,402 tỷ đồng). Ngày 4/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 2035/TTg-KTTH tạm ứng ngân sách Trung ương 963 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện chế độ mua trang phục dân quân tự vệ năm 2011, trong đó tỉnh Yên Bái tạm ứng 21,602 tỷ đồng (Bộ Tài chính đã có Văn bản số 15717/BTC-NSNN ngày 18/11/2011 thông báo cho tỉnh).
Đối với kinh phí mua trang phục năm 2012, sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ xử lý kinh phí cho các địa phương, trong đó có tỉnh Yên Bái.
Đối với kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp, trợ cấp của lực lượng dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ, trên cơ sở báo cáo của tỉnh Yên Bái về nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương tại Công văn số 1838/UBND-TC ngày 31/8/2011, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2011 cho tỉnh, trong đó kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp, trợ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ là 33,497 tỷ đồng.
Như vậy, đối với các chế độ mới do Trung ương ban hành, trên cơ sở văn bản hướng dẫn và báo cáo nhu cầu kinh phí của các địa phương, Bộ Tài chính đã kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để thực hiện.
>> Tiếp tục cập nhật
Các tin khác
YBĐT - Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc/ Đài PT - TH Yên Bái tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm xây dựng và trưởng thành đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2011... và một số thông tin quan trọng khác.
Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Quốc khánh 2-9, sáng 1-9, đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta do các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày Tết Độc lập, nhìn vào hiện tại, ngẫm về quá khứ, mỗi chúng ta lại canh cánh món nợ với những người đã hy sinh...
YBĐT – Ngày 1/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Đài PT – TH Yên Bái tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (1/9/1957 – 1/9/2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.