Hiến pháp phải bảo đảm tính lâu dài

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/11/2012 | 8:53:46 AM

YBĐT - Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội (QH) tập trung thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo này.

Đại biểu Dương Văn Thống phát biểu thảo luận
về dự thảo sửa đổi hiến pháp.
Đại biểu Dương Văn Thống phát biểu thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp.

Các đại biểu nhất trí đánh giá, Ban soạn thảo đã đầu tư nhiều công sức xây dựng Dự thảo Hiến pháp với qui trình chặt chẽ và công phu. Các đại biểu đồng tình với quan điểm xây dựng Hiến pháp phải thể chế hóa được Cương lĩnh xây dựng đất nước. Hiến pháp phải cụ thể hóa được Cương lĩnh, có những vấn đề sửa đổi không nên cứng nhắc nhưng không trái với Cương lĩnh.

Nhiều đại biểu tập trung thảo luận về quyền con người (chương II) của Dự thảo. Các đại biểu cho rằng, chương II được xây dựng có bố cục, kết cấu hợp lý. Số điều ở chương này tăng từ 34 lên 39 điều, được bổ sung quyền sống, các giá trị văn hóa, sử dụng ngôn ngữ, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân… là nguyên tắc mới phù hợp xu thế thời đại. Về kinh tế - xã hội (chương III), các đại biểu băn khoăn và có những ý kiến còn khác nhau trong xác định thành phần kinh tế: tập thể, nhà nước, tư nhân... Có ý kiến cho rằng, Hiến pháp không nên qui định cụ thể tên các thành phần kinh tế hay chú trọng thành phần kinh tế chủ đạo, như vậy mới bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Đoàn đại biểu QH tỉnh Yên Bái đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Hiến pháp.

Theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, Hiến pháp bao quát được các vấn đề cần điều chỉnh nhưng phải bảo đảm tính lâu dài, không bị sửa đổi thường xuyên. Điểm nổi bật của Dự thảo là nêu được quyền con người. Nhưng sự khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân chưa được làm rõ, nghĩa vụ công dân chưa được đề cập tới nhiều. Về vai trò các thành phần kinh tế, đại biểu cho rằng kinh tế Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo.

Đại biểu Giàng A Chu cho rằng, về chế độ chính trị, chính sách dân tộc, Dự thảo Hiến pháp nêu tương đối rõ, khẳng định rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với các dân tộc, thể hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc. Quyền của QH quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo nhưng chưa nêu rõ quyết định theo hướng nào, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm. Đại biểu tán thành việc giao cho QH phê chuẩn thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Chính phủ là hợp lý. Về chính quyền địa phương, đại biểu nhất trí với phương án 1 giữ hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước.

Khung giá đền bù đất phải thống nhất, phù hợp

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chiều cùng ngày, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai. Đại biểu cho rằng Luật Đất đai còn một số bất cập, pháp luật về đất đai còn thiếu đồng bộ, chồng chéo mâu thuẫn, áp dụng khó khăn, các chế tài chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất. 

Về giá đất và chính sách đền bù, thực tế cho thấy chính sách đền bù cơ bản thực hiện đúng khung giá, sát  giá thực tế ở địa phương. Nhưng khi thực hiện chính sách đền bù của Nhà nước đối với đất thu hồi xây dựng các công trình của T.Ư tại địa phương thường cao hơn đối với các công trình khác của địa phương khi thực hiện đền bù. Điều này chưa hợp lý gây ra sự so sánh về giá đền bù trong nhân dân là nguyên nhân gây khiếu kiện về đất đai. Vì vậy, đề nghị cần có qui định cụ thể trong Luật khi tiến hành, nên có khung giá thống nhất, phù hợp theo khung giá đền bù của địa phương không phân biệt công trình quốc gia hay địa phương.

Về thu hồi đất để sử dụng vào lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu nhất trí với việc chuyển đổi mục đích diện tích trồng lúa nước, rừng phòng hộ, đặc dụng phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng từ thực tế phát sinh, đại biểu đề nghị nên qui định hạn mức bao nhiêu đơn vị diện tích thì xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phần còn lại nên có cơ chế để Chính phủ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn ký cho chuyển đổi nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời vướng mắc trong thực hiện. 

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Giàng A Chu băn khoăn những vướng mắc về địa giới hành chính giữa các tỉnh, huyện, xã kéo dài nhiều năm qua; việc mua bán, chuyển nhượng đất... Vì vậy, Dự luật cần nghiên cứu có qui định chặt chẽ để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Công Bình phát biểu về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Công Bình cho rằng, Luật Đất đai có kết cấu bố trí có tăng số chương, số điều cho thấy Ban soạn thảo hết sức tích cực. Nhưng đại biểu băn khoăn nhiều vấn đề đưa ra thảo luận để giải quyết hết gốc lõi. Trong đó, Luật Đất đai 2003 có rất nhiều văn bản hướng dẫn, rất khó cho người dân áp dụng. Dự thảo Luật sửa đổi có ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan soạn thảo… nhưng cần mở rộng xin ý kiến nhân dân.

Đại biểu dẫn chứng, có tới 70- 80% đơn khiếu nại liên quan đến đất đai, những vướng mắc, khiếu kiện đó chưa được Ban soạn thảo đưa vào Luật một cách thỏa đáng. Vì vậy, đại biểu đề nghị có hướng xin ý kiến nhân dân vào Dự luật Đất đai mới giải quyết gốc lõi những vấn đề bất cập của Luật trước đây…

Huy Văn

Các tin khác
Đại biểu Phùng Quốc Hiển phát biểu thảo luận ở tổ.

YBĐT - Chiều 5/11, thảo luận về dự án Luật Hòa giải cơ sở, đại biểu Giàng A Chu và đại biểu Phùng Quốc Hiển - Đoàn đại biểu QH tỉnh Yên Bái đã tham gia đóng góp các ý kiến.

YBĐT - Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tại Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để giới thiệu nguồn quy hoạch cán bộ diễn ra sáng 5/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Theo Văn phòng Quốc hội (QH), bước sang tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII sẽ tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng.

YBĐT - Bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVII báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến đã có bài phát biểu quan trọng. YBĐT trân trọng gửi tới độc giả toàn văn bài phát biểu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục