Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng thị xã Nghĩa Lộ ngày càng phát triển

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/10/2012 | 2:58:07 PM

YBĐT - Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang thị xã luôn luôn nêu cao ý chí tự lực, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để xây dựng Nghĩa Lộ ngày càng phát triển giàu đẹp hơn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra mô hình lúa chất lượng cao tại xã Nghĩa An.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra mô hình lúa chất lượng cao tại xã Nghĩa An.

Tháng 9 năm 1952, Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Trong phương án tác chiến chiến dịch, Phân khu Nghĩa Lộ - phân khu quân sự mạnh nhất của địch ở Tây Bắc được chọn là mục tiêu tấn công mở đầu. Bộ Chỉ huy chiến dịch được thành lập do Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng. Đại đoàn 308 - đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta được giao nhiệm vụ tấn công cứ điểm Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi) và cứ điểm Nghĩa Lộ phố - nơi đóng Sở Chỉ huy Phân khu của địch.

Ngày 14/10/1952, Chiến dịch Tây Bắc được mở màn. 16h30 phút ngày 17/10/1952, khi hỏa lực cối của ta bắn dồn dập phủ đầu vào cứ điểm Nghĩa Lộ phố, giải phóng Nghĩa Lộ bắt đầu. 17h ngày 17/10, Trung đoàn 102 nổ súng tiến công cứ điểm Pú Chạng. Sau hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống gần 400 tên địch, trong đó có trung tá Ti-ri-ông - Chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ. 3 giờ sáng ngày 18/10, Trung đoàn 88 nổ súng đánh cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Đến 8h sáng, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Nghĩa Lộ phố, tiêu diệt và bắt sống gần 300 tên địch, trong đó có đại úy Bác-be - Chỉ huy quân tăng viện.

Đêm 18/10, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tiếp tục tấn công cứ điểm Cửa Nhì, tiêu diệt và bắt sống trên 200 tên địch. Trong khi Đại đoàn 308 tiêu diệt Sở Chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ thì trên các hướng khác, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) tiêu diệt Sở Chỉ huy Tiểu khu Phù Yên. Quân địch ở Gia Hội rút chạy lên Tú Lệ, sang Sơn La, bị Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) tập kích tiêu diệt và làm tan rã hàng trăm tên địch.

Như vậy, chỉ sau hơn 10 ngày chiến đấu, Sở Chỉ huy Phân khu và hàng loạt các cứ điểm thuộc Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên của địch bị tiêu diệt. Đợt 1 Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi. Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái được hoàn toàn giải phóng. “Cánh cửa thép” Nghĩa Lộ chặn đường quân ta tiến vào giải phóng Tây Bắc đã được mở. Đòn tiến công mở đầu thắng lợi của quân và dân ta đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, tạo tiền đề thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo, tạo thế và lực cho trận quyết chiến chiến lược của ta ở Điện Biên Phủ sau này.

Chiến thắng Nghĩa Lộ khẳng định bước trưởng thành lớn mạnh của quân đội ta nói chung và các Đại đoàn chủ lực 308, 312, 316 nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự chỉ huy tài tình của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đây là một biểu tượng kết tinh của lòng yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc của lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, góp phần quan trọng vào công tác chuẩn bị và đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch thành công, chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai; mở ra một giai đoạn mới cho công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương Yên Bái, Văn Chấn, Nghĩa Lộ và tiếp tục đóng góp xứng đáng cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Từ chiến thắng Nghĩa Lộ, quân và dân Văn Chấn, Nghĩa Lộ tiếp tục góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và chiến đấu bảo vệ biên giới lãnh thổ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân; tiến hành công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu; củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Suốt 60 năm qua, cùng với những đổi thay trong quá trình phát triển đi lên của đất nước và của tỉnh, Nghĩa Lộ cũng đã có nhiều thay đổi.

Trải qua các thời kỳ hợp nhất, tái lập, thay đổi địa giới hành chính cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang thị xã luôn luôn nêu cao ý chí tự lực, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để xây dựng Nghĩa Lộ ngày càng phát triển giàu đẹp hơn.

Đặc biệt, từ khi thị xã Nghĩa Lộ được tái lập vào năm 1995 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Kinh tế của thị xã phát triển ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực: thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao (57,1%); các ngành dịch vụ chủ yếu như giao thông - vận tải, bưu chính - viễn thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, điện, nước phát triển nhanh về quy mô, chất lượng; công nghiệp - xây dựng phát triển khá; kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được quan tâm, góp phần thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống của người dân. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị được đẩy mạnh đã tạo ra sự thay đổi căn bản, toàn diện, khang trang hơn so với ngày đầu tái lập thị xã.

Các đồng chí Nguyễn Hữu Hiền - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy;  Nguyễn Thanh Sơn - Phó bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã kiểm tra tiến độ thi công kênh mương nội đồng tại xã Nghĩa Lợi.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được ưu tiên, thị xã trở thành một trong những địa phương đạt chuẩn sớm nhất về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và hiện phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước phát triển mới. Sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, truyền thanh - truyền hình phát triển mạnh, mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa đạt nhiều kết quả. Công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm được quan tâm, chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và tương đối bền vững. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên một bước.

Quốc phòng - an ninh bảo đảm giữ vững, không để xảy ra các điểm nóng phức tạp, bức xúc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo được củng cố, tăng cường, chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng thị xã ngày càng phát triển.

Ghi nhận những thành tích, kết quả đạt được của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang thị xã trong 60 năm qua, Nghĩa Lộ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp” cho nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Nghĩa Lộ (nay là thị xã Nghĩa Lộ) và Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Nghĩa Lộ, thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị xã, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cảm ơn sự ủng hộ, chia sẻ, động viên, phối hợp trách nhiệm của các huyện, thành phố, đặc biệt là cảm ơn, ghi nhận những công lao, thành tích, cống hiến, đóng góp của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc cho sự phát triển của thị xã trong những năm qua!

Phát huy truyền thống anh hùng và những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa, trung tâm kinh tế - thương mại - dịch vụ phát triển ở khu vực phía Tây của tỉnh và trở thành đô thị hạng 3 vào năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị, toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc thị xã phải tiếp tục tăng cường khối đoàn kết thống nhất, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nâng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng đạt 85% trở lên, trong đó thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng quan tâm đúng mức hơn đối với yêu cầu liên kết phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn và khu vực.

Bên cạnh đó là tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động; huy động tốt các nguồn lực nhằm tạo bước phát triển đột phá mới về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị.

 Đồng thời quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, trước hết là phát triển giáo dục gắn với đẩy mạnh đào tạo nghề; chú trọng phát triển toàn diện về văn hóa - thông tin - thể dục thể thao, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh gắn với bảo tồn, phát huy, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; triển khai thực hiện đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm Đề án Xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2012 - 2020; tiếp tục quan tâm đến công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đảm bảo tốt công tác quốc phòng - an ninh. Thị xã cũng tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực sự nâng cao và phát huy sức mạnh trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Kỷ niệm 60 năm giải phóng Nghĩa Lộ là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là dịp để chúng ta nhận thức rõ hơn những giá trị của cuộc sống trong hòa bình, độc lập, tự do, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 Nhận thức đúng đắn và sâu sắc về những giá trị đó, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và mỗi người dân thị xã sẽ sống, công tác, lao động và học tập cho xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước trong các giai đoạn lịch sử cách mạng nói chung và trong công cuộc chiến đấu, giải phóng Nghĩa Lộ 60 năm trước nói riêng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tự hào về truyền thống cách mạng nhưng cũng nhận thấy trách nhiệm để góp sức xây dựng quê hương - đấy là xúc cảm chung của nhiều người con Nghĩa Lộ, nhất là trong những ngày tháng 10 lịch sử của vùng đất này.

Ông Hoàng Văn Ngọc -  80 tuổi, bản Tông Co, phường Tân An:

Thời Pháp đô hộ, đồng bào Nghĩa Lộ mình cực khổ lắm, đàn ông thì chúng bắt đi phu, đi lính, đàn bà bị chúng bắt hầu hạ… Khi bộ đội tiến công đánh giặc thì người Thái, người Mường và nhiều dân tộc anh em khác ai cũng vui mừng, ra sức giúp bộ đội đánh tây. Giờ đây, dù còn nhiều vất vả bởi ruộng đất không nhiều nhưng nhà tôi và bà con trong bản Tông Co cũng như nhiều bản làng khác vẫn ra sức lao động, sản xuất và chăm lo xây dựng đời sống vật chất, tinh thần.

Bà Hoàng Thị Phượng - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghĩa An:

Là người cán bộ, tôi luôn tâm niệm phải giữ gìn phẩm chất trong sáng, lập trường tư tưởng vững vàng, nhất thiết phải phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương trong Đảng, trong dân để xây dựng quê hương Nghĩa An ngày càng no ấm, giàu đẹp. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Đảng bộ xã Nghĩa An là triển khai thực hiện nghiêm túc và thành công Nghị quyết TW 4 để người cán bộ đảng viên thực sự tiền phong gương mẫu, để quần chúng tin yêu và sớm xây dựng Nghĩa An trở thành xã nông thôn mới.

Thượng sỹ Hoàng Thị Lâm - Đội an ninh Công an thị xã Nghĩa Lộ

Là người đảng viên, người chiến sỹ công an nhân dân, cá nhân tôi càng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình phải ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho nhân dân cũng như rèn luyện bản thân để trở thành người đảng viên kiên trung, người cán bộ mẫu mực, người thanh niên nhiệt huyết để xứng đáng với thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương giải phóng quê hương Nghĩa Lộ.

Em Vũ Ngọc Hiền - lớp 9A - Trường THCS Tô Hiệu:

Là học sinh, em đã ra sức học tập và rèn luyện theo “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”. 8 năm qua em đều là học sinh giỏi toàn diện, đạt nhiều giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thị xã. Ước mơ của em là thi đỗ vào một trường đại học để mai này góp được nhiều công sức vào việc xây dựng quê hương, đất nước.

Tấn Đạt (thực hiện)

Nguyễn Hữu Hiền  - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ

Các tin khác

Trong khuôn khổ Đại hội Liên minh Bưu chính (UPU) thế giới lần thứ 25 diễn ra tại Doha (Qatar) từ ngày 24-9 đến 15-10, Việt Nam là 1 trong 40 nước được bầu vào Hội đồng điều hành của UPU nhiệm kỳ 2013-2016.

Ông Hà Thiết Hùng đang kể lại những thời khắc đáng nhớ trong ngày giải phóng Nghĩa Lộ.

YBĐT - Theo lời kể của ông Hà Thiết Hùng, năm 1947 thực dân Pháp đem quân đánh tái chiếm Văn Chấn, với âm mưu đánh nhanh và sử dụng lực lượng quân sự mạnh, vũ khí tối tân. Nhân dân ta đã nổi dậy với tinh thần quyết chiến quyết thắng và giành được thắng lợi ngày 18/10/1952.

Từ nay đến cuối năm, công tác điều hành giá sẽ được thực hiện quyết liệt để đảm bảo đạt được mục tiêu lạm phát ở mức một con số. Đồng thời, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai thông qua việc giãn, giảm các loại thuế.

YBĐT - Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức sơ kết công tác dân vận 9 tháng năm 2012, triển khai nhiệm vụ quý IV, gặp mặt kỷ niệm 82 năm ngày truyền thống công tác dân vận (ảnh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục