Ngày 12/9 khai mạc phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Lấy phiếu tín nhiệm để sàng lọc lãnh đạo
- Cập nhật: Thứ tư, 12/9/2012 | 7:51:58 AM
Văn phòng Quốc hội cho biết, phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ khai mạc sáng 12-9.
Theo chương trình, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về nhiều dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Hộ tịch; Luật Việc làm; Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và đặc biệt Luật Đất đai (sửa đổi)...
Một nội dung quan trọng khác được đặt lên bàn nghị sự tại phiên họp này là đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là bước chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, quyết định quy trình này tại kỳ họp cuối năm nay.
UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán năm 2013, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và các báo cáo về công tác tư pháp.
Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và báo cáo về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai cũng sẽ được UBTVQH thảo luận tại phiên họp.
Sáng 11-9, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến về dự thảo đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đại diện các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh thành trên cả nước tham dự.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc xây dựng đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm tham mưu, giúp Quốc hội, HĐND tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần thực hiện quy định của Hiến pháp và luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm là căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng cán bộ và đặc biệt có thể kịp thời đưa ra khỏi bộ máy lãnh đạo những cán bộ không đủ đức, tài, không phải đợi đến khi hết nhiệm kỳ công tác.
Do đó, công việc hết sức quan trọng này cần được tiến hành dân chủ, khách quan, thận trọng, có cơ sở pháp lý; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và ngăn ngừa được tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho công tác cán bộ.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã cho ý kiến về nhiều nội dung như đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm; thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm; tiêu chí đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm...
Những ý kiến này sẽ được Ban chỉ đạo tiếp thu, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và dự kiến sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2012. Bên cạnh đề án này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng sẽ phê duyệt đề án tương tự về lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh quan trọng khác (nhưng không phải do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn).
(Theo SGGP)
Các tin khác
Trong sáng 10-9, tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Astana, Cộng hòa Kazakhstan đã diễn ra lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang do Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Nursultan Nazarbayev chủ trì.
Chiều tối 9/9 theo giờ địa phương, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới sân bay thủ đô Astana, Kazakhstan.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1357/CĐ-TTg về việc khắc phục sự cố sạt lở đất đá thuộc khu mỏ chì kẽm ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái sẽ ban hành Quy định về những vấn đề cấp bách và giải quyết các vấn đề về thiên tai, bão lũ trên địa bàn…